Hiện tượng “uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo cả đời” dưới góc nhìn tâm lý học.
Chắc hẳn ai cũng từng “thầm yêu” một người, và cảm giác này có thể “gây nghiện”. Mỗi lần gặp người ấy, tim ta đập nhanh, miệng lắp bắp, hai má ửng đỏ.
Crush một người làm cuộc sống thêm màu hồng, với nhiều kỳ vọng và mộng tưởng. Vậy tâm lý chúng ta thay đổi ra sao khi trái tim “say nắng” ai đó?
Bộ não có một nơi thú vị gọi là “hệ thống nhận thức”. Đây là nơi lưu giữ ký ức, kinh nghiệm, sở thích và hình ảnh bản thân.
Theo giáo sư tâm thần học Stephanie Cacioppo, hệ thống này kích hoạt khi ta gặp người có tiềm năng làm bạn đời, dù đó là người quen hay lạ. “Nó giúp chúng ta nhận ra ai có thể yêu,” bà Cacioppo chia sẻ trên Insider.
Quá trình này diễn ra rất nhanh so với tốc độ nhận thức của chúng ta. Nhưng trong nhiều trường hợp, nó có thể kích thích những phản ứng sinh lý như tim đập nhanh, toát mồ hôi và đỏ mặt. Đây là lý do khi nhìn thấy crush, ta lại “tim đập chân run” và ấp úng không nói nên lời, dù rất muốn thể hiện tình cảm với họ.
Hormone thay đổi điều khiển lý trí và hành vi
Dopamine
Giống như tình yêu, khi bị cuốn hút bởi ánh mắt của crush, não bộ sẽ tự động sản sinh dopamine - hormone trao thưởng khiến ta cảm thấy rạo rực, vui vẻ và háo hức. Chỉ cần nghĩ về crush thôi cũng đã đủ để dopamine được giải phóng. Não thích cảm giác hạnh phúc này, nên ta không ngừng nghĩ về crush và luôn muốn tìm cơ hội gặp họ.
Tuy nhiên, lúc này những suy nghĩ về crush phần lớn là lãng mạn hóa, vì bạn chưa biết nhiều và chưa tương tác thực sự với họ. Theo Varsity, khi biết về crush nhiều hơn, có lúc hình tượng của họ sẽ sụp đổ trong lòng bạn. Dopamine là yếu tố “giữ chân” bạn lại. Bạn có thể muốn ngừng crush họ, nhưng việc gặp lại họ sẽ khiến trái tim bạn tiếp tục tìm kiếm niềm vui ấy.
Oxytocin
Ngoài dopamine, não bộ còn sản sinh nhiều oxytocin khi ta có cảm tình với ai đó. Hormone này kích thích cảm giác ấm áp và ngọt ngào, giúp duy trì tình cảm với người ấy. Vì vậy, oxytocin còn được gọi là “hormone tình yêu”.