Trái phiếu doanh nghiệp là gì?
Trái phiếu là một loại chứng khoán có thời hạn từ 01 năm trở lên được doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành (TCPH).
Phân loại các loại trái phiếu doanh nghiệp
- Trái phiếu chuyển đổi: là loại trái phiếu do CTCP phát hành, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của TCPH theo điều kiện, điều khoản đã được xác định trong phương án phát hành trái phiếu.
- Trái phiếu có bảo đảm: là loại trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc khi đến hạn bằng tài sản của TCPH hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; hoặc được bảo lãnh thanh toán theo quy định của pháp luật.
- Trái phiếu kèm chứng quyền là loại trái phiếu được CTCP phát hành kèm theo chứng quyền, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông của TCPH theo điều kiện, điều khoản đã được xác định trong phương án phát hành trái phiếu.
- Trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền hoặc không có tài sản đảm bảo: Là trái phiếu được phát hành không thuộc các trường hợp nêu trên.
- Trái phiếu doanh nghiệp xanh: là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành để đầu tư cho dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.
Các hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Phát hành ra công chúng: Là việc chào bán theo một trong các phương thức sau: Chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng; Chào bán cho từ 100 nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; Chào bán cho các nhà đầu tư không xác định.
Phát hành riêng lẻ: Là việc chào bán theo một trong các phương thức sau: Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; Chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Những điều kiện khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu
Tuỳ vào hình thức phát hành, pháp luật có các quy định khác nhau về điều kiện:
ĐIỀU KIỆN PHÁT HÀNH | |
PHÁT HÀNH RA CÔNG CHÚNG | PHÁT HÀNH RIÊNG LẺ
|
1. Có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
2. Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm;
3. Có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán được ĐHĐCĐ hoặc HĐQT hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua;
4. Có cam kết thực hiện nghĩa vụ của TCPH đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác;
5. Có CTCK tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng, trừ trường hợp TCPH là CTCK;
6. TCPH không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích;
7. Có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với TCPH trái phiếu theo quy định của Chính phủ về các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng;
8. Phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua trái phiếu của đợt chào bán;
9. TCPH có cam kết và phải thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán. |
1. Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền:
a) Là CTCP hoặc công ty TNHH được thành lập và hoạt động theo pháp luật VN.
b) Thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có); trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn.
c) Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
d) Có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận.
đ) Có BCTC năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện.
e) Đối tượng tham gia đợt chào bán theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 153/2020/NĐ-CP.
2. Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền của CTCK, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng: doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ và điểm e tại mục 1 nêu trên.
3. Đối với chào bán trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền:
a) Doanh nghiệp phát hành là CTCP.
b) Đối tượng tham gia đợt chào bán theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 153/2020/NĐ-CP.
c) Đáp ứng các điều kiện chào bán quy định tại điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ mục 1.
d) Các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán gần nhất.
đ) Việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.
|
Xem thêm thông tin:
- Khái niệm về trái phiếu - Những rủi ro khi đầu tư vào Trái phiếu
- Những điểm quan trọng khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp
- Sự khác biệt giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp
- Tình hình thị trường trái phiếu bất động sản hiện tại