
Ô Quý Hồ | |
Đèo đường bộ | |
Quốc gia | Việt Nam |
---|---|
Địa khu | Giáp ranh Lào Cai và Lai Châu |
Cao độ | 1.991 m (6.532 ft) |
Tọa độ | |
Múi giờ | ICT (UTC+7) |

Đèo Ô Quý Hồ, còn được biết đến với tên đèo Ô Quy Hồ hoặc đèo Hoàng Liên Sơn, nằm trên quốc lộ 4D tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, Việt Nam.
Con đèo này cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, với đỉnh đèo gần sát ranh giới của hai tỉnh. Tên chính thức theo đường phân thủy là 'đèo Trạm Tôn'. Đèo còn có tên gọi địa phương là Cổng Trời. Tuy nhiên, du khách thường biết đến nó với tên gọi đèo Ô Quý Hồ khi đến Tây Bắc Việt Nam.
Với chiều dài hơn 50 km và độ cao gần 2 km so với mực nước biển, đèo này là một trong những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ nhất miền núi phía Bắc Việt Nam.
Tên gọi
Tên gọi của đèo Ô Quy Hồ bắt nguồn từ bản Ô Quy Hồ nằm gần quốc lộ 4D, hiện thuộc phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa. Tên bản này được đặt theo tiếng H'Mông, nhưng du khách thường gọi là 'Ô Quy Hồ' vì phát âm dễ chịu hơn. Ngoài ra, đèo còn được gọi là đèo Hoàng Liên hoặc đèo Hoàng Liên Sơn do nó nằm trên dãy núi Hoàng Liên Sơn, hoặc đèo Mây vì quanh năm mây bao phủ đỉnh đèo.
Theo truyền thuyết, vùng núi này từng có một loài chim với tiếng kêu thảm thiết, gắn liền với một câu chuyện tình yêu không thành của một cặp đôi. Do đó, tiếng kêu ô quy hồ của loài chim đã trở thành tên của con đèo hoang sơ này, nằm ở độ cao gần 2 km.
Đặc điểm
Đèo Ô Quý Hồ trải dài ngoằn ngoèo trên quốc lộ 4D, trong đó 2/3 đoạn đường thuộc huyện Tam Đường, Lai Châu và 1/3 còn lại nằm ở Sa Pa, Lào Cai. Đây có thể là con đèo dài nhất miền núi Tây Bắc Việt Nam, với chiều dài gần 50 km, dài hơn cả đèo Pha Đin (32 km, nằm giữa Sơn La và Điện Biên) và đèo Khau Phạ (gần 40 km, thuộc Yên Bái). Với độ dài, độ cao và độ hiểm trở, Ô Quý Hồ được ví von không chính thức là 'vua đèo Tây Bắc'.
Khi du khách từ Sa Pa đi tham quan Thác Bạc, cung đường dài khoảng 12 km dẫn qua cổng vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn với trạm kiểm lâm Trạm Tôn, một trong những điểm xuất phát chinh phục đỉnh Fansipan cao 1940 m. Chỉ vài km nữa, bạn sẽ đến đỉnh đèo Ô Quý Hồ, nằm ở độ cao gần 2 km. Đỉnh đèo, giữa mây mù bao phủ, còn được gọi là Cổng Trời.
Trước đây, con đèo Ô Quý Hồ, với những đoạn đường hiểm trở, từng ít người dám chinh phục do nhiều truyền thuyết rùng rợn, trong đó có những câu chuyện về hổ thần rình bắt người qua lại. Hiện nay, con đường đã được cải thiện nhiều, thu hút nhiều phượt thủ đến khám phá. Tuy nhiên, việc di chuyển qua đèo vẫn là một thử thách với các tài xế, khi một bên là vực sâu và bên kia là vách đá dựng đứng. Nhiều biển cảnh báo nguy hiểm đã được dựng lên và có không ít tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên cung đường này. Để từ Hà Nội đến Lai Châu, nhiều người chọn đi tàu hỏa đến Lào Cai rồi tiếp tục hành trình bằng xe khách qua đèo Ô Quý Hồ.
Khí hậu

Dãy núi Hoàng Liên Sơn tạo ra sự khác biệt rõ rệt trong khí hậu hai bên đèo ở Cổng Trời. Vào mùa đông, trong khi Tam Đường vẫn ấm áp thì Sa Pa bị gió lạnh thổi mạnh, cả ngày chìm trong sương mù, tầm nhìn giảm xuống dưới 2 mét và cảnh quan núi rừng bị bao phủ trong mây. Ngược lại, mùa hè, khí hậu ở Sa Pa mát mẻ trong khi Tam Đường lại chịu sự khô nóng do gió Lào, làm khô cạn suối và khiến cỏ xanh trở nên khô héo dưới ánh nắng mặt trời.
Trong những đợt thời tiết lạnh giá, đỉnh đèo Ô Quý Hồ có thể bị bao phủ hoàn toàn bởi băng tuyết.
Đèo dài nhất Việt Nam
Hiện tại, Đèo Ô Quý Hồ giữ kỷ lục là đèo dài nhất Việt Nam với chiều dài gần 50 km.
Hình ảnh


Ghi chú
Chú thích
Liên kết bên ngoài
- Ấn tượng với các con đèo. Đại Đoàn Kết, 29/09/2017.
- Những con đèo tuyệt đẹp ở miền Bắc Lưu trữ ngày 28-07-2008 tại Wayback Machine



Đèo Việt Nam | ||
---|---|---|
Đông Bắc sông Hồng |
| |
Tây Bắc |
| |
Bắc Trung bộ |
| |
Nam Trung bộ |
| |
Tây Nguyên |
| |
Nam bộ |
| |
Di tích đặc biệt ● Hang động ● Thác nước ● Đèo ● Chùa ● Đình ● Đền ● Nhà thờ ● Tháp cổ ● Tháp Chăm |