Học chuyên ngành du lịch, nhưng sau này trở thành lập trình viên. 3 năm làm trong lĩnh vực luật, và năm thứ 4 chuyển sang truyền thông. Chúng ta đã nghe nhiều câu chuyện về việc chuyển việc, nhưng những “bước nhảy” sang một lĩnh vực hoàn toàn mới thì sao?
Đối diện với những lo lắng về việc chuyển ngành, các câu hỏi như “Lĩnh vực này có phù hợp với mình không?”, “Mình có nên thay đổi hướng đi không?” luôn quay cuồng trong tâm trí.
Việc đổi ngành có thể thực hiện được ở những năm đầu sự nghiệp, nhưng khi đã đạt được một vị trí cao trong ngành, quá trình chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn mới và bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất có thể khiến bất kỳ ai cũng bị nản lòng.
Chuẩn bị gì trước khi bước vào ngành mới?
Nghiên cứu kỹ lưỡng về mọi khía cạnh của lĩnh vực mới
Lĩnh vực mới có thể mang đến áp lực, rủi ro khác biệt so với những gì bạn đã trải qua. Hãy chắc chắn bạn đã tìm hiểu kỹ về thị trường, doanh nghiệp, kỹ năng cần thiết, và mức lương...
Các giá trị trong lĩnh vực mới cần phải phù hợp với hướng đi tương lai của bạn, đây là yếu tố quan trọng nhất định đến sự ổn định lâu dài.
Nên tham khảo ý kiến từ nhiều nguồn
Một mẹo nữa là khi chuẩn bị ứng tuyển vào một công ty, bạn nên tìm cơ hội để trò chuyện với những người đang làm việc tại đó. Hỏi ý kiến từ cả những người đã sử dụng dịch vụ, sản phẩm của công ty này.
Việc lắng nghe ý kiến từ nhiều nguồn sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện nhất về hướng đi của mình.
Trải qua hơn 7 năm đồng hành cùng lĩnh vực giáo dục, Chị Nguyễn Ánh quyết định mở ra một hướng đi mới trong lĩnh vực truyền thông.
Chị chia sẻ: “Trước khi gia nhập công ty hiện tại, tôi đã có dịp trò chuyện với CEO và các thành viên trong tổ chức để hiểu sâu hơn về môi trường làm việc. Sau khi thu thập ý kiến từ người thân và cả khách hàng của công ty, tôi tự tin rằng mình sẽ làm tốt vai trò mới này”.
Đầu tư cho các khoá học
Chuyển đổi sang một lĩnh vực mới không nhất thiết phải có thêm bằng cấp. Có rất nhiều khóa học trực tuyến linh hoạt về thời gian hoặc các khoá học ngắn hạn chuyên sâu.