Trước khi đầu tư vào cổ phiếu của một doanh nghiệp, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lợi nhuận của doanh nghiệp như thế nào? Tuy nhiên, thông tin quan trọng không kém là phải biết doanh nghiệp sở hữu tài sản gì, vốn của doanh nghiệp từ đâu, và liệu công ty đang nợ nhiều hay không? Những câu hỏi này sẽ được trả lời thông qua việc đọc và hiểu bảng cân đối kế toán (CĐKT) của một doanh nghiệp.
Bảng cân đối kế toán là gì?
Theo mục 1.1 khoản 1 điều 112 TT200/2014/TT-BTC, Bảng cân đối kế toán là báo cáo tài chính tổng hợp, thể hiện toàn bộ giá trị tài sản hiện có và nguồn hình thành tài sản đó của một doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định. Bảng CĐKT có thể được xem như một bức tranh về tình hình Tài sản và Nguồn vốn của doanh nghiệp tại một thời điểm cụ thể. Việc lập bảng CĐKT giúp nhà đầu tư hiểu được các tài sản mà doanh nghiệp đang sở hữu bao gồm gì (ví dụ như tiền và các tương đương tiền, hàng tồn kho, tài sản cố định...) cũng như nguồn vốn của công ty được hình thành từ đâu (nợ vay hay vốn chủ sở hữu).
Xem lại:
- Hướng dẫn đọc và hiểu báo cáo tài chính của các doanh nghiệp
- Tại sao báo cáo tài chính của ngân hàng (công ty bảo hiểm, chứng khoán) khác với các doanh nghiệp khác?
Nội dung trên bảng cân đối kế toán bao gồm những gì?
Bảng cân đối kế toán chia thành 2 phần chính: Tài sản và nguồn vốn.
Tài sản là những gì công ty sở hữu và sử dụng, có thể được sử dụng cho hoạt động kinh doanh.
Nguồn vốn ở đây là nguồn tài chính của công ty, bao gồm vốn huy động từ cổ đông và các khoản nợ phải trả như vay mượn ngân hàng và phần lợi nhuận chưa phân phối.
Ví dụ: Bảng CĐKT của công ty X (đơn vị: triệu đồng) như sau:
Tài sản | Đầu kì | Cuối kì | Nguồn vốn | Đầu kì | Cuối kì |
TỔNG TÀI SẢN NGẮN HẠN | 16,347 | 16,981 | NỢ PHẢI TRẢ | 9,285 | 9,895 |
Tiền và tương đương tiền | 2,985 | 1,419 | Nợ ngắn hạn | 8,868 | 9,366 |
Giá trị thuần đầu tư ngắn hạn | 13,134 | 15,206 | Nợ dài hạn | 417 | 529 |
Các khoản phải thu | 70 | 199 | VỐN CHỦ SỞ HỮU | 7,141 | 7,150 |
Hàng tồn kho ròng | 0.00 | 0.00 | Vốn và các quỹ | 7,141 | 7,150 |
Tài sản lưu động khác | 157 | 155 | Các quỹ khác | 0.00 | 0.00 |
TỔNG TÀI SẢN DÀI HẠN | 80 | 64 | Lãi chưa phân phối | 1,958 | 1,658 |
Phải thu dài hạn | 0.00 | 0.00 | Vốn Ngân sách nhà nước và quỹ khác | 0.00 | 0.00 |
Tài sản cổ định | 16 | 12 | LỢI ÍCH CỦA CỔ ĐÔNG THIỂU SỐ | 0.00 | 0.00 |
Giá trị ròng tài sản đầu tư | 0.00 | 0.00 | |||
Đầu tư dài hạn | 0.00 | 0.00 | |||
Lợi thế thương mại | 0.00 | 0.00 | |||
Tài sản dài hạn khác | 56 | 46 | |||
TỔNG TÀI SẢN | 16,427 | 17,045 | TỔNG NGUỒN VỐN | 16,427.42 | 17,045.91 |
Theo nguyên tắc, Tổng tài sản luôn bằng tổng nguồn vốn của doanh nghiệp (nghĩa là doanh nghiệp huy động vốn và sử dụng để tạo ra tài sản phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh), do đó khi quy mô doanh nghiệp mở rộng thì bảng cân đối kế toán cũng sẽ mở rộng thêm.
Nhà đầu tư có thể tham khảo bảng CĐKT của các công ty niêm yết tại đây
Làm sao nhà đầu tư có thể phân tích bảng Cân đối kế toán?
- Để đánh giá sức khỏe của doanh nghiệp qua bảng cân đối kế toán, thông thường chúng ta sử dụng 3 phương pháp:
(1) So sánh biến động của các chỉ tiêu từ đầu kỳ đến cuối kỳ, ví dụ như với công ty X, tổng tài sản tăng thêm 618 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 3,76%.
(2) Tỷ lệ của từng khoản mục so với tổng tài sản hoặc tổng nguồn vốn, ví dụ như đối với công ty X, tỷ lệ tài sản ngắn hạn chiếm 99,51% trong tổng tài sản (một con số rất cao)
(3) Đánh giá tổng thể các khoản mục trên bảng cân đối kế toán, ví dụ như với công ty X khi đánh giá khả năng thanh toán nợ ngắn hạn bằng cách so sánh giữa nợ ngắn hạn và tài sản ngắn hạn, ta thấy tài sản ngắn hạn gấp 1,846 lần nợ ngắn hạn, cho thấy công ty có khả năng cao để trả nợ khi đến hạn.
Nhà đầu tư có thể nhìn thấy những gì về doanh nghiệp từ bảng CĐKT?
Khả năng thanh khoản của tài sản công ty như thế nào?
Trả lời: Có, dựa trên việc xem xét tính thanh khoản của tài sản ngắn hạn trên bảng cân đối kế toán, ví dụ như với công ty X, các khoản đầu tư ngắn hạn được sắp xếp theo mức độ chuyển đổi thành tiền mặt giảm dần.
Công ty có khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn đến hạn không?
Trả lời: Được, thông qua đánh giá tương quan giữa tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn
Công ty đang vay nợ như thế nào? Có vay quá nhiều không?
Trả lời, Có, thông qua việc đánh giá tỷ lệ Nợ/Tổng tài sản hoặc Nợ/Tổng nguồn vốn để đánh giá mức độ sử dụng nợ để tài trợ cho tài sản của doanh nghiệp.
Chỉ số nào được coi là tốt trên bảng cân đối kế toán?
Trả lời, không có một kết quả cụ thể cho tiêu chí “tốt” trên bảng CĐKT do nhiều nguyên nhân khác nhau ví dụ như: Hàng tồn của công ty tăng mạnh so với kỳ trước, điều này có thể tốt trong trường hợp (1) đặc tính mùa vụ như các công ty bánh kẹo, thường Quý 4 là thời điểm các doanh nghiệp này tích trữ hàng để phục vụ mùa Tết (2) giá nguyên liệu thấp và công ty tăng thu mua (3) công ty đang chuẩn bị các đơn hàng lớn cho đối tác. Tuy nhiên, điều này cũng có thể là dấu hiệu xấu cho thấy công ty đang gặp khó khăn trong sản xuất, hàng hóa bán chậm. Vì vậy, bên cạnh việc phân tích các con số trên bảng CĐKT, nhà đầu tư cũng cần phải tìm hiểu thêm về những đặc thù liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và thị trường của doanh nghiệp.