Trong quá trình sản xuất kinh doanh, lợi nhuận là một trong những mục tiêu quan trọng mà các doanh nghiệp hướng tới. Những chỉ tiêu về lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ được thể hiện rõ trên báo cáo tài chính, đặc biệt là ở bảng báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD). Để hiểu rõ hơn về nội dung, cách phân tích và các lưu ý khi phân tích BCTC này, chúng ta cùng tìm hiểu qua một số thông tin liên quan của doanh nghiệp.
Báo cáo kết quả kinh doanh là gì?
Theo khoản 1 mục a, Điều 112 của Thông tư 200/2014/TT-BTC, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh thể hiện tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm kết quả từ hoạt động kinh doanh chính và các hoạt động tài chính và khác của doanh nghiệp. Nói cách khác, báo cáo KQKD là một bảng tổng hợp các thông tin liên quan đến doanh thu, chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp. Báo cáo KQKD giúp nhà đầu tư có cái nhìn tổng quát về việc doanh nghiệp thu được bao nhiêu tiền từ việc bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ báo cáo, cũng như chi phí mà doanh nghiệp phải chi ra..., và cuối cùng là lợi nhuận mà doanh nghiệp mang lại cho cổ đông sau khi đã hoàn thành các nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Phân tích chi tiết BCTC kinh doanh giúp nhà đầu tư nhận biết sự thay đổi trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, có thể tăng lên hoặc giảm đi.
Xem lại:
- Đọc và hiểu bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp
- Hướng dẫn đọc và hiểu báo cáo tài chính của doanh nghiệp
Báo cáo Kết quả kinh doanh có những nội dung gì?
Theo mẫu B02-DN được quy định trong Thông tư 200, báo cáo KQKD gồm 19 mục chính, được tổ chức thành 3 nhóm chính: (1) Doanh thu (2) Chi phí và (3) Lợi nhuận.
Doanh thu của doanh nghiệp bao gồm các khoản liên quan đến hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ; doanh thu từ hoạt động tài chính (ví dụ như thu nhập từ lãi suất cho vay) và các khoản doanh thu khác.
Chi phí của doanh nghiệp bao gồm các khoản chi phí liên quan đến giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính (ví dụ như chi phí lãi vay), các khoản chi phí khác cũng như các khoản liên quan đến thuế TNDN đóng cho nhà nước.
Lợi nhuận của doanh nghiệp có thể bao gồm các chỉ tiêu: lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ, lợi nhuận khác, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế.
Ví dụ: Bảng báo cáo KQKD của công ty X (đvt: tỷ đồng) như sau:
STT | Chỉ tiêu | Cuối kì | Đầu kì |
1 | Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ | 150.865 | 91.279 |
2 | Các khoản giảm trừ doanh thu | -1.185 | -1.160 |
3 | Doanh thu thuần | 149.679 | 90.118 |
4 | Giá vốn hàng bán | -108.571 | -71.214 |
5 | Lãi gộp | 41.108 | 18.904 |
6 | Thu nhập tài chính | 3.071 | 1.004 |
7 | Chi phí tài chính | -3.731 | -2.837 |
Trong đó: Chi phí tiền lãi vay | -2.525 | -2.191 | |
8 | Chi phí bán hàng | -2.120 | -1.090 |
9 | Chi phí quản lý DN | -1.324 | -690 |
10 | Lãi/Lỗ từ hoạt động kinh doanh | 37.008 | 15.292 |
11 | Thu nhập khác | 796 | 654 |
12 | Lãi lỗ trong công ty liên doanh, liên kết | 0 | 0 |
13 | Thu nhập/Chi phí khác | -748 | -589 |
14 | Lãi/Lỗ ròng trước thuế | 37.056 | 15.356 |
15 | Thuế TNDN - hiện thời | -2.855 | -1.784 |
16 | Thuế TNDN - Hoãn lại | 319 | -66 |
17 | Lãi/Lỗ ròng sau thuế | 34.520 | 13.506 |
18 | Lợi ích của cổ đông thiểu số | 42 | 55 |
19 | Lãi/Lỗ thuần của cổ đông công ty mẹ | 34.478 | 13.450 |
Ghi chú: Các khoản mục liên quan đến lợi nhuận được in đậm, các khoản liên quan đến chi phí có màu đỏ, trong một số báo cáo KQKD các khoản mục liên quan đến chi phí sẽ ghi trong ngoặc đơn hoặc thể hiện số âm
Nhà đầu tư có thể tham khảo bảng CĐKT của các doanh nghiệp niêm yết tại đây
Làm thế nào để nhà đầu tư phân tích bảng báo cáo KQKD?
- Để tổng quát hóa việc phân tích báo cáo KQKD, nhà đầu tư có thể sử dụng phương pháp sau đây:
1. Phân tích theo chiều ngang
So sánh chỉ số cuối kỳ với đầu kỳ để nhận thấy sự thay đổi của các chỉ số phân tích về giá trị tuyệt đối (lấy số cuối kỳ trừ đi số đầu kỳ). Trong bảng báo cáo, nhà đầu tư có thể thấy được doanh thu của công ty X cuối kỳ tăng 59.586 tỷ đồng so với đầu kỳ. Hoặc lấy giá trị thay đổi chia cho số đầu kỳ để nhìn thấy % tăng/giảm của chỉ số phân tích. Ví dụ với báo cáo KQKD này, ta có
STT | Chỉ tiêu | Cuối kì (1) | Đầu kì (2) | Thay đổi (3) = (1) – (2) | % thay đổi (4) = (3)/(2) |
3 | Doanh thu thuần | 149.679 | 90.118 | 59.561 | 66,09% |
18 | Lãi/Lỗ ròng sau thuế | 34.520 | 13.506 | 21.014 | 155,59% |
2. Phân tích theo chiều dọc
So sánh tỷ lệ chi phí và lợi nhuận trên tổng doanh thu thuần, khi xem xét chỉ số này nhà đầu tư sẽ nhận thấy rằng trong mỗi 100 đồng doanh thu thuần của doanh nghiệp, có bao nhiêu đồng là chi phí và bao nhiêu đồng là lợi nhuận. Để tính chỉ số này, nhà đầu tư lấy các khoản từ 3 đến 19 trên báo cáo KQKD chia cho doanh thu thuần.
STT | Chỉ tiêu | Cuối kì | Đầu kì | Tỷ trọng cuối kì | Tỷ trọng đầu kì | Thay đổi |
3 | Doanh thu thuần | 149.679 | 90.118 | |||
4 | Giá vốn hàng bán | -108.571 | -71.214 | 72,5% | 79,0% | -6,5% |
18 | Lãi/Lỗ ròng sau thuế | 34.520 | 13.506 | 23,1% | 15,0% | 8,1% |
Bằng cách sử dụng hai phương pháp phân tích này, nhà đầu tư có thể thấy rằng (1) trong ví dụ minh họa, doanh nghiệp có sự tăng trưởng rất tích cực về doanh thu và lợi nhuận, cụ thể là tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao hơn so với doanh thu. (2) Trong mỗi 100 đồng doanh thu cuối kỳ, chi phí hàng bán chỉ chiếm 72,5 đồng, ít hơn 6,5 đồng so với đầu kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 23,1 đồng, cao hơn nhiều so với 15 đồng của kỳ trước.
Nhà đầu tư cần lưu ý điều gì khi phân tích báo cáo KQKD?
- Các chỉ số về doanh thu và lợi nhuận cần phát triển qua các năm và tốc độ tăng trưởng cao hơn so với các chỉ số chi phí, điều này cho thấy công ty đang có những dấu hiệu rất tích cực!
- Tập trung vào đánh giá lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính vì chỉ số này thể hiện tính ổn định và bền vững trong lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp.
- Cần so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành, các chỉ số bình quân ngành như tỷ lệ giá vốn trên doanh thu, lợi nhuận sau thuế trên doanh thu… để nhận thấy liệu doanh nghiệp nhà đầu tư có thực sự vượt trội hay không?