Trong báo cáo tài chính của công ty, bảng cân đối kế toán cho thấy tình hình tài sản và nguồn vốn của công ty. Báo cáo kết quả kinh doanh phản ánh doanh thu, chi phí và lợi nhuận. Đối với báo cáo lưu chuyển tiền tệ (LCTT), nó cho thấy dòng tiền của công ty diễn biến như thế nào. Báo cáo LCTT giúp nhà đầu tư biết được số tiền ban đầu, số tiền còn lại vào cuối kỳ và cách công ty sử dụng tiền trong kỳ báo cáo cho các hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là gì?
Báo cáo LCTT là phần của Báo cáo tài chính đề cập đến dòng tiền thực tế của doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh, đầu tư và tài chính. Việc phân loại theo từng hoạt động giúp người dùng báo cáo LCTT đánh giá được tác động của từng hoạt động này đến tài chính và số dư tiền của doanh nghiệp. Nói một cách đơn giản, báo cáo LCTT giải thích các giao dịch tiền tệ trong ngày của doanh nghiệp tương tự như bạn đi ra ngoài với một số tiền, và khi trở về nhà, số tiền này có thay đổi như thế nào.
Xem lại:
- Đọc và hiểu báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp
- Đọc và hiểu bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp
Nội dung của báo cáo lưu chuyển tiền tệ là gì?
Theo mẫu B03-DN được quy định trong TT200, báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp gồm 3 mục chính:
(1) Lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh: thể hiện các dòng tiền vào và ra liên quan đến sản xuất kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp như tiền thu – chi từ bán hàng và cung cấp dịch vụ …
(2) Hoạt động đầu tư thể hiện sự khác biệt giữa tổng số tiền thu vào và tổng số tiền chi ra từ hoạt động đầu tư trong kỳ báo cáo, đây là dòng tiền chi ra cho các nguồn lực dự kiến góp phần vào hoạt động tương lai của doanh nghiệp. Chỉ có các chi phí để tạo ra các tài sản được ghi nhận trong BCTC mới đáp ứng tiêu chuẩn đầu tư. Ví dụ như chi tiêu mua sắm, xây dựng bất động sản, nhà xưởng, thiết bị, tài sản vô hình và tài sản dài hạn khác.
(3) Hoạt động tài chính phản ánh sự khác biệt giữa tổng số tiền thu vào và tổng số tiền chi ra từ hoạt động tài chính trong kỳ báo cáo, dòng tiền này hữu ích cho các nhà đầu tư để dự đoán khả năng thu hồi các dòng tiền trong tương lai từ các bên đã tài trợ cho doanh nghiệp. Ví dụ như tiền thu từ phát hành giấy nợ, các khoản vay, trái phiếu, các khoản vay có thế chấp, các khoản vay ngắn hạn và dài hạn khác;
Ví dụ: Bảng báo cáo LCTT của công ty X (đvt: tỷ đồng) như sau:
STT | Chỉ tiêu | Cuối kì | Đầu kì |
1 | Lãi/Lỗ ròng trước thuế | 37,056.78 | 15,356.97 |
2 | Chi phí khấu hao TSCĐ | 6,076.52 | 4,775.78 |
3 | Chi phí dự phòng | 163.18 | 28.31 |
4 | Lãi/Lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện | 41.94 | 52.08 |
5 | Lãi/Lỗ từ thanh lý tài sản cố định | 0.00 | 0.00 |
6 | Lãi/Lỗ từ hoạt động đầu tư | -1,661.08 | -490.56 |
7 | Thu nhập lãi | 2,525.82 | 2,191.68 |
8 | Thu lãi và cổ tức | 0.00 | 0.00 |
9 | Lãi/Lỗ trước những thay đổi vốn cố định | 44,209.14 | 21,932.34 |
10 | Tăng/Giảm hàng tồn kho | -16,949.19 | -7,061.02 |
11 | Tăng/Giảm các khoản phải trả | 9,250.11 | 4,251.74 |
12 | Tăng/Giảm chi phí trả trước | -813.99 | -89.04 |
13 | Chi phí lãi vay đã trả | -2,567.28 | -2,027.57 |
14 | Tiền thu nhập doanh nghiệp đã trả | -2,743.08 | -1,716.80 |
15 | Tiền thu khác từ các hoạt động kinh doanh | 0.00 | 0.00 |
16 | Tiền chi khác từ các hoạt động kinh doanh | -625.41 | -328.36 |
17 | Lưu chuyển tiền tệ ròng từ các hoạt động SXKD | 26,720.91 | 11,587.25 |
18 | Tiền mua tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác | -11,621.47 | -11,915.65 |
19 | Tiền thu được từ thanh lý tài sản cố định | 49.35 | 34.42 |
20 | Tiền cho vay hoặc mua công cụ nợ | -41,061.49 | -11,971.17 |
21 | Tiền thu từ cho vay hoặc thu từ phát hành công cụ nợ | 31,076.41 | 5,003.44 |
22 | Đầu tư vào các doanh nghiệp khác | 0.00 | 0.00 |
23 | Tiền thu từ việc bán các khoản đầu tư vào doanh nghiệp khác | 833.83 | 0.00 |
24 | Cổ tức và tiền lãi nhận được | 1,053.92 | 353.56 |
25 | Lưu chuyển tiền tệ ròng từ hoạt động đầu tư | -19,669.45 | -18,495.40 |
26 | Tiền thu từ phát hành cổ phiếu và vốn góp | 10.63 | 2.70 |
27 | Chi trả cho việc mua lại, trả cổ phiếu | 0.00 | 0.00 |
28 | Tiền thu được các khoản đi vay | 125,075.42 | 83,074.12 |
29 | Tiền trả các khoản đi vay | -121,652.86 | -65,603.64 |
30 | Tiền thanh toán vốn gốc đi thuê tài chính | 0.00 | 0.00 |
31 | Cổ tức đã trả | -1,693.09 | -1,419.47 |
32 | Cố tức đã nhận | 0.00 | 0.00 |
33 | Lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính | 1,740.11 | 16,053.70 |
34 | Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ | 8,791.57 | 9,145.55 |
35 | Tiền và tương đương tiền đầu kỳ | 13,696.10 | 4,544.90 |
36 | Ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá | -16.29 | 5.65 |
37 | Tiền và tương đương tiền cuối kỳ | 22,471.38 | 13,696.10 |
Nhà đầu tư có thể tham khảo bảng CĐKT của các doanh nghiệp niêm yết tại đây
Phân tích báo cáo Lưu chuyển tiền tệ cần lưu ý điều gì?
Có 4 điều nhà đầu tư cần chú ý khi phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
- Phân tích sự biến động của dòng tiền dựa trên việc so sánh số liệu cuối kỳ và đầu kỳ của các chỉ tiêu trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Khi có sự thay đổi đáng kể (tăng/giảm), nhà đầu tư cần xác định nguyên nhân của sự biến động đó.
- Phân tích cấu trúc của dòng tiền dựa trên việc xác định tỷ lệ phần trăm của từng dòng tiền trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ ròng, cho thấy doanh nghiệp có ổn định trong hoạt động kinh doanh khi tỷ lệ của dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh chiếm ưu thế trong tổng dòng tiền lưu chuyển tiền tệ và có xu hướng gia tăng theo thời gian.
- Phân tích xu hướng của dòng tiền dựa trên việc xem xét chi tiết các dòng tiền trong cùng thời điểm (đầu kỳ và cuối kỳ), giúp nhà đầu tư đánh giá được giai đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ, khi doanh nghiệp đang mở rộng kinh doanh, nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư sẽ tăng cao; nếu dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh không đủ, doanh nghiệp buộc phải huy động thêm vốn (thể hiện ở dòng tiền từ hoạt động tài chính).
- Phân tích khả năng trả nợ vay (lãi/gốc đến hạn) và khả năng chia cổ tức bằng tiền cho nhà đầu tư. Tình hình tài chính của doanh nghiệp chỉ khả quan khi và chỉ khi dòng tiền vào chủ yếu được tạo ra từ hoạt động kinh doanh; ngược lại, nếu dòng tiền vào trong kỳ chủ yếu từ hoạt động đầu tư hoặc tài chính, có nguy cơ doanh nghiệp gặp khó khăn trong thanh toán và phải đối mặt với rủi ro trong kinh doanh.