Sông Thao | |
---|---|
Ảnh chụp một đoạn sông Thao tại bến đò Chí Chủ, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. | |
Vị trí | |
Quốc gia | Trung Quốc, Việt Nam |
Đặc điểm địa lý | |
Thượng nguồn | Nguy Sơn, Vân Nam, Trung Quốc |
• cao độ | 547 m |
Độ dài | 910 km |
Diện tích lưu vực | 51800 km² (Trung Quốc: 39800 km², Việt Nam: 12000 km²) |
Sông Thao (chữ Hánː 洮江) là con sông chính của sông Hồng, bắt nguồn từ Nguy Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, rồi chảy vào Việt Nam ở tỉnh Lào Cai, và hợp lưu với sông Đà và sông Lô tại ngã ba Hạc, Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tại Việt Nam, sông này chảy qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ. Người Tày Thái gọi sông này là Nậm Tao, còn gọi theo tiếng Việt là sông Thao.
Qua tỉnh Yên Bái, sông có bốn con sông phụ lớn là ngòi Thia, ngòi Hút, ngòi Lâu và ngòi Lao. Lượng nước trung bình hàng năm là 24,2 tỉ m³, lượng nước cực đại là 41 m³ và cực tiểu là 18,4 m³ (đo tại Yên Bái). Trong ba con sông chính của sông Hồng, sông Thao có diện tích lưu vực tương đối nhỏ (chiếm chỉ 19%, so với sông Lô là 25,4% và sông Đà là 42%). Núi Fansipan là đường chia lưu giữa sông Đà và sông Thao, còn dãy núi Con Voi - song song với sông Thao - là đường chia lưu giữa sông Thao và sông Lô. Lưu lượng nước của sông có sự biến đổi không đều; vào mùa khô, lưu lượng giảm xuống rất thấp so với mức trung bình, gây thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Phù sa của sông Thao có màu đỏ do chứa nhiều oxit sắt.
Ở Đồng Nai cũng có một dòng sông mang tên Sông Thao.
Trong văn học và nghệ thuật
Sông Thao được nhắc đến trong một số tác phẩm văn học và nghệ thuật như bài thơ 'Sông Thao' của Nguyễn Duy (tập thơ Mẹ và em, 1980), bài hát 'Du kích sông Thao' (1949) của Đỗ Nhuận hoặc trong câu hát ru:
Sông Thao nước đục người đen
Ai lên phố Ẻn thì quên đường về.