Sông Vàm Cỏ Đông là một nhánh của sông Vàm Cỏ, thuộc hệ thống sông Đồng Nai.
Sông Vàm Cỏ Đông bắt nguồn từ vùng đồng bằng thấp ở Campuchia, chảy vào Việt Nam tại xã Biên Giới, xã Thành Long, huyện Châu Thành, Tây Ninh. Sông chảy qua các huyện Bến Cầu, Hòa Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng với chiều dài khoảng 98 km. Đoạn tiếp theo dài 6 km là ranh giới giữa Tây Ninh và Long An. Sau đó, sông chảy vào tỉnh Long An qua các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Cần Đước, dài khoảng 86 km rồi kết hợp với sông Vàm Cỏ Tây tạo thành sông Vàm Cỏ, đổ vào sông Soài Rạp và ra biển Đông.
Sông Vàm Cỏ Đông có nhiều nhánh, trong đó có sông Nhật Tảo. Thời nhà Nguyễn, sông này còn được gọi là sông Quang Hóa vì chảy qua huyện Quang Hóa, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định (nay là các huyện Bến Cầu, Gò Dầu, Trảng Bàng,... thuộc Tây Ninh). Đại Nam nhất thống chí ghi lại về sông này như sau:
“
|
Sông Quang Hóa: cách huyện lỵ Quang Hóa chừng 1 dặm về phía Nam, là thượng lưu sông Cửu An. Sông chảy từ phía tây huyện lỵ (Quang Hóa), khoảng 24 dặm rưỡi thì gặp khe Xỉ, rồi chảy 91 dặm nữa thì đến thủ sở đạo Quang Phong (cũ) giáp địa giới nước Cao Miên (đúng chỗ đường ngang sứ thần Cao Miên sang cống phải đi qua). Ven sông có nhiều rừng, trên (thượng nguồn) phía tây, nước chia thành 2 đường: dòng phía Bắc tục gọi là "Cái Bát", đi về phía bắc hơn 100 dặm đến suối cùng (thượng nguồn); dòng phía tây tục gọi là "Cái Cậy", đi về phía tây hơn 150 dặm đến suối cùng (thượng nguồn), đều là đất liên thông tiếp giáp với rừng Quang Hóa. | ” |
Nguồn chính bắt nguồn từ tỉnh Prey Veng, Campuchia, chảy qua phía bắc tỉnh Svay Rieng, có tên Khmer là Prek Kampong Spean. Khi vào Việt Nam, đoạn đầu nguồn được gọi là sông Suối Mây, trước đây gọi là Cái Cậy. Sông dài 280 km, trong đó phần thuộc lãnh thổ Việt Nam dài hơn 190 km. Lưu vực sông rộng 8.500 km² và lưu lượng là 96 m³/s.
Tại Tây Ninh, sông Vàm Cỏ Đông chảy từ phía tây bắc, qua cảng Bến Kéo ở Bến Cầu, Gò Dầu Hạ, sau đó chảy về hướng đông nam qua thị trấn Bến Lức của Long An. Đoạn trung lưu từ Bến Lức tới Tân Trụ, thời chúa Nguyễn và nhà Nguyễn, gọi là sông Bến Lức (hoặc sông Lật Giang hay sông Cửu An). Sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây hợp lưu tại Tân Trụ thành sông Vàm Cỏ. Với nhiều nhánh nhỏ, sông thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa từ Tây Ninh đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là cảng Bến Kéo rất tấp nập.
Nơi đây đã xảy ra nhiều trận chiến ác liệt. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đã đốt tàu Hy Vọng của Pháp tại vàm Nhựt Tảo. Trong chiến tranh Việt Nam, đây cũng là nơi diễn ra nhiều trận đánh lớn.
Sông này nổi tiếng với bài hát cùng tên, 'Vàm Cỏ Đông' (sáng tác: Trương Quang Lục, thơ: Hoài Vũ), và bài 'Lên ngàn' (sáng tác: Hoàng Việt).
Sông Vàm Cỏ Đông, xuất phát từ phía bắc tỉnh Svay Rieng của Campuchia, có tên Khmer là Prek Kampong Spean. Khi chảy vào Việt Nam, nó được gọi là sông Cái Cay. Tổng chiều dài của sông là hơn 280 km, trong đó 180 km chảy qua Việt Nam. Con sông uốn lượn qua nhiều làng mạc trù phú của cả Việt Nam và Campuchia, mang lại nhiều lợi ích cho cư dân ven bờ hàng năm.
Một chiều ngang qua bến sông thơ mộng, du khách có thể cảm nhận vẻ đẹp của sông Vàm Cỏ Đông, một dòng sông chứa đựng nhiều huyền thoại và câu chuyện lịch sử. Từ lâu, sông này đã được gọi là sông Quang Hóa hay Khê Lăng. Trong sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức thời Nguyễn, có nhắc đến thổ nhưỡng và lịch sử của dòng sông này.
'Ở thượng lưu sông Thuận An, cách phía tây trấn 160 dặm rưỡi. Phủ sở ở bờ phía Bắc sông lớn có người Trung Hoa và Cao Miên sống lẫn lộn, có tuần ty thu thuế và phòng giữ biên cảnh. Từ đây, chảy 24 dặm rưỡi có cửa sông Khê Lăng, 91 dặm rưỡi đến thủ sở Quang Phong giáp địa giới Cao Miên. Đây là con đường mà sứ thần Cao Miên sang cống hiến phải đi qua. Dọc theo sông, ruộng đất mới khẩn còn nhiều rừng rú. Nước chia làm hai nhánh: nhánh phía Bắc gọi là Cái Bát, đi thẳng ra Bắc 100 dặm là rừng Quang Hóa; nhánh phía Nam gọi là sông Cái Cay, đi lên hướng Tây hơn 100 dặm cũng đến rừng Quang Hóa.'
Ngày xưa, sông Quang Hóa và Vàm Cỏ ngày nay, tính từ hợp lưu ở Tân Trụ, được gọi là Vàm Cỏ Tây (Cái Bát) và Vàm Cỏ Đông (Cái Cay). Tên Cái Cay trong âm Hán cổ nghĩa là suối tóc dài của phụ nữ. Nếu đứng trên cầu Gò Dầu nhìn về hạ lưu, sẽ thấy sông Vàm Cỏ như dải lụa ôm lấy hai bờ xanh mướt. Cầu Gò Dầu còn được gọi là cầu 'Xóa Nợ' bởi nhiều con bạc qua cửa khẩu Mộc Bài thua sạch thường tìm đến đây để giải thoát. Nhìn xuôi về hạ lưu là vùng giáp ranh Long An - Tây Ninh, còn thượng lưu bị thu hẹp bởi núi Bà Đen. Khi trời sáng, sông lững lờ xuôi nước, lục bình trôi theo thuyền. Vào những ngày mây mù, hơi nước từ sông bốc lên, vướng vào sườn núi Bà Đen. Nơi đây từng là nguồn cảm hứng cho các văn nhân, tạo nên những tác phẩm bất hủ như bài hát Lên Ngàn của Hoàng Việt và bài ca Vàm Cỏ Đông của Trương Quang Lục.
Trở lại sông Vàm Cỏ Đông vào một buổi chiều sương mờ, đứng trên cầu 'Xóa Nợ' yên tĩnh, lắng nghe âm thanh của mái chèo khua nước và tiếng hò của người khách qua sông ngày xưa. Nơi này từng là bến sông tấp nập ghe thuyền qua lại. Qua nhiều năm tháng, dòng sông Quang Hóa đã thay đổi, cầu mới mọc lên, bến sông không còn, hai bên bờ là các khu công nghiệp và phố xá đông đúc. Tuy nhiên, sông Vàm Cỏ Đông vẫn giữ lại những câu chuyện huyền thoại mà cư dân hai bờ kể lại. Thời gian chứng minh, sông Vàm Cỏ Đông đã góp phần không nhỏ vào trang sử hào hùng của dân tộc. Nếu các hãng du lịch quốc tế và trong nước khám phá và triển khai các tour du lịch trên sông Vàm Cỏ, chắc chắn du khách sẽ được thưởng lãm vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ của dòng sông lịch sử này.
Tây Ninh, một chiều tháng 6 năm 2015 Nguyễn Quang Vinh (Tư liệu minh họa: sông Vàm Cỏ Đông - Núi Bà Đen và Thánh thất Trảng Bàng - Tây Ninh cùng sách Gia Định Thành Thông Chí - Photo by Quang Vinh. Cơ quan hợp tác báo chí và truyền thông quốc tế ITCI)
Các cây cầu
Các cầu qua sông Vàm Cỏ Đông tại Việt Nam gồm: cầu Bến Sỏi (đường lộ 781 nối từ thị trấn Châu Thành về Cửa khẩu Phước Tân, Tây Ninh), cầu Gò Chai (Châu Thành, Tây Ninh), cầu Bến Đình (quốc lộ 22B, xã Cẩm Giang huyện Gò Dầu qua xã Tiên Thuận tới thị trấn Bến Cầu huyện Bến Cầu, Tây Ninh), cầu Gò Dầu (nối thị trấn Gò Dầu với cửa khẩu Mộc Bài huyện Bến Cầu, Tây Ninh, trên quốc lộ 22 đường Xuyên Á), cầu An Phước (nối xã Phước Chỉ với phường An Hòa thị xã Trảng Bàng), cầu Đức Huệ (nối thị trấn Hiệp Hòa huyện Đức Hòa với thị trấn Đông Thành huyện Đức Huệ - Long An), cầu Đức Hòa (trên Quốc lộ N2), cầu nối Đường cao tốc TP. HCM – Trung Lương, cầu Bến Lức (Long An).
Theo quy hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, sẽ có thêm 8 cây cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông bao gồm: cầu Băng Dung (xã Biên Giới và xã Phước Vinh, huyện Châu Thành), cầu Bến Trường (xã Hòa Hội và xã Hảo Đước, huyện Châu Thành), cầu Ninh Điền (xã Ninh Điền và xã Thanh Điền, huyện Châu Thành), cầu Trường Đông (xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành với xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành), cầu Thạnh Đức (thị trấn Bến Cầu với xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu), cầu Hiệp Thạnh (xã Lợi Thuận với xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu), cầu trên đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài và cầu Phước Chỉ - Lộc Giang (kết nối xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An với xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng).