Động vật hoang dã là thuật ngữ dùng để chỉ các loài động vật, thực vật hoặc sinh vật khác sống tự nhiên và chưa được thuần hóa. Các loài hoang dã sống ở khắp mọi nơi trên Trái Đất, từ sa mạc, đồng bằng, vùng cực đến cả những khu đô thị đông đúc nhất vẫn có thể tìm thấy các loài hoang dã. Tuy nhiên, mức độ đa dạng sinh học có thể khác nhau tùy vào từng hệ sinh thái khác nhau.
Bảo tồn động vật hoang dã
Trên khắp thế giới, nhiều quốc gia đã thiết lập các khu bảo tồn, khu vực được bảo vệ và các vườn quốc gia nhằm bảo vệ các loài hoang dã và bảo vệ môi trường sống tự nhiên của chúng. Những khu bảo tồn này thường được xếp hạng từ cấp độ quốc gia đến cấp độ quốc tế và được UNESCO công nhận.
Phương pháp bảo tồn
Việc bảo tồn các loài hoang dã thường được thực hiện dưới hai hình thức chính là Bảo tồn tại chỗ (In-situ conservation) và Bảo tồn ngoài chỗ (ex-situ conservation).
Bảo tồn tại chỗ
Bảo tồn tại chỗ có nghĩa là bảo tồn một loài trong tự nhiên, bao gồm việc bảo vệ vùng sống của nó khỏi các mối đe dọa bên ngoài hoặc bảo vệ loài này khỏi các loài săn mồi khác. Lợi ích của việc bảo tồn tại chỗ là giữ được tính chất đặc biệt của loài trong môi trường sống tự nhiên của chúng.
Việc bảo tồn các loài hoang dã chủ yếu dựa vào phương pháp bảo tồn tại chỗ. Điều này cũng bao gồm việc bảo vệ nơi sinh sống tự nhiên của chúng. Để đảm bảo sự tồn tại lâu dài, các khu bảo tồn phải đủ lớn để duy trì quần thể lớn của loài, bảo vệ sự đa dạng gen cần thiết cho sự tiếp tục phát triển của quần thể, và duy trì sự sống còn của loài trong điều kiện tự nhiên.
Bảo tồn ngoại chỗ
Bảo tồn ngoại chỗ là biện pháp cuối cùng được áp dụng đối với một số hoặc toàn bộ quần thể khi việc bảo tồn tại chỗ trở nên khó khăn hoặc không thực hiện được.
Bảo tồn ngoại chỗ, về lý thuyết, là quá trình bảo tồn một loài ngoài môi trường tự nhiên của nó (off-site conservation). Đây là phương pháp bảo vệ các loài nguy cấp bằng cách di chuyển một phần của quần thể từ nơi cư trú nguy cấp đến một vùng khác, có thể là một khu vực hoang dã hoặc được quản lý chăm sóc. Bảo tồn ngoại chỗ bao gồm các phương pháp truyền thống như vườn thú, trang trại bảo tồn,... cũng như những phương pháp hiện đại như nuôi cấy mô, lưu trữ gen trong phòng thí nghiệm.