Gai cột sống | |
---|---|
Chuyên khoa | Phẫu thuật chỉnh hình |
ICD-10 | M47 |
ICD-9-CM | 721 |
OMIM | 184300 |
DiseasesDB | 12323 |
MedlinePlus | 000436 |
eMedicine | neuro/564 |
Patient UK | Gai cột sống |
MeSH | D013128 |
Đốt sống gai (tên khoa học: Spondylosis) là bệnh thoái hóa cột sống, trong đó có sự phát triển thêm các mỏm xương (gai xương) ở bên ngoài và hai bên của cột sống. Hiện tượng này là kết quả của việc xương phát triển trên thân đốt sống, đĩa sụn, dây chằng quanh khớp do viêm khớp mãn tính, chấn thương hoặc sự lắng đọng canxi ở các dây chằng, gân tiếp xúc với đốt sống. Bệnh này thường gặp ở nam giới và tăng theo tuổi tác.
Gai xương là các mỏm xương hoặc điểm nhô ra tại các khớp, thường hình thành do tổn thương bề mặt khớp, cản trở chuyển động và gây đau đớn ở nhiều mức độ khác nhau. Mặc dù bất kỳ phần nào của cột sống đều có thể bị ảnh hưởng, nhưng khu vực thắt lưng và cổ thường bị mắc bệnh nhiều nhất. Các thuật ngữ như gai đốt sống cổ (Cervical Spondylosis), gai đốt sống ngực (Thoratic Spondylosis) và gai đốt sống thắt lưng (Lumbar Spondylosis) tương ứng với các khu vực bị ảnh hưởng.
Gai thường xuất hiện ở mặt trước và bên của cột sống, hiếm khi ở phía sau nên ít gây chèn ép lên tủy và rễ thần kinh. Bệnh gai cột sống gây cảm giác khó chịu, đặc biệt là đau ở thắt lưng, vai hoặc cổ do gai tiếp xúc với dây thần kinh và các xương đốt sống khi cử động, đau lan xuống cánh tay, tê chân tay và đôi khi hạn chế vận động.
Triệu chứng
Hầu hết các trường hợp gai cột sống không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, khi gai cọ xát với xương khác hoặc các mô mềm xung quanh như dây chằng và rễ thần kinh (trong quá trình vận động), bệnh nhân mới cảm nhận được đau. Các triệu chứng phổ biến bao gồm đau vai, đau thắt lưng và tê tay.
Một số dấu hiệu đau thường gặp do gai cột sống
- Đau thường xảy ra ở vùng cổ hoặc thắt lưng, đặc biệt khi bệnh nhân đứng hoặc đi lại. Vị trí đau thường tương ứng với phần cột sống bị ảnh hưởng.
- Cảm giác bất thường hoặc mất cảm giác tại phần cột sống liên quan.
- Trong trường hợp nặng, có thể cảm thấy đau tê ở cổ lan xuống hai tay, đau ở lưng và đau dọc theo hai chân.
- Đau tăng lên khi đi lại hoặc vận động nhiều. Cơn đau thường tăng khi cử động và giảm khi nghỉ, dẫn đến hạn chế cử động ở các vùng bị ảnh hưởng.
- Cơ bắp yếu đi (đặc biệt ở tay và chân).
- Gặp khó khăn trong việc duy trì cân bằng.
- Mất kiểm soát đường tiểu tiện và/hoặc đại tiện (trường hợp nghiêm trọng).
- Rối loạn chức năng thần kinh tự động (như rối loạn phản xạ tự động, tăng tiết mồ hôi, hạ hô hấp, biến chứng huyết áp...)
Nguyên nhân và cơ chế
Bệnh gai cột sống thường bắt nguồn từ đĩa đệm sụn nằm giữa hai đốt sống (được gọi là bao xơ đĩa đệm), khi đĩa đệm gặp vấn đề. Xương sống lưng (lumbar spine) và cổ (cervical spine) thường chịu tác động nhiều nhất từ các hoạt động như đi đứng, khiêng nặng, cúi xuống hoặc ngẩng lên. Theo thời gian, đĩa đệm sẽ bị thoái hóa. Khi bao xơ mất nước, nứt vỡ và xẹp xuống, các đốt sống liền kề sẽ tiếp xúc trực tiếp với nhau và mòn dần do ma sát. Từ đó, các gai xương hình thành, gây đau và hạn chế cử động của khớp.
Các đốt sống liên kết với nhau qua các khớp xương nhỏ (khớp facet, khớp đốt sống) ở hai bên phía sau đốt sống. Khi các khớp xương này bị thoái hóa (degeneration), sụn bao phủ các đầu xương trong khớp bị tổn thương, mòn và bong tróc, làm lộ ra xương bên dưới sụn. Khớp xương bị viêm (sưng và đau) khi đứng, ngồi và di chuyển. Khi khớp cột sống bị viêm, các đĩa đệm giữa các đốt sống cũng bị tổn thương, làm cho cột sống không còn vững chắc. Để tự ổn định, cột sống phát triển thêm các nhánh xương hoặc gai xương (bone spurs, osteophytes) xung quanh các khớp xương sống lưng. Đồng thời, thân đốt sống cũng mọc thêm những nhánh tương tự.
Tuổi tác cao cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ đau đốt sống. Viêm khớp và chấn thương, cùng với các yếu tố như tai nạn, chấn thương, béo phì và yếu tố di truyền (những người mang gene làm đĩa đệm yếu hơn bình thường) có thể góp phần gây ra bệnh này.
Theo các nghiên cứu, có ba nguyên nhân chính gây ra gai cột sống:
- Viêm khớp cột sống mãn tính: Viêm ảnh hưởng đến sụn đốt sống, làm sụn hao mòn dần, bề mặt sụn trở nên thô ráp và cuối cùng các bề mặt xương tiếp xúc và cọ xát nhau. Cơ thể sẽ cố gắng điều chỉnh để khắc phục tình trạng này, nhưng quá trình này lại dẫn đến hình thành gai xương.
- Lắng đọng canxi ở các dây chằng và gân tiếp xúc với đốt sống: Hiện tượng này thường xảy ra trong thoái hóa cột sống ở người lớn tuổi, là sự lắng đọng canxi dưới dạng calcipyrophosphat. Thoái hóa cột sống có thể ảnh hưởng đến các thành phần cấu tạo của cột sống như xương đốt sống, đĩa sụn và dây chằng quanh khớp. Quá trình này làm mất nước trong sụn và làm sụn dễ bị canxi hóa.
- Chấn thương: Chấn thương gây hư hại xương hoặc khớp ở cột sống, và phản ứng sửa chữa của cơ thể dẫn đến hình thành gai cột sống. Trong trường hợp này, gai có thể xuất hiện do lắng đọng canxi ở dây chằng đã dày lên do phản ứng viêm.
Phương pháp phòng và điều trị
Phòng chống
Để ngăn ngừa gai cột sống, cần thực hiện các biện pháp sau:
- Ăn uống cân bằng với đầy đủ calcium và vitamin D. Hạn chế thức ăn béo, đặc biệt là mỡ động vật, và tăng cường rau quả để tránh béo phì và tăng cân.
- Không hút thuốc lá.
- Tránh chấn thương cột sống bằng cách sử dụng các thiết bị hỗ trợ như tựa đầu xe hơi.
- Tránh tham gia vào các hoạt động thể thao quá sức, chẳng hạn như nâng tạ nặng hay thể dục dụng cụ khó, và ưu tiên các môn thể thao nhẹ nhàng như bơi lội, aerobic, yoga.
- Không ngồi quá lâu trong các tư thế không đúng cách.
- Giảm thiểu công việc nặng nhọc như bê vác.
- Tránh tình trạng thừa cân hoặc béo phì.
Phương pháp điều trị
Khi mắc gai cột sống, việc điều trị nên bao gồm việc sử dụng thuốc kết hợp với châm cứu, vật lý trị liệu và tập thể dục đều đặn. Các phương pháp mát-xa, điều trị bằng hồng ngoại, sóng ngắn, điện xung và tập phục hồi chức năng đều có lợi và không gây hại. Điều trị bảo tồn thường bao gồm các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid, corticoid, vitamin, thuốc giãn cơ và dụng cụ hỗ trợ như nẹp cổ để giảm áp lực lên các đốt sống bị ảnh hưởng. Phẫu thuật chỉ nên cân nhắc khi có sự chèn ép vào tủy, hẹp ống tủy hoặc chèn ép hệ thần kinh, gây ra dấu hiệu tê chân, tay, hoặc rối loạn chức năng đại tiểu tiện.
Dù đã phẫu thuật, gai xương có thể mọc lại ở vị trí cũ vì quá trình hình thành gai xương là phản ứng tự nhiên của cơ thể với tình trạng viêm. Nếu bị đau do gai cột sống, cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và tái khám định kỳ để phát hiện sớm các biến chứng và có biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra, người bệnh nên lựa chọn những bài thuốc an toàn, tác dụng sâu, không gây biến chứng nguy hiểm như:
- Bài thuốc từ hạt đu đủ chưng rượu
- Bài thuốc trị gai cột sống lưng từ cây lá lốt
- Bài thuốc từ bưởi, chanh và đường đỏ
- Bài thuốc từ cây ngải cứu
- Bài thuốc từ cây xương rồng kết hợp với cám gạo
Các bài thuốc nam này đều rất hiệu quả trong việc điều trị gai cột sống, dễ tìm, chi phí thấp và gần gũi với cuộc sống hàng ngày, vì vậy bất kỳ bệnh nhân nào cũng có thể áp dụng.