Ung thư vẫn là gánh nặng cho nhiều cá nhân và gia đình tại Việt Nam với 182.563 ca mắc mới hàng năm. Và Dự án Đồng Hành với Bệnh nhân Ung thư của tổ chức Y học cộng đồng đã ra đời với mục tiêu mang đến kiến thức và sự đồng hành quan trọng cho người bệnh.
Việc bệnh nhân không tuân theo liệu pháp tiêu chuẩn và không nhận được chăm sóc thích hợp để giảm nhẹ các triệu chứng ung thư là một vấn đề nan giải hiện nay. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là sự thiếu thông tin và kiến thức của người bệnh.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Dự án Đồng Hành với Bệnh nhân Ung thư của tổ chức Y học cộng đồng đã được khởi động từ năm 2017 với mục tiêu cải thiện nhận thức về ung thư trong cộng đồng, giúp bệnh nhân sống lâu hơn với chất lượng cuộc sống tốt nhất trong quá trình chữa trị bệnh. Và đây cũng là dự án mà “Giải thưởng hành động vì cộng đồng - Human Act Prize” mong muốn được tôn vinh và lan tỏa.
Hành động vì bệnh nhân ung thư
Y học cộng đồng (YHCD) là tổ chức Phi lợi nhuận hoạt động vì cộng đồng từ năm 2012 với mục tiêu cải thiện nhận thức về y tế trong cộng đồng, cung cấp cho bệnh nhân và người thân những kiến thức và kỹ năng cần thiết để họ tăng khả năng tìm kiếm thông tin và tự chăm sóc bản thân. Để đạt được mục tiêu này, Y học cộng đồng đã không ngừng phát triển mạng lưới cộng tác viên trên toàn quốc.
Hiện tại, số lượng đồng hành viên của dự án đã tăng lên gần 400 người, bao gồm các chuyên gia y tế, nhà nghiên cứu y học, sinh viên y khoa, bệnh nhân và người thân cùng những người quan tâm đến sức khỏe trong cộng đồng. Đồng thời, Y học cộng đồng cũng tập trung xây dựng website và nhiều fanpage để thu thập và chia sẻ thông tin y tế đáng tin cậy về ung thư cũng như sức khỏe cho mẹ bầu, trẻ em và phòng ngừa các bệnh lối sống.
Tổ chức Y học cộng đồng thường xuyên ghi nhận các trường hợp bệnh nhân gặp kết cục tồi tệ do không tuân thủ liệu pháp tiêu chuẩn tại bệnh viện. Nhiều trường hợp bệnh nhân từ chối điều trị chuẩn, bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị; chi tiêu hàng trăm triệu đồng cho các phương pháp điều trị không chuẩn mực nhưng vẫn “tiền mất tật mang”, thậm chí là tử vong.
Do đó, việc hướng dẫn mỗi bệnh nhân tự chủ tìm ra con đường đúng đắn giúp họ sống lâu nhất với chất lượng cuộc sống tốt nhất trong quá trình điều trị là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, tại Việt Nam, công việc này còn khó khăn gấp bội vì thiếu hụt nguồn lực y tế, nguồn lực xã hội và dân trí y tế nói chung vẫn còn thấp so với các nước khác.
Thôn lên thông điệp về ung thư thông qua sách, các buổi hội thảo, webinar, và các khóa học… Dự án Đồng Hành cùng Bệnh nhân Ung thư của YHCĐ đã truyền đạt và chia sẻ một cách đơn giản nhưng hiệu quả, đưa kiến thức về ung thư đến cộng đồng một cách dễ dàng hơn. Sự sáng tạo của dự án còn thể hiện qua cách tuyển chọn, huấn luyện và kết nối các đồng hành viên mới, những người tràn đầy nhiệt huyết, muốn giúp đỡ cộng đồng dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ và chuyên gia chân thành thông qua phương tiện trực tuyến. Hệ thống bài giảng và nguồn thông tin chính xác về ung thư có thể sử dụng và mở rộng rộng rãi tại các địa phương trong tương lai.
Các hoạt động đa dạng luôn sẵn sàng cùng hàng nghìn bệnh nhân
Dự án Đồng Hành cùng Bệnh nhân Ung thư của Y học cộng đồng đã triển khai nhiều hoạt động cả trực tuyến và ngoại tuyến để mọi người quan tâm đến ung thư, những người bệnh và những người gặp vấn đề về sức khỏe, ở cả những vùng sâu vùng xa, biên giới hay hải đảo, trong nước và cả ở nước ngoài, đều có thể tham gia.
Dự án đã biên soạn và lan truyền hàng nghìn tài liệu, thông tin hữu ích và đặc biệt là xuất bản bộ sách “Cùng Đồng Hành với Bệnh nhân Ung thư” giúp người dân hiểu rõ hơn về ung thư, phòng tránh - chăm sóc - điều trị ung thư và hỗ trợ bệnh nhân ung thư.
Ngoài việc biên soạn và lan truyền tài liệu, thông tin về phòng ngừa và điều trị ung thư, dự án còn tổ chức nhiều hoạt động truyền thông tích cực nhằm chia sẻ cách đối phó với các vấn đề liên quan đến ung thư cũng như đóng góp vào việc phát triển mạng lưới đồng hành hỗ trợ người bệnh. Cụ thể như:
Khóa học “Thông thái về Ung thư”
Khóa học được tổ chức trực tuyến qua Zoom Meeting trong 2 ngày cuối tuần với 7 phiên không chỉ chia sẻ kiến thức về ung thư mà còn tìm kiếm, đào tạo, phát triển mạng lưới đồng hành (bao gồm cả những người đã trải qua liệu pháp thành công) nhằm hỗ trợ tối đa cho người bệnh.
Mỗi phiên sẽ có 4-5 giảng viên hỗ trợ, có bài kiểm tra (trắc nghiệm) trước và sau khóa học, cũng như bảng đánh giá phản hồi, đóng góp ý kiến. Các tài liệu giảng dạy cũng được chia sẻ sau mỗi phiên để học viên tự ôn lại kiến thức. Chi phí triển khai cho mỗi phiên khoảng 10 triệu đồng và thường nhận được sự hỗ trợ tài chính một phần từ các nhà hảo tâm.
Về khóa học này, các bài giảng của bác sĩ được ghi hình, các bài trắc nghiệm kiến thức cũng được thiết kế cố định để có thể nhân rộng mô hình lớp học trực tuyến (online) hoặc tại chỗ với sự hỗ trợ từ các học viên, đồng hành viên nhiệt huyết với kinh phí không quá lớn. Để trở thành giảng viên, học viên cần đáp ứng yêu cầu ban đầu là làm việc trong lĩnh vực y tế, đồng thời họ sẽ được đào tạo và tập huấn thêm trong một khoảng thời gian ngắn trước khi thực hiện công việc thực tế.
Dự án cũng tổng hợp thông tin về các tổ chức, cá nhân, nguồn lực có thể hỗ trợ đa chiều cho bệnh nhân tại các địa phương để kết nối, giới thiệu kịp thời.
Chương trình Livestream Định kỳ “Nghìn lẻ một đêm Ca (K)”
Các buổi giao lưu giữa người bệnh và bác sĩ, chương trình Livestream Định kỳ “Nghìn lẻ một đêm Ca (K)” chia sẻ kiến thức về các vấn đề liên quan đến ung thư và điều trị - chăm sóc ung thư cũng diễn ra thường xuyên.
Với kinh phí dự kiến khoảng 10 triệu đồng/kỳ/tháng nhưng hiện chương trình Livestream “Nghìn lẻ một đêm Ca (K)” được triển khai dưới tinh thần tình nguyện với sự hợp tác của các diễn giả khách mời đa ngành, bao gồm cả bệnh nhân và người thân. Lợi ích kinh tế tuy khó đo lường vì đây là hình thức tiếp cận mở, miễn phí và hoàn cảnh của mỗi bệnh nhân cũng khác nhau.
Để tiếp cận nhiều nhóm đối tượng, thông tin về webinar và khóa học sẽ được đăng tải trên mạng xã hội (Facebook) và các nhóm hội liên quan. Ngoài ra, các học viên cũ của khóa học cũng hỗ trợ lan truyền thông tin và mời bạn bè tham gia.
Từ kinh nghiệm thực hiện 30 buổi Livestream “Nghìn lẻ một đêm Ca (K)” thu hút đông đảo người xem, Ban tổ chức đã xác định được những nội dung cần thiết để tiếp tục tổ chức chương trình dưới dạng seminar và workshop tại các địa phương, tăng cường khả năng tương tác với người tham gia. Khi đó, nội dung chương trình và diễn giả có thể thay đổi linh hoạt (trong phạm vi quy định) để đáp ứng nhu cầu/điều kiện thực tế.
Các chương trình nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần
Song song với việc cung cấp kiến thức, dự án còn tập trung vào việc nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần cho bệnh nhân thông qua các chương trình như “Yoga trực tuyến” và “Yoga cười”, cũng như khuyến khích mọi người chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm khi đối diện với ung thư qua hai chương trình “Khi mưa đến” và “Lá thư màu hồng tháng 10”.
Ngay cả những bệnh nhân và người thân khỏe mạnh vẫn có thể tham gia các sự kiện để lan toả kiến thức rộng rãi. Y học cộng đồng vẫn là nơi tổ chức các kỳ thi và thông báo kết quả cho người tham gia. Để đáp ứng nhu cầu riêng của một số nhóm bệnh nhân, các nhà sáng lập dự án đang xem xét việc tổ chức thêm các lớp học về dinh dưỡng, tập luyện, phục hồi chức năng và chăm sóc ngoại hình cho bệnh nhân ung thư trong quá trình tìm kiếm đối tác đồng hành.
Nhiều bệnh nhân ung thư vẫn đang phải đối mặt với sự thiếu thông tin và định kiến trong cộng đồng. Điều này là động lực để nhóm của YHCD không ngừng cố gắng, không ngừng nỗ lực mỗi ngày để có thể thực hiện nhiều công việc hơn, mang lại nhiều giá trị hơn. Vì Y học cộng đồng hiểu rằng thông tin y tế chính xác không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.