“Thế giới phẳng - The World Is Flat” (Tác giả: Thomas L. Friedman), trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự mở cửa và tích hợp thương mại và đầu tư giữa các quốc gia rất quan trọng, khiến cho các rủi ro cũng tăng lên. Vì vậy, các quốc gia cần 'tích trữ' ngoại hối để đáp ứng nhu cầu và bảo vệ nền kinh tế trước các biến động lớn. Bài viết này sẽ giới thiệu về dự trữ ngoại hối và lí do mà các quốc gia cần tăng cường việc dự trữ ngoại hối như hiện nay.
Minh hoạ về tiền tệ quốc tế
Ngoại hối là gì?
Ngoại hối là thuật ngữ chỉ các phương tiện sử dụng trong giao dịch quốc tế, bao gồm đồng tiền của các quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và các phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, giấy tờ có giá trị bằng ngoại tệ, và vàng thuộc dự trữ ngoại hối của Nhà nước (theo luật ngoại hối của Việt Nam).
Dự trữ ngoại hối là gì?
Dự trữ ngoại hối của Nhà nước, còn được gọi là dự trữ ngoại tệ, là số lượng ngoại tệ mà ngân hàng nhà nước hoặc cơ quan quản lý tiền tệ của một quốc gia hoặc lãnh thổ sở hữu. Đây là một loại tài sản của Nhà nước, chủ yếu bao gồm ngoại tệ, được cất giữ để sử dụng trong thanh toán quốc tế hoặc để bảo vệ giá trị đồng tiền quốc gia.
Dự trữ ngoại hối của Nhà nước là tài sản bằng ngoại tệ được thể hiện trong bảng cân đối tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm:
- Dự trữ ngoại hối chính thức là phần tài sản bằng ngoại tệ thuộc sở hữu của Nhà nước, do chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước quản lý trực tiếp.
- Tiền gửi ngoại tệ và vàng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (hay còn gọi là tổ chức tín dụng), và kho bạc Nhà Nước gửi tại Ngân hàng Nhà nước.
- Các nguồn ngoại hối khác.
Tiêu chí đánh giá dự trữ ngoại hối của một quốc gia
Để đánh giá về dự trữ ngoại hối của một quốc gia, chúng ta thường xem xét những tiêu chí sau đây:
Tiêu chí 1: Tỷ lệ giữa dự trữ ngoại hối và giá trị nhập khẩu trong một tuần trong năm tiếp theo của quốc gia đó. Được hiểu một cách khác, quy mô dự trữ ngoại hối được tính bằng số tuần nhập khẩu. Tiêu chí này phản ánh khả năng thanh toán quốc tế của dự trữ ngoại hối. Theo đánh giá của IMF, một quốc gia có dự trữ ngoại hối từ 12 đến 14 tuần nhập khẩu được xem là đủ điều kiện.
Tiêu chí 2: Tỷ lệ giữa dự trữ ngoại hối và nợ ngắn hạn nước ngoài trong quốc gia. Tiêu chí này cho thấy khả năng của quốc gia đối phó khi có biến động ngoại tệ hoặc rút vốn ra nước ngoài.
Tiêu chí 3: Tỷ lệ giữa mức cung tiền rộng và dự trữ ngoại hối, đây là yếu tố quan trọng giúp quốc gia can thiệp vào thị trường tỷ giá hối đoái với mức tiêu chuẩn từ 10% đến 20% cho dự trữ ngoại hối.
Tại sao các quốc gia cần phải có dự trữ ngoại hối?
Có nhiều lí do mà Nhà nước các quốc gia cần phải dự trữ ngoại hối. Đặc biệt, khi có số lượng dự trữ ngoại hối đủ lớn, Nhà nước có thêm công cụ để điều hành chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo ổn định tỷ giá đồng tiền quốc gia so với các ngoại tệ khác, từ đó mang lại lợi thế cạnh tranh trong thanh toán quốc tế. Đồng thời, điều này cũng tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài và người dân trong nước.
1. Giữ đồng tiền quốc gia ở mức tỷ giá cố định, giúp việc điều hành và ổn định tỷ giá trở nên linh hoạt hơn, nâng cao giá trị của đồng tiền. Ví dụ như Trung Quốc đang giữ giá trị của đồng nhân dân tệ với đô la Mỹ. Bằng cách tích trữ USD, Trung Quốc làm tăng giá trị của đồng đô so với nhân dân tệ, làm cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trở nên rẻ hơn so với hàng hóa của Mỹ, nhằm thúc đẩy doanh thu xuất khẩu.
Hình 1: Những quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn nhất năm 2021
Nguồn: Trích từ báo cáo IMF
2. Giữ tiền tệ quốc gia ở mức thấp hơn so với các ngoại tệ khác. Ví dụ như Nhật Bản, với hệ thống tỉ giá hối đoái thả nổi, họ sẽ mua trái phiếu kho bạc Mỹ để giữ đồng yên thấp hơn đồng USD. Các mặt hàng xuất khẩu sẽ trở nên rẻ hơn nhiều.
3. Đảm bảo tính thanh khoản trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể đổi ngoại tệ dự trữ lấy đồng tiền trong nước để đảm bảo doanh nghiệp có thể xuất khẩu với giá cạnh tranh hoặc ngược lại. Từ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bán khoản 21 tỷ USD để ổn định thị trường và cung cấp ngoại tệ đáp ứng kịp thời nhu cầu nhập khẩu các hàng hóa thiết yếu, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
4. Thực hiện các nghĩa vụ tài chính quốc tế như thanh toán nợ, nhập khẩu và thu hút nguồn vốn đầu tư liên tục. Đồng thời, hỗ trợ các dự án nâng cấp hạ tầng trong nước hoặc cấp vốn cho các dự án công nghiệp phát triển.
5. Tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài. Duy trì ổn định ngoại hối sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài tự tin tham gia, đầu tư vào thị trường Việt Nam. Họ ít phải lo ngại về rủi ro tỷ giá, từ đó thu hút nguồn vốn ngoại tệ và giúp nâng cao khả năng dự trữ ngoại hối. Điều này cũng có thể cải thiện xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong tương lai, đặc biệt là khi khả năng trả nợ tăng cao.
Hình 2: Biểu đồ dự trữ ngoại hối của Việt Nam từ năm 1995 đến 2021
6. Đa dạng hoá danh mục đầu tư bằng cách đầu tư vào nhiều loại tiền tệ và tài sản khác nhau, tránh đặt quá nhiều vốn vào một nơi duy nhất, Ngân hàng trung ương có thể giảm thiểu rủi ro.