Nếu bạn là người sử dụng mạng xã hội đặc biệt là thế hệ GenZ thì chắc chắn bạn không xa lạ với khái niệm “TOXIC”, gần đây nó đã trở thành một chủ đề phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok,… “Toxic” là một khái niệm mang nhiều ý nghĩa khác nhau, theo định nghĩa trong từ điển Oxford thì “toxic” xuất phát từ thuật ngữ Latin thời Trung cổ là chất độc theo nghĩa đen, những chất gây hại cho môi trường hoặc gây nguy hiểm cho sức khỏe con người nếu hít phải hoặc tiếp xúc qua da và nghĩa bóng của từ “Toxic” là để chỉ những điều mang lại cảm giác tiêu cực. Ngày nay khái niệm “Toxic” được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống và trên mạng xã hội, đặc biệt thuật ngữ này thường được nhắc đến khi liên quan đến mối quan hệ – Toxic Relationship. “Toxic relationship” là một cụm từ chỉ những mối quan hệ mà một hoặc cả hai đều mang lại cho nhau nhiều cảm xúc tiêu cực và có thể gây ra hậu quả lâu dài (vô tình hoặc cố ý), mặc dù vẫn có những mặt tích cực nhưng không đủ để cứu vãn sự tồi tệ mà nó mang lại. Mối quan hệ ở đây không nhất thiết phải là quan hệ tình yêu mà nó có thể là tình bạn, đồng nghiệp, gia đình nhưng đáng tiếc là chúng ta thường cực kỳ khó nhận ra một mối quan hệ độc hại bởi họ đã tạo dựng một lòng tin và bạn đã bị mê hoặc bởi những lời nói như “Nhưng họ vẫn là người tốt mà”, “Họ không thể như vậy đâu”, “Chắc có chuyện gì nên họ mới như vậy”. Tuy nhiên, việc bạn tiếp tục ở trong một mối quan hệ độc hại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần cũng như ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của bạn. Nếu bạn đang cân nhắc: Liệu mình có nên tiếp tục ở bên họ không?, Mình có nên chấm dứt mối quan hệ này nhưng mình vẫn yêu họ rất nhiều?,…thì bài viết này sẽ giúp bạn.
Mối quan hệ ấy khiến bạn cảm thấy bị chèn ép, ngột ngạt, không được thoải mái
Đối phương luôn tìm cách ngăn cản bạn gặp người khác, không cho bạn xây dựng bất kỳ mối quan hệ nào khác, họ có thói quen theo dõi, kiểm soát cuộc sống cá nhân của bạn trên mọi phương tiện từ công việc, mạng xã hội hay thậm chí là cả những hoạt động cá nhân thường ngày. Bạn sẽ luôn phải báo cáo cho họ biết tình hình, hoạt động, địa điểm, những người bạn đã gặp khi không ở bên cạnh họ, họ khiến cho cuộc sống của bạn phải xoay quanh họ. Những câu nói mà nghe tưởng chừng như là đang quan tâm bạn nhưng thật ra là đang kiểm soát khiến bạn tự tách bản thân ra khỏi các mối quan hệ khác và phụ thuộc vào họ hơn. Có thể bạn nghĩ rằng bạn sẽ đủ tỉnh táo để nhận ra những dấu hiệu này nhưng trên thực tế, bạn sẽ có xu hướng bình thường hóa mọi hành vi từ những người bạn tin tưởng.
Họ luôn đổ lỗi cho bạn
Trong mọi xung đột, bạn luôn là người nhận sự chỉ trích từ đối phương, khiến mọi lỗi lầm đổ về phía bạn và bạn phải chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề. Nghe có vẻ như không ai muốn làm “thùng rác” của người khác và bạn sẽ phải chịu trách nhiệm dọn dẹp “đống rác” này. Tuy nhiên, nhiều người vẫn mắc kẹt trong mối quan hệ này và không thể định nghĩa tại sao những mối quan hệ độc hại thường khó thoát khỏi.
Đối phương luôn khiến bạn cảm thấy tội lỗi
Đối phương không sử dụng những lời đe dọa rõ ràng như “Nếu em bỏ anh, anh sẽ không để em yên” mà họ khiến bạn cảm thấy tội lỗi và phải chịu trách nhiệm với họ “Nếu em bỏ anh, anh sẽ không muốn sống nữa”. Rất khó để nhận ra mối quan hệ toxic bởi bạn quan tâm đối phương và không muốn họ bị tổn thương.
Đối phương coi nhẹ cảm xúc của bạn
Khi bạn gặp khó khăn và cảm thấy không vui vẻ, thay vì chia sẻ với bạn, đối phương sẽ khiến bạn thấy như bạn phải vượt qua nhanh chóng. Bạn muốn chia sẻ với họ về áp lực công việc nhưng họ lại không quan tâm, chỉ nói: “Tôi cũng có nhiều việc phải làm lắm, sao còn đòi than thở nữa”. Điều đó khiến bạn cảm thấy bị xem nhẹ và không được quan tâm trong mối quan hệ này.
Bạn đang tự bỏ quên chính mình, bị cuốn vào những suy nghĩ tiêu cực
Bạn có đang bỏ quên chính mình không? Đã bao giờ bạn muốn làm điều gì mà bị người kia cấm trở, khiến bạn không thể thực hiện không? Nếu câu trả lời của bạn là có thì bạn đang thực sự bỏ quên chính mình, bạn đang hoàn toàn phụ thuộc vào người kia. Thậm chí bạn còn cố bảo vệ hành vi của họ, đó là dấu hiệu bạn cảm thấy không ổn nhưng bạn sợ phải thừa nhận điều đó với bản thân. Từ khi bắt đầu mối quan hệ với họ, bạn không tốt lên mà cảm thấy bản thân đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những cảm xúc của họ.
Hãy dũng cảm bước ra khỏi mối quan hệ đó
Yêu bản thân
Nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được điều này, khi đối mặt với sự lựa chọn giữa “lòng hay lý trí”, bạn thường dễ quên mất bản thân để đặt người kia lên hàng đầu. Hãy cố gắng không để tình cảm chi phối quá mức, trong những mối quan hệ tiêu cực, hãy lắng nghe lý trí vì trái tim thường yếu đuối trước những lời ngọt ngào của kẻ dối trá. Hãy để cho “Tôi xứng đáng những điều tốt hơn” trở thành phương châm hàng ngày của bạn, nhắc nhở bạn về giá trị của bản thân mỗi ngày.
Chăm chú nghe và lĩnh hội ý kiến từ những người xung quanh
Khi bạn bị bao bọc trong một mối quan hệ độc hại, bạn dễ bị chi phối bởi những yếu tố tiêu cực. Lúc đó, hãy để tâm bạn thư giãn, gặp gỡ bạn bè, người thân để trò chuyện và lĩnh hội ý kiến của họ về mối quan hệ đó. Ý kiến từ những người thân yêu sẽ tạo ra suy nghĩ tích cực, giúp bạn phân biệt điều gì không tốt mà bạn cần từ bỏ.
Nhìn nhận những tổn thất mà bạn đã gánh chịu
Việc nhìn nhận tổn thất có thể là động lực lớn nhất để bạn rời bỏ mối quan hệ độc hại. Hãy ngồi xuống và suy nghĩ kỹ về mối quan hệ này, tự hỏi: Bạn có thực sự hạnh phúc khi ở trong mối quan hệ này không?, Bạn có là chính mình khi bên cạnh đối phương không?, ... Hãy nhìn nhận kỹ những tổn thất về thể xác, tinh thần, vật chất để đưa ra quyết định sáng suốt nhất. Hãy làm nhanh nhất có thể để bạn rời bỏ mối quan hệ “độc hại”.
Tạo ra khoảng cách
.Ngay khi nhận thấy mối quan hệ của bạn là toxic, hãy tạo ra một khoảng cách nhất định giữa hai người. Cắt đứt mọi giao tiếp hay tiếp xúc là cách giảm bớt ảnh hưởng của đối phương. Hãy dành thời gian cho bản thân để nghỉ ngơi, thư giãn, tránh xa những vấn đề tiêu cực. Thay vì chìm đắm trong quá khứ, hãy tập trung vào tương lai và động viên bản thân phát triển, hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Hãy học cách thưởng thức thời gian một mình
Tổn thương về thể xác và tinh thần sau những mối quan hệ toxic là điều không tránh khỏi. Hãy bắt đầu thực hiện những hoạt động đã bị bỏ dở và tập trung để hoàn thiện chúng. Bạn có thể lên kế hoạch cho những chuyến du lịch, tham gia các khóa học để phát triển bản thân, hoặc đơn giản là tận hưởng những niềm vui nhỏ trong cuộc sống mà trước đây bạn đã bỏ qua. Hãy để bản thân thư giãn trong những khoảnh khắc nhỏ nhặt nhưng mang lại niềm vui và hạnh phúc.
Nhận biết sớm những mối quan hệ toxic giúp bạn thoát khỏi bế tắc và tìm kiếm cơ hội mới để tìm thấy tình yêu và sự trân trọng. Hãy là người tử tế với chính mình, bất kể khó khăn có đến đâu.