Dụng cụ đánh bắt truyền thống của người Việt bao gồm những công cụ mà ngư dân dùng để khai thác thủy sản bằng phương pháp thủ công cổ xưa. Nhiều loại dụng cụ truyền thống đã được phát triển từ lâu đời và vẫn được sử dụng rộng rãi, với sự đa dạng về kiểu loại như đó, lờ, te (xiệp), câu, đăng, đáy, ống lươn, vó (bè, tép), dậm, mơm, chài, lưới, giỏ…
Các dụng cụ đánh bắt truyền thống
Dụng cụ dậm
Loại ngư cụ này dùng để đánh bắt thủy sản ở những khu vực nước nông, không sâu quá hai phần ba chiều cao người. Để khai thác hải sản hiệu quả, cần sử dụng dậm kết hợp với mõ dậm.
Dậm có cấu tạo gồm hai phần: phần gọng (cạp) và phần phên (để bắt tôm, cá…). Phần gọng làm bằng tre, hình bán nguyệt, phía dưới phẳng để sát đáy khi đánh bắt, có cán dài nối từ trung điểm. Phần phên được đan từ nan tre mềm và được liên kết với gọng bằng dây mây (nức dậm), tạo không gian để bắt tôm, cá.
Mõ dậm được dùng để lùa tôm, cá vào trong dậm. Mõ được chế tạo từ đoạn tre thẳng, có nhiều đốt, với 1/3 phía dưới bị cắt bỏ để tạo mặt phẳng. Mõ có cán hình vòng cung, hai đầu cán gắn chặt với mõ.
Khi sử dụng, một tay giữ cán dậm và dìm xuống nước sao cho khung dậm sát đáy. Tay còn lại cầm mõ dậm, giữ cách miệng dậm một khoảng nhất định, chân di chuyển mõ dần về phía miệng dậm để lùa tôm, cá vào trong. Sau khi đã dồn đủ, nhấc dậm lên để thu cá.
Đơm, đó, lờ
Đơm, đó, lờ là các dụng cụ đánh bắt cố định được sử dụng trong các dòng nước nhỏ, chảy chậm và không sâu. Chúng được làm bằng tre, có hình ống và thường thót lại ở một hoặc hai đầu, mỗi đầu có gắn một cái hom. Hình dạng và kích thước của chúng rất phong phú, phụ thuộc vào khu vực và thói quen của từng địa phương.
Khi đánh bắt, người ta sử dụng đất hoặc các công cụ khác để chắn ngang dòng nước, tạo ra một khe hẹp, sau đó đặt đơm, đó, lờ ở đó để tôm, cá di chuyển theo dòng nước vào trong qua hom.
Nơm
Dụng cụ khai thác cá ở ruộng, ao, đầm
Nơm có dạng hình chuông (hoặc nón cụt, nơm nhốt gà…), thông hai đầu, được làm từ nhiều thanh tre liên kết bằng 2-3 vành đai mây chắc chắn. Miệng trên của nơm có đường kính từ 0,2 – 0,25m và có cạp để cầm và điều khiển nơm, đáy dưới có đường kính từ 0,5-0,7m và cao khoảng từ 0,5-0,8m.
Khi bắt cá, ngư dân lội xuống nước, cầm nơm và úp liên tục từ trên xuống. Khi thấy cá quẫy bên trong, họ dùng tay bắt qua miệng nơm.
Chài
Dụng cụ phổ biến ở Việt Nam dùng để đánh bắt thủy, hải sản tại ao, hồ, sông, suối và ven biển.
Chài được làm từ lưới, có hình chóp với mắt lưới đồng đều từ đỉnh đến đáy, nhưng số mắt lưới ngày càng tăng để chu vi mở rộng. Đỉnh chài gắn một dây kéo để dễ dàng thu gọn. Đáy chài có túi hình vòng để chứa tôm cá, đan bằng sợi thô hơn so với phần thân chài. Giếng chài có nhiều chì để giữ chài sát đáy khi thu.
Chài có hiệu quả tốt nhất trong khu vực có mật độ cá cao. Ngư dân thường dùng mồi có mùi hấp dẫn để tập trung cá trước khi quăng chài.
Khi quăng chài, vung mạnh về phía trước để chài mở rộng và chìm xuống nước, bao quanh cá. Tôm cá thường nép xuống đáy, vì vậy cần ngâm chài một lúc để cá nổi lên trước khi kéo chài từ từ để thu gom cá.
Ngoài chài, còn có nhiều loại ngư cụ tương tự như lưới chụp (chụp mực, chà rà…). Những lưới này được thả từ trên xuống, giữ cá bên trong nhờ giềng chì, sau đó kéo lên mặt nước.
Trúm, Ống Lươn
Ngư cụ này dùng để bẫy lươn và chạch, thường làm từ ống nứa hoặc ống nhựa, đường kính 4 – 6 cm, dài 50 – 80 cm, rỗng ruột. Một đầu ống bịt kín, đầu còn lại gắn hom hình phễu đan bằng nan tre, lươn có thể chui vào nhưng không ra ngoài.
Để thu hút lươn, sử dụng mồi làm từ giun, ốc, nhái... băm nhỏ, trộn với đất và cám để tạo độ dẻo, bám vào thành ống. Đặt ống lươn ở nơi có bùn, nghiêng 45 độ, đáy ống nhô lên khoảng 10 cm. Đặt ống vào buổi chiều, thu hoạch vào sáng hôm sau.
Đăng
Ngư cụ cố định dùng để chặn bắt cá ở khu vực có dòng chảy và thủy triều như ven biển, sông, đầm. Đăng giúp bắt cá qua lại nhiều trong những vùng này.
Đăng có thể làm từ lưới hoặc tre, với nhiều cấu tạo khác nhau tùy theo ngư trường và mục đích. Đăng tre thường dùng để bắt tôm, cá nhỏ ở vùng nước nông. Đăng lưới, thường dùng cho khai thác biển, có kích thước lớn, cánh lưới có thể dài đến hàng ngàn mét và diện tích lên đến 1.000-2.000m².
Đăng bao gồm các thành phần: lưới dẫn hình chữ nhật thả để chặn đường di chuyển của cá, lưới cánh lắp ở hai bên cửa đăng để tạo góc xiên hướng cá vào cửa, cửa hom dẫn cá vào trong đăng và không cho cá thoát ra, lưới chuồng dùng để giữ cá sau khi đã vào đăng.
Cần câu
Dụng cụ dùng để câu cá, có nhiều loại như cần câu, câu tay, câu giàn... Cấu tạo chính gồm lưỡi câu và dây câu. Khi câu, lưỡi câu được gắn mồi để dụ cá cắn vào, sau đó kéo dây để bắt cá. Cũng có loại câu không cần mồi, ngạnh câu sẽ móc vào thân cá khi cá lại gần lưỡi câu.
Vó tép
Ngư cụ dùng để bắt tép và cá nhỏ ở vùng nước nông. Vó bao gồm gọng vó và lưới vó. Gọng vó làm từ tre, chọn từ cây tre già, chặt thành đoạn dài bằng sải tay, tạo thành bốn gọng uốn cong hình chữ U.
Lưới vó được làm từ lưới bện hoặc tận dụng từ màn cũ, cắt thành các hình vuông kích thước khoảng 60 cm mỗi chiều. Để tăng hiệu quả, các góc của lưới vó thường được vá thêm hai hoặc ba mảnh vải để chứa mồi nhử tép.
Mồi nhử tép được chế biến từ cám và cơm, thêm chút vôi, sau đó nghiền nhuyễn và dán vào các mảnh vải trên mặt vó.
Khi cất vó, chọn những khu vực nước nông, yên lặng hoặc chảy chậm. Đặt vó phẳng xuống nước, để một thời gian cho tép vào, sau đó cất bằng cách luồn đầu cần dưới óc vó, kéo nhẹ nhàng và giữ cho vó không bung để tránh làm tép rơi ra ngoài. Khi vó gần lên mặt nước, giữ chặt và dùng tay trái giữ cần, tay phải nhúm góc vó và nghiêng ngược chiều gió để đổ tép vào rá, rổ, giỏ.
- Nghề đánh giậm
- Đó bắt cá (BTSL:2487)
- Các đặc điểm của ngư cụ và phân loại ngư cụ Lưu trữ 2016-05-12 tại Wayback Machine
- Bách khoa thủy sản Lưu trữ 2016-06-02 tại Wayback Machine
- Nhóm ngư cụ dùng trên sông, Sở Văn hóa thể thao và du lịch Vĩnh Long.
- Nông cụ truyền thống Việt Nam
- Lưới rê
- Khai thác thủy sản
Chú thích
Xem thêm thông tin
- Lê Sao Mai (2023). “Những đặc điểm ngữ nghĩa của nhóm từ chỉ công cụ đánh bắt cá trong phương ngữ Quảng Nam – Đà Nẵng”. Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Đại học Đà Nẵng. Đà Nẵng, Việt Nam: Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng. 21 (10). ISSN 1859-1531.