Ngay cả với cấu hình tiêu chuẩn và lốp thông thường, Rimac Nevera vẫn có thể đạt được tốc độ xé gió lên đến 412km/h.
Sử dụng 4 động cơ điện mạnh mẽ tạo ra 1.914 mã lực và 2.360 Nm mô-men xoắn, Rimac Nevera có khả năng tăng tốc từ 0 lên 100km/h chỉ trong 1,97 giây và mới đây đã thiết lập kỷ lục tốc độ tối đa 412km/h.
Sau khi chinh phục kỷ lục 1/4 dặm (400m) chỉ trong 8,58 giây cách đây hơn một năm, siêu xe điện Rimac Nevera tiếp tục tạo ra một kỷ lục mới tại trung tâm thử nghiệm xe Papenburg (Đức) khi đạt tốc độ 412km/h dưới tay lái của Miro Zrncevic - tay lái thử kiêm giám đốc kiểm tra sản phẩm của hãng.
Với tốc độ này, Rimac Nevera chính thức thiết lập kỷ lục là siêu xe điện nhanh nhất thế giới. Đáng chú ý hơn, chiếc xe thử nghiệm không cần bất kỳ sửa đổi nào so với phiên bản giao cho khách hàng, Rimac chỉ cần kích hoạt chế độ tốc độ có sẵn trên xe (thông thường siêu xe này bị giới hạn điện tử ở 352km/h).
Ngoài ra, lốp xe sử dụng là loại Cup 2 R, đáp ứng các tiêu chuẩn vận hành thông thường chứ không phải là lốp dành riêng cho đua.
Rimac Nevera đặt kỷ lục tốc độ mới trong làng siêu xe điện.
Tại thời điểm hiện tại, siêu xe điện đã vượt qua các siêu xe sử dụng động cơ đốt trong trong việc tăng tốc (nhờ vào mô-men xoắn tức thời khủng khiếp đạt được ngay sau khi ga được bấm). Tuy nhiên, mảng tốc độ tối đa trong phân khúc này vẫn cần thời gian để đạt kịp các mẫu siêu xe nhanh nhất thế giới hiện tại, như Bugatti Chiron Sport (490,5km/h).
Cần phải thêm rằng hiện nay cả Bugatti Chiron Sport và Rimac Nevera đã ở cùng một nhà khi Volkswagen đã chuyển giao quyền tiếp quản thương hiệu Pháp cho đối tác Rimac. Cả hai sẽ có nhiều cơ hội học hỏi từ nhau trong thời gian tới với dòng sản phẩm tiếp theo, có lẽ sẽ là hậu duệ của Chiron.
Sau Rimac Nevera trong hạng mục siêu xe điện hiện nay có thể kể đến Tesla Roadster (chưa ra mắt nhưng đã được công bố có tốc độ trên 400km/h), Lotus Evija (322km/h), Pininfarina Bttista (350km/h) và Nio EP9 (312km/h).