Duolingo, ứng dụng học ngôn ngữ miễn phí, đã trở nên quen thuộc với nhiều người trên khắp thế giới. Điểm mạnh của Duolingo là biến việc học ngôn ngữ mới trở thành những trò chơi ngắn, vui vẻ và dễ tiếp cận hơn. Và lúc này, khi con cú xanh quen thuộc ấy muốn mở rộng thành một ứng dụng có phí, nó đang đối mặt với sự phản đối từ cộng đồng người dùng của mình.Đảo lưng người dùng
Như mọi khi, sau khi dùng bữa tối vào ngày 23/8, Tobi Fondse lôi điện thoại ra và mở ứng dụng Duolingo. Anh đã luyện tiếng Pháp trên Duolingo hàng ngày, với hy vọng sẽ biết gọi bánh croissant và bia thùng khi đến Pháp thường xuyên. “Thay vì chỉ dùng ngón tay để chỉ món, tôi muốn học thêm một chút tiếng Pháp,” anh chia sẻ.
Fondse đã thử nghiệm nhiều ứng dụng học ngôn ngữ khác nhau như Babbel, Busuu,... nhưng cuối cùng anh vẫn chọn Duolingo vì anh thấy các bài học của nó rất thú vị. Điều đó khiến anh không cảm thấy việc học là nhàm chán. Fondse và vợ, Marisa, đã hoàn thành chuỗi học liên tục trong hơn 400 ngày, điều này đã khiến họ trở thành những người dùng trả phí tận tâm nhất của Duolingo. “Tôi rất nghiêm túc với việc học tiếng Pháp,” anh nói.
Nhưng vào tối ngày 23/8 đó, cách bài học quen thuộc của anh đã thay đổi. Linh vật của Duolingo - một con cú màu xanh lá cây vui vẻ tên là Duo đã xuất hiện trên màn hình cùng với thông báo mới. Thay vì tự chọn bài học như ghép từ vựng, đọc truyện ngắn, học cách đặt món ăn, mua quần áo, người dùng bây giờ phải tuân theo một lộ trình được thiết lập sẵn từ bài này sang bài khác. Duolingo không còn giống như một trò chơi nữa, mà giống như một bài tập về nhà hơn.
Không khỏi bất ngờ ban đầu, Fondse trở nên tức giận khi nhận ra: “Bây giờ, người dùng sẽ phải làm những gì ứng dụng muốn họ làm”. Vì vậy, người đàn ông 50 tuổi này quyết định tạo một tài khoản Twitter với tên @Duo_is_sad, cùng với một bản kiến nghị gửi tới công ty, yêu cầu họ suy nghĩ lại về chính sách mới.
Tuy nhiên, bất kể những phản ứng gay gắt, sự xôn xao lan tỏa trên các mạng xã hội từ Twitter và Instagram đến subreddit của Duolingo, không có gì thay đổi. Thậm chí, người dùng còn tạo ra một làn sóng phản đối tràn ngập trong các bình luận tại “DuoCon”, hội nghị trực tuyến của Duolingo được tổ chức vào cuối tháng 8. Công ty sau đó đã đóng cửa các diễn đàn người dùng trên trang web sau nhiều năm hoạt động.
Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi Luis von Ahn, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Duolingo, công khai tuyên bố trên sóng truyền hình rằng “Tôi không thích sự thay đổi”.
Sự phẫn nộ cuối cùng lan ra tài khoản TikTok của Duolingo, nơi mà 5 triệu người theo dõi đổ xô đến để chế giễu các giám đốc điều hành của công ty. Đến mức đại diện quản lý phương tiện truyền thông xã hội của Duolingo đã đăng tải bức hình con cú Duo hét lên “Cứu tôi”.Đã từng thống trị thị trường ứng dụng học ngôn ngữ trên di động
Thực tế, trước khi Duolingo thực hiện cập nhật mới năm nay, rất khó để tìm thấy ai đó nói xấu về Duolingo, trừ một số giáo sư ngôn ngữ học khó tính. Duolingo đã được vinh danh là ứng dụng iPhone của năm vào năm 2013, chỉ sau 1 năm kể từ khi nó được phát hành. Và từ đó, Duolingo đã được tải xuống hơn 600 triệu lượt. Đặc biệt là trong mùa dịch COVID-19, những người ở nhà rảnh rỗi đã tìm đến Duolingo để học tiếng Ý, tiếng Hàn và 41 ngôn ngữ khác mà nó cung cấp. Không chỉ trong mùa dịch, khi mọi thứ trở lại bình thường, mọi người lại tìm đến Duolingo để chuẩn bị cho các chuyến du lịch nước ngoài.
Duolingo không chỉ nhắm đến du khách và những người muốn học ngôn ngữ mà còn hướng đến người nhập cư và người tị nạn. Ngoài ra, nó còn giúp đỡ những ngôn ngữ đang trên bờ vực biến mất được nhiều người biết đến hơn. Ví dụ, có nhiều người học tiếng Gaelic trên Duolingo hơn cả số người đang nói tiếng Gaelic.
Duolingo sử dụng một hệ thống phân tích dữ liệu từ 1 tỷ tương tác của người dùng mỗi ngày, giúp điều chỉnh và tùy chỉnh khóa học của mỗi người. Nó có khả năng nhận biết những sai lầm thường gặp của từng người dùng và điều chỉnh cho phù hợp hơn. Hơn nữa, nó cũng có thể khuyến khích người dùng hoàn thành bài học vào lúc 6 giờ chiều hoặc 6 giờ sáng, tùy thuộc vào thói quen sử dụng ứng dụng của họ.
“Chúng tôi muốn thu hút sự chú ý và thời gian của bạn trên điện thoại, giống như cách mà Instagram và TikTok làm. Chúng tôi cố gắng thuyết phục các bạn chọn chúng tôi để học thay vì chọn chơi một trò chơi điện tử” - Sam Dalsimer, trưởng bộ phận truyền thông toàn cầu của Duolingo nói.
Người sáng lập Duolingo, Luis Von Ahn, đã niêm yết công ty vào tháng 7/2021 với giá 102 USD/cổ phiếu. Trong vòng vài tháng, giá cổ phiếu đã tăng gần gấp đôi. Tuy nhiên, từ đó đến nay, giá cổ phiếu của Duolingo đã giảm hơn 60% từ đỉnh cao. Công ty đang cố gắng chuyển từ một ứng dụng freemium được ưa chuộng sang một hoạt động kinh doanh có lãi.
Hàng ngày, gần 15 triệu người dùng sử dụng ứng dụng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết họ không trả phí cho phiên bản Duolingo Plus tại Mỹ, không có quảng cáo, với giá 12.99 USD/tháng. Bằng cách tập trung vào việc phát triển thay vì doanh thu, Duolingo đã chiếm ⅔ tổng số lượt tải xuống và sử dụng các ứng dụng ngôn ngữ trên các nền tảng điện thoại.
“Thực ra, sản phẩm miễn phí của chúng tôi lại tốt hơn nhiều so với những sản phẩm trả phí khác.” - Luis Von Ahn, cha đẻ của Duolingo, chia sẻ chiến lược của mình là mở rộng nhóm người dùng cho đến khi đủ lớn để chỉ cần chuyển đổi một phần nhỏ thành người dùng trả phí, có đủ thanh toán cho tất cả các chi phí cần thiết. Von Ahn nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng nền giáo dục tốt nhất thế giới và phổ cập nó một cách rộng rãi.”
Trong năm nay, Von Ahn đã ra mắt thêm 2 ứng dụng miễn phí khác, bao gồm DuolingoABC để học đọc viết cơ bản và Duolingo Math. Ông cũng cho biết công ty không có kế hoạch kiếm tiền sớm từ những ứng dụng này. “Tiền không bao giờ là ưu tiên hàng đầu. Nếu bạn làm tốt mọi việc, thì tiền sẽ tự động đến.”
Dù vậy, số lượng người đăng ký trả phí của Duolingo đã tăng hơn gấp ba lần kể từ khi đại dịch bùng phát, lên đến 3.7 triệu người. Doanh thu dự kiến sẽ vượt qua con số 365 triệu USD trong năm nay, tăng 45% so với năm trước.
Trong năm ngoái, Duolingo đã giới thiệu “gói dành cho gia đình” trị giá 120 USD cho phép tối đa 6 người sử dụng phiên bản cao cấp. “Miễn là một ai đó trong gia đình vẫn đang sử dụng, gói cước vẫn sẽ được gia hạn.”Cha đẻ của Duolingo: 'Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo Guatemala, may mắn được hưởng giáo dục từ những người giàu có.'
Lớn lên ở Guatemala, Von Ahn thường thăm nhà máy sản xuất kẹo của ông bà. Say mê nhìn những chiếc máy móc hoạt động, Von Ahn thường lẻn vào nhà máy vào cuối tuần. Sau đó, ông tháo rời máy móc ra để tìm hiểu cách chúng hoạt động.
Mặc dù không thể lắp ráp lại chúng, thời gian tại nhà máy giúp Von Ahn học được nhiều bài học quý giá về quy trình sản xuất và kinh doanh. Ông nhận ra rằng một công ty sản xuất sản phẩm giá rẻ vẫn có thể thất bại nếu không được yêu thích.
Von Ahn không bao giờ mơ trở thành doanh nhân, nhưng mẹ của ông thì khác. Bà là một trong những phụ nữ đầu tiên ở Guatemala tốt nghiệp trường Y. Mặc dù độc thân ở tuổi 42, nhưng bà vẫn muốn có con. Bà đã thuyết phục một giáo sư giúp bà thực hiện điều đó. “Mẹ tôi chỉ muốn tìm người thông minh nhất mà bà biết.”
Bà tập trung vào việc học của con trai, ghi chú mọi điều về Von Ahn và trường American School of Guatemala. Von Ahn sau này học ở đại học Duke và đại học Carnegie Mellon, nhận bằng tiến sĩ vì phát minh ra Captcha và reCaptcha.
Với việc bán reCaptcha cho Google, Von Ahn trở nên giàu có hơn và có cuộc sống thoải mái hơn. Ông mua một chiếc lamborghini và một ngôi nhà ở Manhattan trị giá 22,5 triệu USD.
Thay vì nghỉ hưu với tư cách là một triệu phú 30 tuổi, Von Ahn đã bắt đầu suy nghĩ về tầm quan trọng của việc học tiếng Anh trong thành công của mình.Khởi đầu của Duolingo
Luis Von Ahn muốn cung cấp các bài học ngôn ngữ miễn phí cho mọi người qua điện thoại di động. Cùng với một nhóm nghiên cứu sinh tại Carnegie Mellon, nơi ông giảng dạy khoa học máy tính, ông đã phát triển Duolingo cùng Severin Hacker.
Để tìm hiểu cách dạy học hiệu quả, Von Ahn đã thậm chí đọc sách như Spanish for Dummies. Trong một cuộc trò chuyện tại TEDx vào năm 2011, Von Ahn tiết lộ rằng mục tiêu ban đầu của họ là “dịch toàn bộ Internet sang mọi ngôn ngữ phổ biến”.
Ban đầu, cả Von Ahn và Severin Hacker đều nghĩ họ có thể xây dựng một mô hình kinh doanh dựa trên reCaptcha. Nơi mà người dùng sẽ dịch một đoạn văn bản từ một bài báo nào đó, và các nhà xuất bản sẽ trả tiền. Nhận ra ý tưởng không khả thi, họ quyết định không màng đến doanh thu và tập trung vào việc phát triển.
Von Ahn cũng đã suy nghĩ về việc nộp đơn xin trợ cấp học thuật, nhưng thủ tục rườm rà và phiền toái. Thay vào đó, ông quyết định nhận tài trợ từ Union Square Ventures, diễn viên Ashton Kutcher và nhà đầu tư Tim Ferriss để phát triển ứng dụng.
Vào tháng 6 năm 2012, Duolingo được ra mắt trên nền tảng web. Sau một thập kỷ lỗ liên tục, công ty đã chuyển sang mô hình tư nhân và hướng sự chú ý đến các trường học và doanh nghiệp. Duolingo đưa ra một phương thức tiếp cận mới: “Không quảng cáo, không phí ẩn, không yêu cầu đăng ký và hoàn toàn miễn phí”. Các bài học được thiết kế để giống như một trò chơi hơn là một bài học truyền thống.
Vào cuối năm đó, Duolingo ra mắt ứng dụng di động miễn phí và thu hút hơn 10 triệu lượt tải xuống chỉ trong 12 tháng đầu tiên. Thành công này giúp Duolingo trở thành ứng dụng giáo dục đầu tiên nhận được giải thưởng từ Apple. Mặc dù có hàng triệu người dùng, nhưng công ty vẫn chưa có doanh thu cụ thể và chưa có kế hoạch kiếm tiền.
Dù vậy, cả Brad Burnham từ Union Square đều ấn tượng với số liệu về người dùng quay lại và tin rằng “sớm muộn gì, Duolingo cũng có thể tạo ra doanh thu từ lượng người dùng này.”
Vào đầu năm 2016, Duolingo đã hoàn thành bốn vòng gọi vốn, với mức định giá lên đến 500 triệu USD. Trái lại, các nỗ lực tạo ra doanh thu trong năm trước chỉ mang lại tổng cộng 400.000 USD cho công ty.
“Để thành công, bạn cần phải có một CEO thực thụ, vì Von Ahn, mặc dù là người sáng lập và nhà phát minh, nhưng anh ấy không có kinh nghiệm về kinh doanh và cũng không quan tâm đến điều đó.” - Một chuyên gia nhấn mạnh.
Cuối cùng, Von Ahn đã chấp nhận bổ nhiệm Bob Meese, người từng là giám đốc tại Google Play, làm giám đốc kinh doanh của Duolingo. Sự kết hợp giữa lợi thế của Duolingo dưới dạng một trò chơi điện tử và mối quan hệ mật thiết giữa Google và Von Ahn sau khi bán reCaptcha đã đưa Meese gửi các kỹ sư Duolingo đến Google để được đào tạo về cách YouTube sử dụng quảng cáo để tạo ra doanh thu.
Trong năm 2017, Duolingo tung ra phiên bản có phí gần giống với phiên bản miễn phí, và doanh thu bắt đầu tăng lên, đạt 70 triệu USD vào năm 2019. Vào năm 2020, con số này đã gấp đôi khi hàng triệu người dùng sử dụng nó để giải trí trong thời kỳ phong tỏa.
Thay vì giữ bí mật, Von Ahn quyết định rằng ông đã sẵn lòng tiến hành đợt chào bán cổ phiếu lần đầu tiên. Ông nói: “Các công ty tồn tại lâu dài thường là những công ty đại chúng”.Cạnh tranh với các hệ thống kiểm tra tiếng Anh quốc tế
Kể từ khi còn trẻ, Von Ahn đã phải đối mặt với 2 thách thức lớn: bài kiểm tra Toefl và Ielts, là tiêu chuẩn quan trọng cho việc xin học và visa ở nhiều quốc gia. Để thi Toefl, ông phải đến El Salvador, với chi phí lên đến hơn 1200 USD, một số tiền khổng lồ đối với mức sống ở Trung Mỹ. Von Ahn nói: “Các tổ chức tồn tại hàng thập kỷ tính phí 200 USD vì họ có thể. Số tiền đó có thể bằng một tháng lương ở nhiều nơi.”
Von Ahn tin rằng Duolingo có thể cạnh tranh với các tổ chức chứng chỉ tiếng Anh lớn. Do đó, vào năm 2016, Duolingo đã giới thiệu phiên bản bài thi trực tuyến với chi phí chỉ bằng 1/4 so với các bài thi tiêu chuẩn.
“Mọi người nói rằng nó sẽ không thành công, nhưng thực tế nó đã hoạt động hiệu quả trong một thời gian dài.”
Trong thời kỳ đại dịch, khi các trung tâm kiểm tra offline đóng cửa, bài kiểm tra trực tuyến của Duolingo trị giá 49 USD trở thành lựa chọn duy nhất cho nhiều sinh viên. Số lượng bài kiểm tra tăng gấp 10 lần trong 2 tháng và các trường đại học bắt đầu sử dụng nó cho sinh viên của mình. Ngày nay, bài kiểm tra tiếng Anh của Duolingo được chấp nhận tại hơn 4000 tổ chức, từ đại học Stanford đến đại học Midwives ở Utah. Những bài kiểm tra này đã mang lại doanh thu khoảng 25 triệu USD cho công ty trong năm ngoái.
Theo Bloomberg
Deeptalk là loại bài phân tích sâu, chất lượng và có đồ họa đẹp mắt, mở ra một trải nghiệm hoàn toàn mới. Hãy thưởng thức bài viết Deeptalk cùng với một ly cà phê thơm ngon, bạn sẽ cảm thấy thú vị và sảng khoái hơn bao giờ hết!