Đường EMA được xem như phiên bản nâng cao hơn của đường MA, được tạo ra để khắc phục những hạn chế của đường MA. EMA là công cụ phổ biến trong phân tích kỹ thuật vì khả năng xác định điểm mua/bán, các mức hỗ trợ, kháng cự và xu hướng thị trường. Để hiểu rõ hơn về đường EMA, bài viết sau đây sẽ giúp bạn.
Đường EMA là gì?
Đường trung bình EMA (Exponential Moving Average) trong giao dịch chứng khoán là một chỉ báo phổ biến trong phân tích kỹ thuật, được sử dụng để theo dõi biến động giá cổ phiếu và đo đạc xu hướng trong một khoảng thời gian nhất định. Tương tự như đường MA (Moving Average), EMA được sử dụng để khắc phục những hạn chế của đường MA bằng cách tính toán phức tạp hơn, giúp đường EMA bám sát giá cổ phiếu hơn so với đường MA tương ứng.
Đặc điểm và Công thức tính đường EMA
Để sử dụng đường EMA, các quy tắc tương tự như khi áp dụng cho SMA cũng áp dụng được, tuy nhiên đường EMA thường nhạy cảm hơn với biến động giá. Việc tính toán đường EMA cần được thực hiện một cách hợp lý vì EMA giúp nhà đầu tư phát hiện xu hướng sớm hơn so với đường MA, nhưng cũng biến động mạnh hơn trong ngắn hạn so với đường MA tương ứng.
Khi sử dụng các nền tảng phân tích kỹ thuật, thường đường EMA được tính toán và áp dụng tự động. Tuy nhiên, hiểu và biết cách tính đường EMA là rất quan trọng, đặc biệt đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp. Dưới đây là công thức tính đường EMA:
EMA(t) = [Price(t) × k] + [EMA(y) × (1−k)]
Trong đó:
EMA(t): Đường EMA hiện tại
Price(t): Giá hiện tại
EMA(y): EMA của phiên trước
N: số ngày sử dụng để tính EMA
k = 2 ÷ (N + 1)
Hướng dẫn giao dịch với đường EMA
Bước 1: Xác định đường hỗ trợ và kháng cự
Đường EMA cũng có thể dùng làm đường hỗ trợ và kháng cự. Trên xu hướng tăng, đường EMA có thể hỗ trợ hành động giá; ngược lại, trên xu hướng giảm, đường EMA có thể kháng cự hành động giá. Khi đường EMA nằm dưới đường giá và giá có xu hướng giảm, chạm vào đường EMA nhưng sau đó phục hồi, đường EMA sẽ đóng vai trò hỗ trợ. Ngược lại, khi đường EMA nằm trên đường giá và giá có xu hướng tăng, chạm vào đường EMA nhưng sau đó giảm, đường EMA sẽ đóng vai trò kháng cự.
Bước 2: Xác định điểm MUA - BÁN
Để sử dụng đường EMA xác định điểm mua và bán, thường sẽ có 2 đường EMA giao nhau trên biểu đồ giá: 1 đường EMA ngắn hạn (EMA nhanh) và 1 đường EMA dài hạn (EMA chậm). Cụ thể, các nhà đầu tư thường sử dụng cặp đường EMA như EMA 20 - EMA 50 hoặc EMA 50 - EMA 200 với đặc điểm như sau:
+ EMA nhanh: có chu kỳ ngắn, bám sát với đường giá và dễ bị đường giá cắt lên;
+ EMA chậm: có chu kỳ dài, phản ứng chậm hơn so với đường giá và thường khó bị đường giá cắt qua hơn so với EMA nhanh.
Cặp đường EMA 20 - EMA 50 sẽ có thời gian đầu tư ngắn hơn so với cặp EMA 50 - EMA 200, tuy nhiên việc sử dụng 2 cặp EMA này trong giao dịch vẫn có những quy tắc chung để xác định điểm mua và bán như sau:
+ Đường EMA nhanh cắt lên trên đường EMA chậm: tạo dấu hiệu thị trường tăng giá và cung cấp tín hiệu MUA tại điểm cắt này
+ Đường EMA nhanh cắt xuống dưới đường EMA chậm: tạo dấu hiệu thị trường giảm giá và cung cấp tín hiệu BÁN tại điểm cắt này
Bước 3: Xác định xu hướng sắp tới
Để đánh giá xu hướng giá trong thời gian ngắn, trung và dài hạn, người ta thường sử dụng ba đường EMA là EMA 20 (ngắn hạn), EMA 50 (trung hạn) và EMA 200 (dài hạn). Cách thức áp dụng cụ thể như sau:
+Khi giá chạm hoặc vượt qua EMA 20: biểu thị xu hướng ngắn hạn của thị trường là tăng/giảm;
+ Khi giá chạm hoặc vượt qua EMA 50: biểu thị xu hướng trung hạn của thị trường là tăng/giảm;
+ Khi giá chạm hoặc vượt qua EMA 200: biểu thị xu hướng dài hạn của thị trường là tăng/giảm.
Trên đây là giới thiệu về đường EMA trong phân tích kỹ thuật. Chúng tôi hy vọng bạn đọc có thể áp dụng và giao dịch hiệu quả với đường EMA này!