É | |
---|---|
Phân loại khoa học | |
Giới: | Plantae |
nhánh: | Tracheophyta |
nhánh: | Angiospermae |
nhánh: | Eudicots |
nhánh: | Asterids |
Bộ: | Lamiales |
Họ: | Lamiaceae |
Chi: | Ocimum |
Loài: |
O. africanum
|
Danh pháp hai phần | |
Ocimum africanum Lour. | |
Các đồng nghĩa | |
|
É hay còn gọi là é trắng, húng trắng, trà tiên, tiến thực, hương thảo, húng lông, húng quế lông (danh pháp khoa học: Ocimum africanum; các đồng nghĩa: Ocimum basilicum var. pilosum) là một phân loài của húng quế, nổi tiếng với hạt (thực chất là quả) thường được dùng để chế biến chè hoặc pha chế đồ uống giải khát, và thân cây được sử dụng làm gia vị hoặc trong các bài thuốc dân gian.
Mô tả
É là một loại cây nhỏ, sống lâu năm, với thân cây phân nhánh từ gốc tạo thành bụi cao từ 0,5-1m, thân cây có màu xanh nhạt và phủ lông thưa. Lá của cây é mọc đơn, đối chéo chữ thập, có hình bầu dục, dài từ 5–6 cm, rộng từ 2–3 cm, gốc tròn, đầu lá nhọn, mép lá có khía răng cưa, hai mặt của lá đều có lông trên gân, khi vò ra có mùi thơm giống sả (do đó, loài cây này còn được gọi là pilosum, có nghĩa là có lông mềm thưa).
Quả é có hình bầu dục, nhỏ nhắn, nhẵn, và trông giống như hạt vừng, với màu xám đen. Mỗi quả chứa một hạt bên trong. Khi quả é được ngâm trong nước, nó hút nước và tạo ra một lớp màng nhầy trắng bao quanh hạt. Điều này xảy ra vì tế bào biểu bì của hạt é chứa một hoặc nhiều lớp mucilage được dự trữ trong vách tế bào. Khi gặp nước, các tế bào chứa mucilage trương lên, vỡ ra và mucilage hòa tan trong nước, dẫn đến sự thay đổi hóa học trong vách tế bào. Hạt é chứa nhiều chất nhầy (là loại chất xơ hòa tan) và có tính mát (hàn).
É có thể phân biệt với húng quế ta (thường gọi là húng quế Thái ở phương Tây) qua hai đặc điểm chính: hoa và thân cây é có màu trắng và có lông (vì vậy được gọi là é trắng hoặc húng quế lông), trong khi húng quế ta có màu tím và không có lông (đôi khi được gọi là é tía).
Thành phần hóa học
Toàn cây é chứa tinh dầu với hàm lượng từ 2,5-3%, có thể lên đến 5% khi cây ra hoa. Tinh dầu chủ yếu là citral với tỷ lệ từ 56-75% cùng với nhiều hợp chất khác. Ngoài ra, cây é còn chứa các polyphenol, flavonoid, thymol, quercetin, acid cafeic và acid rosmarinic.
Hạt é chứa khoảng 5% nước, 3-4% chất vô cơ và chất nhầy. Khi thủy phân, chất nhầy tạo thành galacturonic, arabinose, và galactose. Toàn thân cây chứa từ 2,5 đến 3,5% tinh dầu tươi. Tinh dầu chủ yếu là citral với tỷ lệ 56%, bên cạnh đó còn có khoảng hơn 20 hợp chất khác.
Công dụng
Các bộ phận sử dụng của cây é bao gồm cành, lá và hạt. Thân và lá thường được thu hoạch khi cây chưa ra hoa hoặc chỉ mới có vài nụ; hạt thì được lấy từ những quả đã chín, còn tinh dầu được chiết xuất từ lá.
Lá và cành
Lá và cành của cây é được dùng như rau gia vị trong ẩm thực, là thành phần trong các bài thuốc dân gian hoặc để chiết xuất tinh dầu. Thân và lá é có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng làm ra mồ hôi, giải cảm, chữa phong thấp, lợi tiểu, giải u, giảm đau, vì vậy thường được dùng để điều trị các vấn đề như đau bụng, trướng bụng, khó tiêu, nôn mửa, cảm lạnh, cúm, sốt, đau đầu, viêm lợi, chảy máu chân răng, tưa lưỡi, viêm bàng quang, tiểu tiện bất thường.
Cây é, với hương vị đặc biệt, từng được sử dụng như một món quà quý giá dâng vua, vì thế nó còn được gọi là cây tiến thực. Món lẩu é trắng với thịt gà là đặc sản nổi tiếng của vùng Tuy Hòa.
Hạt
Trong y học cổ truyền, hạt é được coi là có tính mát, có khả năng thanh nhiệt, làm dịu cổ họng, giải nhiệt cơ thể và thông tiện. Nó thường được dùng để chữa ho khan, đau họng, nôn ra máu, đi tiêu ra máu, chảy máu cam, viêm đường tiết niệu, đau răng, đau mắt đỏ, và mụn nhọt. Trong dân gian, hạt é thường được sử dụng để làm mát và nhuận cơ thể, có thể uống nhiều lần trong ngày và không gây độc, làm thức uống giải khát đặc biệt hữu ích trong mùa hè. Để tăng cường tác dụng nhuận tràng, có thể kết hợp với hạt đười ươi (lười ươi), ngâm nước để uống ngay hoặc nấu thành chè. Chè hạt é và nước é rất phổ biến ở Việt Nam, thường được kết hợp với các nguyên liệu như mủ trôm, thạch đen (sương sáo), dừa nạo, dầu chuối, hoa nhài, cũng như các loại trái cây như dâu tây, dứa, v.v.
Theo nghiên cứu hiện đại, hạt é chứa nhiều chất nhầy có lợi cho sức khỏe. Hạt é có thể được pha với đường để uống, nước hạt é rất mát và có tác dụng chữa rôm sảy. Chất nhầy trong hạt é không bị tiêu hóa hay phân hủy, vì vậy chất béo trong hạt é không thấm vào cơ thể. Chính nhờ chất nhầy này mà hạt é giúp giảm lượng cholesterol.