Theo tạp chí Fortune, dù Elon Musk có mong muốn kiếm tiền ở châu Âu nhưng điều này không dễ dàng khi đối mặt với sự phản đối từ nhiều nhóm lợi ích.
Tờ Fortune cho biết ngày 5/3/2024 được xem là một ngày đen tối cho Elon Musk khi những kẻ tự xưng là nhà hoạt động môi trường đã phá hủy hoạt động của nhà máy Tesla ở Đức, gây thiệt hại tổng cộng 1 tỷ USD.
Một nhóm tự xưng là 'Hội núi lửa' đã phá hỏng cột điện cao thế duy nhất gần nhà máy Tesla ở Grunheide, Đức, khiến hơn 60.000 cư dân ở Brandenburg và một số khu vực xung quanh thủ đô Berlin bị mất điện.
Sự việc đã đặt ra những câu hỏi về khả năng bảo vệ cơ sở hạ tầng tại Đức khỏi những kẻ phá hoại, cũng như về các nhóm hoạt động môi trường và thậm chí là tội phạm.
'Việc phá hủy nhà máy Gigafactory của Elon Musk là một bước tiến trên con đường giải phóng', tuyên bố của nhóm này nhấn mạnh khi dùng từ 'Elon' và chơi chữ thành 'Elend', có nghĩa là 'bi kịch' trong tiếng Đức.
Giám đốc cấp cao Andre Thierig của nhà máy Tesla ở Đức ước tính tổn thất có thể lên đến gần 1 tỷ USD do phải tạm ngừng sản xuất 1.000 chiếc xe mỗi ngày.
Hiện nhà máy này của Tesla là Gigafactory đầu tiên tại Châu Âu, chịu trách nhiệm sản xuất các mẫu Model Y cho thị trường có lái bên trái, bao gồm cả Đức.
'Những kẻ ngu ngốc'
'Đây là những kẻ khủng bố-bảo vệ môi trường ngu ngốc nhất hành tinh', Elon Musk đã phải nói sau khi nhà máy Tesla bị tấn công.
Về lý thuyết, nhà máy Tesla tại Đức vẫn có nguồn điện dự phòng nhưng cần một trạm biến áp cục bộ để kết nối với lưới điện cao thế.
Tuy nhiên, cuộc tấn công từ nhóm bảo vệ môi trường đã phá hủy đường dây giữa trạm biến áp và lưới điện cao thế, làm hỏng nguồn điện dự phòng của nhà máy.
Không có điện, hệ thống thông gió và thiết bị của nhà máy không thể hoạt động, khiến 12.500 nhân viên phải nghỉ và đợi một vài ngày để sửa chữa mạng điện.
'Chúng tôi không nghĩ rằng hoạt động sản xuất có thể khôi phục trong tuần này', giám đốc Thierig nói.
Hiện vẫn chưa có thông tin về việc bắt giữ những kẻ phá rối, mặc dù hành vi phá hoại thường xuyên diễn ra tại Đức khi những người tự nhận là những người bảo vệ môi trường thực hiện việc phá hủy các dây cáp điện, cáp viễn thông hoặc thậm chí là đường sắt ở những vị trí xa xôi nhưng quan trọng cho hoạt động sản xuất.
Mỗi 1-2 năm, các nhóm nhỏ này thường tiến hành phá hủy cơ sở hạ tầng mà không được chính phủ chú ý.
Thậm chí, Hiệp hội Bảo vệ Cơ sở Hạ tầng Liên bang Đức (BSKI) cũng lên tiếng chỉ trích việc các mục tiêu này như một miếng mồi ngon cho những kẻ phá hoại khi chúng không được bảo vệ đúng mức.
'Chúng ta cần bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng cho hoạt động kinh doanh như chúng ta bảo vệ cơ sở quân sự', Phó Chủ tịch Hans Walter Borries của BSKI nhấn mạnh.
Nhà máy Gigafactory của Tesla tại Đức
Khó khăn trong việc kiếm tiền
Tờ Fortune cho biết nhóm phá hoại đã lên kế hoạch tấn công vào nguồn cung năng lượng cho nhà máy Tesla từ tháng 5/2021, khi dự án này vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Lý do chính là việc xây dựng nhà máy Gigafactory của Tesla không được sự ủng hộ của nhiều người dân địa phương. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra khi người dân cắm trại quanh các khu rừng để ngăn chặn việc phá hủy môi trường để xây dựng nhà máy.
Sau đó, một báo cáo dựa trên dữ liệu của công ty cung cấp nước địa phương WSE đã chỉ ra rằng nhà máy của Tesla đã gây ô nhiễm nguồn nước trong 2 năm qua. Nồng độ các chất độc như phốt pho và nitơ cao gấp 6 lần so với giới hạn cho phép.
Điều này làm cho hoạt động của nhà máy Tesla tại Đức gặp rất nhiều khó khăn. Có khả năng các vụ phá hoại như vậy sẽ tiếp tục diễn ra.
'Chúng tôi kiên quyết ủng hộ Tesla và sẽ làm mọi cách có thể để ngăn chặn mọi cuộc tấn công tiếp theo', Bộ trưởng công nghiệp Jörg Steinbach của vùng Brandenberg đã đảm bảo cho Tesla.
Trong khi đó, Bộ Nội vụ Liên bang Đức đã lên án hành vi phá hoại, coi đó là hành động có đặc tính khủng bố.
'Có thể những vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng nhà máy, nhưng tôi không thể đưa ra dự đoán', giám đốc Thierig của Tesla lo lắng nói.
Thông tin này đặt ra nhiều thách thức cho Elon Musk khi sản lượng nhà máy Tesla ở Châu Âu bị gián đoạn do các tàu chở ắc quy từ Châu Á không thể đi qua kênh đào Suez do cuộc tấn công của phiến quân Houthi trên Biển Đỏ.
*Nguồn: Tạp chí Fortune