Emily in Paris có thể không phù hợp với đa số, nhưng vẫn thu hút sự chú ý nhiệt tình của đông đảo khán giả.
Emily in Paris - bộ phim do Darren Star sáng tạo xoay quanh cuộc phiêu lưu của Emily Cooper (Lily Collins), một nhân viên tiếp thị chuyển đến Paris để làm việc trong lĩnh vực truyền thông xã hội mặc dù cô không đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Phần 1 của series đã nhận được nhiều chỉ trích vì hình ảnh tiêu biểu về người Pháp, cũng như việc gây tranh cãi khi tạo ra nhân vật Petra, người Ukraina thường xuyên bị chỉ trích về phong cách ăn mặc và hành vi.
Dù bị ghét là vậy nhưng Emily in Paris vẫn là bộ phim hài, lãng mạn được xem nhiều nhất trên Netflix vào năm 2020 và đã giành được hai đề cử Giải Quả cầu vàng. Theo Deadline, mùa thứ 2 của series do Darren Star sáng tạo đã thu hút 107,6 triệu giờ xem trong tuần đầu tiên, đứng thứ hai trong danh sách Top 10 toàn cầu của Netflix cho các bộ phim nói tiếng Anh, chỉ sau mùa thứ hai của The Witcher. Vậy tại sao Emily in Paris lại thu hút được nhiều lượt xem đến vậy, dù bị ghét cay ghét đắng?
1. Emily in Paris: Hiện tượng 'xem để ghét'
Vào năm 2021, khán giả mong đợi sự nhận thức rõ ràng hơn về thế giới từ những người sáng tạo chương trình truyền hình. Ngược lại, Emily in Paris là một vũ trụ trống rỗng về mặt trí tuệ, một chương trình dường như tồn tại trong một thế giới song song, bất chấp sự thực trần trụi bao gồm bất bình đẳng thu nhập, xung đột chủng tộc, và chia rẽ chính trị... Và nhanh chóng, series này nhận được nhiều chỉ trích. Tuy nhiên, không có ai từ bỏ series này và lý do là... họ muốn ghét một thứ gì đó, nhưng lại không muốn thực sự 'ghét bỏ' nó. Nghe có vẻ điên rồ, nhưng thực ra có cả một màn phân tích tâm lý sau điều này.
Ryan Bailey, người dẫn chương trình iHeartRadio podcast So Bad It's Good with Ryan Bailey cho biết: “Tôi ghét xem Emily in Paris vì nó hoàn toàn không thực tế, lố bịch. Thế nhưng mỗi phân đoạn lại rất bóng bẩy và đẹp đến mức bạn không thể quay đi. Thực tế là tôi run lên mỗi lần phải thở dài trước sự lố bịch của phim. Nhưng tôi vẫn thích xem phim này.' - anh nhận định về chương trình luôn nằm trong danh sách yêu thích của mình trên Netflix.
Hollis Griffin, phó giáo sư truyền thông và truyền thông tại Đại học Michigan, nghi ngờ rằng chính phong cách của bộ phim - 'giọng điệu nhão nhoẹt, giả tạo, các nhân vật vô hồn' - khiến mọi người phản ứng một cách rõ ràng: họ ghét nó, nhưng cũng thích xem nó chỉ để ghét nó thêm. Còn Bailey lại nhận xét thêm: '(Việc xem Emily in Paris) giống như việc bạn nếm thử đồ ăn dở và sau đó bắt người khác phải nếm thử vì bạn không thể tin được những gì mình vừa trải qua. Chúng ta đang được huấn luyện để thích mùi vị của đồ ăn dở'.
Thế nhưng, với những gì thế giới đang trải qua, Emily in Paris lại là một điều hoàn hảo. Griffin nhận định 'Chúng ta dễ thấy thỏa mãn khi tập trung tâm trí của mình vào một thứ gì đó tự cho mình là ‘ngây thơ’ trong những thời điểm (đen tối) như thế này.'
Sự tự nhận thức đôi khi cũng là con dao 2 lưỡi khi cho ra đời một bộ phim. Chúng ta đang sống trong thời kỳ phức tạp: bất bình đẳng thu nhập, xung đột chủng tộc, chia rẽ chính trị. Chúng ta cũng đang sống trong một thời điểm mà truyền hình thường đề cập đến những điều này. Ví như mớ drama sặc mùi chính trị gia đình được đặt ra giữa sự giàu có của tầng lớp tỷ phú trong series như Succession hay Black-ish thường hỏi những câu hỏi khó về chủng tộc. Trong cơn bão tự nhận thức ấy, mệt mỏi là điều không thể tránh khỏi. Đó, và cả lời nhắc nhở thế giới là một bức tranh toàn màu xám, sẽ khiến bạn có xu hướng bắt lấy ngay một gam màu tươi tắn hơn nếu nhó xuất hiện. Và thực tế là nó đã xuất hiện, trong hình hài của Emily in Paris.
Tất nhiên, hiện tượng “xem để ghét” không có gì mới. Griffin nói: 'Miễn là mọi người có thể xem TV và phim, họ còn ghét nó (chương trình đó). Rốt cuộc, ghét điều gì đó có thể là một trải nghiệm thú vị sâu sắc đối với chúng ta.' Griffin nhận ra điều này khi quan sát ông của mình “xem để ghét” trận đấu của đội bóng chày New York Giants. 'Không ai biết lý do tại sao ông lại chẳng ưa New York Giants, nhưng mọi người đều biết rằng không quan trọng ai đang ở trên sân hay họ đang chơi bóng với ai, ông luôn buông những lời chê bai. Khi họ loạng choạng, khi họ thua cuộc, thậm chí có thể là khi họ bị thương. Không phải là ông có vấn đề gì với đội bóng đó, chỉ là trải nghiệm thất bại của họ khiến ông cảm thấy hạnh phúc'.
Quan sát ông ngoại của mình, Hollis Griffin nhận ra rằng việc sử dụng phương tiện truyền thông mang tính cá nhân cao và những người sáng tạo trên phương tiện truyền thông - nhà biên kịch chẳng hạn – không bao giờ thực sự có thể dự đoán được dự án của họ sẽ tiếp cận với từng khán giả như thế nào. Với mức độ phổ biến của mạng xã hội hiện nay, có một thuật ngữ được gọi hiện tượng kiểu này là 'ghét tập thể' xuất hiện. Đó là khi bạn nghe người khác bỉ bai về thứ gì đó mà họ không thích với tần suất quá dày đặc nên bản thân bạn cũng nảy sinh cảm giác chẳng ưa điều đó chút nào.
Hiện tượng này đã được củng cố nhiều năm trong văn hóa xem phim, khi các khán giả ngồi lại với nhau trước một bộ phim kinh dị hạng B, xem và chế giễu sự lố bịch mà nó mang lại. Emily in Paris rơi vào trường hợp này.
Cũng có thời gian, Emily in Paris được xem là một lời trào phúng hay Darren Star đã cố tình làm quá lên mọi thứ. Nói nôm na là series này mang tính 'camp' nhiều hơn. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa “camp” (một thuật ngữ chỉ những bộ phim phóng đại và làm lố một cách có chủ đích) và “xem để ghét”. Theo định nghĩa của Susan Sontag, một nhà làm phim làm ra các bộ phim đầy tính “camp” khi họ vui tươi và 'không hề có ý định nghiêm túc' cũng như cố tình phóng đại và cố ý giả tạo. Trong khi đó, người tạo ra một bộ phim “xem để ghét tập thể” như Emily in Paris thường không cố tình trong phương diện gì cả. Họ chỉ vô tình tạo ra nó và không hề biết khán giả sẽ phản ứng ra sao.
Emily in Paris hoàn toàn coi bản thân quá nghiêm túc về xây dựng một thương hiệu, chứ không đơn thuần là được sinh ra để phóng đại hay trào phúng. Có thể mùa 1 dành cho thể loại hài, lãng mạn một cái nhìn trào phúng thật, nhưng sự ghét của Emily in Paris đến lúc nào đó đã không còn là sự ngẫu nhiên trong sáng nữa rồi khi mùa 2 xuất hiện. Sử dụng những chiêu trò không khá hơn mùa đầu là bao nhiêu, rõ là series chẳng có ý định 'camp' nào ở đây.
Như vậy, series có thể được coi là thành quả của một thời đại tạo nên nhiều điều kiện hoàn hảo để nó phát triển. Một ca 'thời thế tạo anh hùng', nếu bạn muốn xem xét theo cách văn vở.
2. Tại sao chúng ta 'xem để ghét tập thể'?
Vậy tại sao chúng ta đều muốn 'xem để ghét tập thể' Emily in Paris. Có ba lý do khiến chúng ta xem những bộ phim như thế này. Thứ nhất, đó là khía cạnh xã hội: Tại sao lại chế giễu một mình khi bạn có thể đăng nhập Twitter, Facebook hay bất kỳ nền tảng mạng xã hội nào khác và chế giễu nó cùng nhau? Đó là một việc đặc biệt hấp dẫn giữa thời đại của đại dịch. Nếu bạn bị mắc kẹt trong nhà giữa một giai đoạn u ám, thôi thì thà mở một bộ phim trống rỗng, sáng bóng và mang tính thoát ly lên xem và chọc phá mọi người trên mạng xã hội về mức độ lố bịch của nó. Nghe có vẻ nông cạn, nhưng đó là điều giữ chúng ta khỏi buồn chán tột độ.
Thứ hai, chúng ta thường ghét quan sát những gì chúng ta thấy hời hợt, kém chất lượng hoặc hoàn toàn thiếu vắng các giá trị văn hóa, xã hội vào thời điểm đó và những bộ phim như thế này cho khán giả cơ hội để công khai chỉ trích điều đó. Và trong trường hợp này, khi đề cập đến việc hình thành ý kiến về điều gì đáng bị ghét, bối cảnh và thời đại rất quan trọng, theo Justin Owen Rawlins, trợ lý giáo sư về nghiên cứu truyền thông và nghiên cứu phim tại Đại học Tulsa.
Có một xu hướng hiện nay là các loại hình văn hóa có tính lịch sử thấp hoặc nghiêng về nữ quyền như truyền hình thực tế, mạng xã hội và các bài tường thuật lấy phụ nữ làm trung tâm thường trở thành đối tượng bị ghét bỏ. Là câu chuyện tập trung vào một phụ nữ trẻ và hoạt động trên mạng xã hội của cô ấy, Emily in Paris dường như có ngay một chỗ trong chuỗi 'xem để ghét tập thể'.
Cuối cùng, con người hạnh phúc khi tự mãn. Có thể đi quanh và khoe rằng 'gu phim của tôi hay hoàn toàn hơn so với Emily in Paris!' là điều mang lại một chút hạnh phúc thỏa mãn cái tôi của chúng ta. Điều đáng nói là sự ghét bỏ của chúng ta cũng tương quan với việc phổ biến rộng rãi hơn trên các phương tiện truyền thông - ít nhất là với những câu chuyện hư cấu. Tức, một bộ phim càng bị ghét lại càng nổi bật và 'tiếng xấu đồn xa'.
Đừng nghĩ rằng Emily in Paris chỉ là 'cố đấm ăn xôi' và thực ra Lily Collins cùng Darren Star chỉ muốn kiếm tiền từ sự căm ghét đó! Emily in Paris có thể không để lại bất kỳ ấn tượng đáng nhớ nào về nội dung, nhưng nhìn chung, bộ phim đã cho chúng ta thấy làm thế nào các series tương tự như thế này đang 'làm giàu' bằng cách nào. Chẳng có gì cá nhân cả, tất cả chỉ đơn giản là tâm lý con người thôi. Vậy sau khi xem xong series này, ít nhất bạn có thể nhận diện một hiện tượng 'xem để ghét tập thể' tiếp theo rồi đấy!
Nguồn: Tham khảo từ Huffpost