Trong cuộc sống, sẽ đến một lúc nào đó bạn cảm thấy hối hận về một hành động bạn đã thực hiện hoặc không thực hiện, khiến bạn tin rằng bạn đã không đưa ra quyết định đúng đắn mà “có lẽ” bạn nên làm tốt hơn. Điều đó có thể là: Rớt một cuộc phỏng vấn mà bạn có thể đã trả lời tốt hơn, mất một mối tình vì những lời bạn đã nói, bỏ lỡ một cơ hội học vì bạn đã nhút nhát...
Kết quả là, bạn sẽ cảm thấy hối tiếc. Sự hối tiếc thường đi kèm với cảm giác tội lỗi.
Một người không nhất thiết phải luôn luôn hối tiếc, nhưng sự hối tiếc có thể ám ảnh và làm cho họ trở nên yếu đuối và chậm trễ trong việc đưa ra quyết định, cuộc sống trở nên u ám hơn. Vậy chúng ta nên đối mặt với sự hối tiếc như thế nào? Câu trả lời có thể nằm trong cách giải thích của các triết gia lỗi lạc.
1. Nhìn nhận đúng bản chất
Trước hết, ta cần nhìn nhận sự việc một cách khách quan, như thực tế của nó, chứ không phải như cảm xúc của ta. “Người trong cảnh không hề vui”, cảnh vật ban đầu rất tươi đẹp, nhưng qua con mắt của người buồn bã, nó trở thành bi thương, tương tự như trường hợp này hoặc trường hợp tương tự khi chúng ta nhìn nhận sự vật, sự việc không còn khách quan nếu để cảm xúc chi phối khả năng suy luận.
Để nhìn nhận một cách khách quan những sự kiện khiến ta hối hận, một trong những phương pháp được các triết gia áp dụng là “Phân chia khả năng kiểm soát”. Cụ thể, mỗi sự kiện, mỗi chuyện, mỗi vật… đều được chia thành hai phái: Có thể kiểm soát và Không thể kiểm soát. Từ đó, chúng ta không nên dành thời gian suy nghĩ về những điều chúng ta không thể kiểm soát, không thể điều khiển vì điều đó chỉ làm lãng phí thời gian và không có ích, thay vào đó, chúng ta nên tập trung vào những điều mà chúng ta có thể kiểm soát được.
Hãy suy ngẫm về những sự kiện khiến ta hối hận, chúng đều nằm ở quá khứ - nơi mà chúng ta không còn khả năng kiểm soát hay điều khiển, vì vậy chúng ta cần đứng vững, tách biệt bản thân khỏi những sự kiện đó và khẳng định rằng “tôi không thể thay đổi nó (quá khứ)”. Nhiều người khi nhắc lại một sự kiện trong quá khứ làm họ hối hận thường không thể phân biệt được bản thân hiện tại và sự kiện đó (quá khứ), điều này khiến họ sống trong quá khứ và tin rằng họ có thể thay đổi quá khứ. Một ví dụ điển hình là sau khi một cặp đôi chia tay, mối quan hệ đã kết thúc, nhưng họ không chấp nhận điều này và cố gắng sống trong quá khứ bằng cách kéo dài quá trình chia tay trước khi nhận ra “nó đã kết thúc”, nếu một người có thể nhận ra rằng hành động trong quá khứ không thể thay đổi, họ sẽ sớm chấp nhận và quá trình chấp nhận sẽ rút ngắn lại, cuộc sống của họ sẽ không còn bị kẹt trong nỗi đau khổ.
2. Đau khổ trong suy tưởng nhiều hơn trong thực tế
Nếu cho phép quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại, theo triết học gia Seneca, chúng ta đang sống trong thế giới của tưởng tượng. Chúng ta cần nhắc nhở bản thân rằng, cái mà chúng ta đang tưởng tượng thường không tồn tại. Ví dụ, khi chúng ta nghĩ rằng nếu làm một điều gì đó trong quá khứ, kết quả có thể tốt hơn và do đó chúng ta nuối tiếc cái 'kết quả tốt hơn' đó. Nhưng thực tế, kết quả đó thường chỉ là tưởng tượng.
Khi tham gia một cuộc phỏng vấn và không đậu, chúng ta thường nghĩ rằng nếu có CV tốt hơn, nếu trả lời tốt hơn,… thì có thể sẽ đậu, và nếu đậu thì lương cao hơn, quyền lực hơn,… Nhưng khi nhìn nhận một cách khách quan, hơn một nửa câu chuyện đó là tưởng tượng, vì CV tốt hơn hay trả lời tốt hơn không đồng nghĩa sẽ đậu, lương cao hơn, và người có nhiều tiền không đồng nghĩa được nhiều người trọng vọng.
Thực tế, nếu sau đó chúng ta biết rằng công ty mà chúng ta rớt phỏng vấn thực chất là một tổ chức lừa đảo, chúng ta lại không thấy hối tiếc nữa, mà thấy may mắn. Rất nhiều người sống trong thế giới của tưởng tượng hơn là thực tế, và thường phóng đại lên những điều tươi đẹp - cái không tồn tại, từ đó họ hối tiếc cái không có thực. Cảm xúc thường chi phối trong việc này, vì sự phóng đại, tưởng tượng đa phần là sản phẩm của cảm xúc.
Triết học gia Seneca đã có một giải thích rất đúng: “Chúng ta đau khổ nhiều trong tưởng tượng hơn trong thực tế” - Seneca
Bạn đã từng tự đặt mình vào những tưởng tượng tồi tệ nhất về tương lai, chỉ để nhận ra rằng cuộc sống không hề khủng khiếp như bạn nghĩ chưa? Tôi vẫn nhớ khi tôi gãy tay ở cấp hai, cảm giác khủng hoảng và đau đớn khi nghĩ rằng tôi sẽ không thể sử dụng tay trái nữa, cho đến khi bác sĩ nói rằng tôi sẽ hồi phục hoàn toàn trong vòng ba tháng.
3. Không chạy trốn quá khứ và không sống trong quá khứ
Vậy để đối mặt với sự hối tiếc, chúng ta cần nhìn nhận nó như một sự kiện không thể kiểm soát, không thể thay đổi, và hầu hết sự hối tiếc chúng ta cảm thấy là do suy tưởng của chính mình tạo ra.
Tuy nhiên, nhiều người dễ bị nhầm lẫn rằng vì không thể làm gì quá khứ hay các sự kiện khiến ta hối tiếc do đó ta hãy quên nó đi, tuy nhiên “quên đi sự kiện quá khứ” hay chạy trốn khỏi nó không phải là cách tiếp cận tốt, bởi sự kiện ở quá khứ vốn dĩ có ảnh hưởng đến hiện tại và tương lai, bằng việc nhìn sự kiện ở quá khứ ta có thể có được bài học cho mình. Cái khác biệt và mọi người cần phải phân biệt ở đây là ta nên “nhìn và học” quá khứ chứ ta không nên “sống” trong quá khứ. Các triết gia nhấn mạnh ta phải phân biệt được sự khác biệt này, ví dụ nếu bạn ngồi kể lại việc mình chia tay người yêu với nước mắt giàn giụa trên mặt thì bạn không đánh giá quá khứ dưới góc độ “nhìn và học”, mà đang “sống” trong nó.
“Cuộc sống của tất cả mọi người nằm ở hiện tại; vì quá khứ đã được dùng và kết thúc, và tương lai thì không chắc chắn” - Marcus Aurelius
Bằng cách nhìn sự vật, hiện tượng trong thang thời gian rạch ròi: quá khứ (không thể thay đổi), hiện tại (có thể kiểm soát), tương lai (không chắc chắn) ta mới có thể sử dụng sức lực, thời gian của mình một cách hiệu quả, và không trở thành kẻ cư trú trong quá khứ hoặc tương lai:
“Cuộc sống của tất cả mọi người nằm ở hiện tại; vì quá khứ đã được dùng và kết thúc, và tương lai thì không chắc chắn” - Marcus Aurelius
4. Hãy hân hoan với những điều có thật trong cuộc sống thay vì đau khổ vì những điều không thể.
Một điểm quan trọng là nhiều người sống trong tiếc nuối vì đã quên mất những gì mình đang sở hữu. Bởi họ thường mơ mộng về những điều không tưởng đến nỗi quên mất rằng điều mình đang có thực sự là niềm mơ ước của nhiều người khác. Hãy nhìn lại những gì bạn đang có và hỏi bản thân, nếu mọi thứ này biến mất, liệu bạn sẽ đau khổ như thế nào? Nếu một người sống trong hối tiếc và nuối tiếc không ngừng, họ sẽ không bao giờ cảm thấy mãn nguyện, bởi họ luôn lãng phí thời gian suy nghĩ về những điều không thể thay đổi - quá khứ.
Thay vì đau khổ về những điều không thể kiểm soát và không tồn tại, hãy tận hưởng những gì bạn đang có. Bằng cách biết ơn và hài lòng với hiện tại, bạn có thể tạo ra một tương lai mà không cần phải hối tiếc.
Như triết gia Epictus đã dạy chúng ta:
“Người khôn ngoan không chịu đau khổ vì những điều họ không có, mà họ hân hoan với những gì họ đang sở hữu” – Epicteus.
Tác Giả: Khắc Trung
Nếu bạn đam mê viết và mong muốn nhận những phần thưởng hấp dẫn cùng với việc xây dựng thương hiệu cá nhân của mình, hãy tham gia ngay tại đường link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info