F-16V có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như: tác chiến không gian, không đối đất và không đối không, cũng như các nhiệm vụ ngăn chặn dưới lòng biển và trên biển. Nó cũng có thể thay đổi nhiệm vụ trên không, phát hiện và theo dõi các mục tiêu khó tìm thấy, ngay cả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Đồng thời, nó cũng giảm chi phí hoạt động cho người sử dụng.
Phi đội F-16V đang liên tục được nâng cấp để tăng cường hiệu suất và khả năng hoạt động trong các tình huống tác chiến phức tạp. Dự kiến phi đội F-16 sẽ hoạt động cho đến năm 2060 hoặc thậm chí là lâu hơn nhờ các cuộc nâng cấp liên tục về cấu trúc và khả năng của F-16V.
F-16V tại Greenville, bang Nam Carolina.
Buồng lái và hệ thống vũ khí của tiêm kích Viper
Buồng lái của tiêm kích Viper được trang bị màn hình điện tử tiên tiến, là sự kết hợp giữa một máy tính nhiệm vụ được nâng cấp và một hệ thống điện tử hàng không hiện đại. Đây bao gồm màn hình màu đa chức năng, màn hình lớn ở trung tâm có độ phân giải cao (CPD), hệ thống tín hiệu gắn trên mũ bảo hiểm và đường truyền dữ liệu có băng thông lớn, tốc độ cao.
Màn hình CPD nâng cao nhận biết tình huống của phi hành đoàn bằng cách hỗ trợ chụp ảnh và xử lý dữ liệu an toàn của chuyến bay theo thời gian thực. F-16 Viper cũng được trang bị chương trình phát tín hiệu hình ảnh được nâng cấp và có thể lập trình được. Nó còn có mạng liên kết dữ liệu chiến trường Link-16 (thường được các nước NATO sử dụng), hệ thống nhận dạng bạn-thù (IFF) và liên lạc vô tuyến ở 3 dải tần số từ cao (HF), rất cao (VHF) đến siêu cao (UHF).
Buồng lái của F-16 Viper.
Máy tính nhiệm vụ của F-16V có hiệu suất cao, mang lại hiệu suất tính toán cao hơn cho các hệ thống vũ khí và điện tử hàng không. Đồng thời cung cấp khả năng nhận biết tình huống và hiệu suất tấn công không đối không được cải thiện, bên cạnh khả năng nhắm mục tiêu chính xác.
Kiến trúc máy tính dựa trên công nghệ truyền dẫn ethernet gigabit
Chiến đấu cơ tiên tiến này cũng được trang bị hệ thống định vị GPS chính xác và hệ thống tránh va chạm với mặt đất tự động. Chúng cung cấp cho phi công các cảnh báo về một cuộc va chạm sắp xảy ra với mặt đất hoặc trong trường hợp phi công không phản ứng với các tín hiệu thị giác, nó có thể tự điều khiển luôn máy bay để tránh va chạm.
Phi công lái tiêm kích Viper với mũ bảo hiểm có gắn hệ thống tín hiệu.
Tiêm kích Viper trang bị ghế phóng US18E của Martin-Baker, đảm bảo khả năng thoát hiểm đạt chuẩn của các tiêm kích thế hệ 5. Ghế có thiết kế kiểu mô-đun, dễ bảo trì và tiết kiệm chi phí. Nó bao gồm một bộ tuần tự điện tử Martin-Baker, thiết bị bảo vệ cổ và đệm tựa đầu với một dù thoát hiểm IGQ 6000 có đường kính lớn.
F-16V có khả năng trang bị nhiều loại tên lửa không đối không (AAM), bao gồm AIM-9 Sidewinder, Magic II và ASRAAM; cũng như AIM-7, Sky Flash và AIM-120. Ngoài ra, các tên lửa AAM hồng ngoại như AIM-9X, Python IV, AIM-132 ASRAAM và IRIS-T cũng có sẵn.
F-16V hỗ trợ tích hợp các tên lửa chống hạm AGM-119/AGM-84/AGM-65G cũng như tên lửa chiến thuật không đối đất AGM-65 Maverick, và bom dẫn đường bằng laser Paveway, bom GBU-15 và hệ thống vũ khí WCMD.
Radar APG-83 AESA của F-16V cho phép nhắm mục tiêu trong mọi thời tiết và cung cấp khả năng phát hiện và chụp ảnh các mục tiêu trên đất liền với độ phân giải cao. Radar này cung cấp các chế độ tấn công không đối không và không đối đất.
Chiếc F-16 Viper của Không quân Slovakia, tháng 11/2023.
F-16V trang bị động cơ phản lực Pratt & Whitney F100-PW-229 hoặc General Electric F110-GE-129. F100-PW-229 có lực đẩy 129,4 kN, F110-GE-129 tạo ra lực đẩy tới 131,22 kN, giúp đạt tốc độ tối đa Mach 2 (2.469 km/giờ) và phạm vi bay 3.222 km.
Danh sách quốc gia sử dụng máy bay F-16V
Không quân Hoa Kỳ (USAF) đã ký hợp đồng mua bán vũ khí nước ngoài (FMS) với Lockheed Martin để nâng cấp 134 chiếc F-16 lên phiên bản F-16V vào tháng 11/2016. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ còn ký hợp đồng trị giá 1,12 tỷ USD với Lockheed Martin để phát triển 16 chiếc F-16V cho Không quân Bahrain vào tháng 6/2018. Bahrain là quốc gia đầu tiên nhận phiên bản mới của F-16. Chiếc F-16V đầu tiên đã được giao cho Bahrain vào tháng 3/2023.
F-16V của Không quân Hoàng gia Bahrain.
Cơ quan Hợp tác An ninh và Quốc phòng (DSCA) đã phê duyệt thương vụ bán 8 chiếc F-16 Viper cho Bulgaria với tổng giá trị 1,67 tỷ USD. Vào tháng 6/2021, DSCA cũng đã phê duyệt việc bán máy bay F-16V và các thiết bị phụ trợ với chi phí ước tính là 2,43 tỷ USD cho Philippines.
Hy Lạp đã nhận được lô máy bay F-16V đầu tiên vào tháng 9/2022 và đến tháng 8/2023, họ đã nhận được chiếc F-16V thứ 10. Ở Đông Âu, Slovakia đã nhận được hai chiếc F-16V đầu tiên vào tháng 1/2024.
Các nhà thầu chính tham gia
Tháng 3/2021, Lockheed Martin đã ký hợp đồng với L3Harris Technologies để phát triển hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến nhằm bảo vệ F-16 khỏi các mối đe dọa điện tử và radar ngày càng tăng. Lockheed Martin và công ty WZL-2 của Ba Lan cũng ký kết thỏa thuận nhằm cung cấp dịch vụ hỗ trợ liên tục cho các máy bay F-16 của Ba Lan vào tháng 6/2021.
Vào tháng 1/2021, Northrop Grumman đã được USAF chọn để hoàn thiện hệ thống EW, thay thế các hệ thống EW cũ trên phi đội F-16 của họ. Sau đó vào tháng 5/2022, USAF đã ký hợp đồng với Northrop Grumman để phát triển Gói Tác chiến Điện tử Viper Tích hợp AN/ALQ-257 (IVEWS).
Tháng 8/2023, Amentum nhận được hợp đồng trị giá 818 triệu USD để hỗ trợ và hiện đại hóa phi đội F-16 của Hải quân Hoa Kỳ, họ sẽ cung cấp các giải pháp kỹ thuật, bảo trì và hậu cần cho máy bay F-16 đóng tại Trạm Không quân Hải quân Fallon, Nevada.
Lockheed Martin dự kiến giao khoảng 19-21 chiếc trong năm 2024 và số lượng đơn đặt hàng vẫn tiếp tục tăng lên. Sau 50 năm kể từ chuyến bay đầu tiên, rõ ràng tiêm kích F-16 vẫn đang được phát triển không ngừng. Hoạt động thử nghiệm cũng được diễn ra liên tục để đảm bảo Viper luôn dẫn đầu về công nghệ chiến đấu cơ. Bất chấp tuổi đời và chiếc F-35 thế hệ thứ 5 đang nổi lên, sự quan tâm của khách hàng đối với F-16 không hề có dấu hiệu giảm đi.
Theo AT.