Sau khi xem xong clip về tốc độ cảm biến vân tay trên Pixel 9, mình chợt nhớ rằng Face ID đã nhanh như vậy suốt 7 năm nay. Dù cảm biến vân tay trong màn hình có giá trị, giúp màn hình ít bị cắt xén, nhưng Face ID lại cần không gian đủ lớn để tích hợp camera TrueDepth. Bài này mình chỉ muốn chia sẻ về Face ID thôi. Face ID gặp lỗi ngay trong buổi ra mắt iPhone X, khi không thể mở khóa thiết bị. Apple sau đó giải thích do cơ chế khóa được kích hoạt khi thiết bị bị cầm lên nhiều lần trước buổi ra mắt, khiến Face ID xác thực nhầm khuôn mặt. Sau một số lần thất bại, thiết bị chuyển sang yêu cầu mật mã, hoàn toàn không khó hiểu.
Craig Federighi, giám đốc phần mềm Apple, đã nhanh chóng chuyển sang thiết bị dự phòng và nó hoạt động bình thường. Tuy nhiên, sự cố này đã lan truyền nhanh chóng và trở thành nguồn cảm hứng cho vô số meme trên mạng xã hội. Điều này làm người dùng, trong đó có mình, lo ngại về tính khả dụng thực tế của công nghệ bảo mật mới này.Apple đã xác nhận rằng Face ID sẽ bị khóa sau 2 lần thử không thành công, khác với Touch ID yêu cầu nhập mật mã thủ công sau 5 lần thử sai.Face ID hoạt động ra sao?
Face ID là công nghệ nhận dạng khuôn mặt của Apple, sử dụng hệ thống camera TrueDepth để xác minh người dùng. Hệ thống này chiếu hơn 30.000 điểm hồng ngoại vô hình lên khuôn mặt, tạo ra một bản đồ 3D chi tiết.Bản đồ khuôn mặt này sau đó được chuyển thành một dạng biểu diễn toán học gọi là Faceprint. Faceprint được mã hóa và lưu trữ an toàn trong Secure Enclave, một bộ xử lý riêng biệt trong thiết bị Apple, được thiết kế để bảo vệ dữ liệu nhạy cảm.Tại sao gọi nó là phương thức bảo mật xuất sắc nhất trên smartphone?
Vì đây là cách mở khóa điện thoại dễ dàng nhất từ trước đến nay, điều này mình nghĩ không cần phải tranh luận nhiều. Hiện nay, cảm biến vân tay trong màn hình khá phổ biến, nhưng theo mình, vẫn không tiện bằng Face ID. Trước đây, anh em Anfan hay chê Face ID không quét được khi đeo khẩu trang, đúng, nhưng bây giờ thì vô tư nhé, đeo khẩu trang vẫn quét được.Vân tay dưới màn hình yêu cầu anh em điều chỉnh một chút, cần xác định vị trí cảm biến rồi đặt tay vào. Trong khi đó, Face ID chỉ cần nhấc máy lên và vuốt là mở. Vuốt màn hình đã trở thành thao tác quen thuộc kể từ khi điện thoại cảm ứng ra đời, nên khi mình mua iPhone X lần đầu, mình chỉ mất vài phút để làm quen.
Dù vân tay có nhanh như Pixel 9 đi nữa, diện tích tiếp xúc vẫn quá nhỏ. Nếu Android làm cảm biến vân tay với diện tích lớn hơn, chẳng hạn như nửa màn hình dưới đều là cảm biến thì mới có thể sánh ngang với Face ID, nói thật đấy.
Hiện tại, Face ID hỗ trợ rất nhiều dịch vụ khác nhau như Apple Pay, chuyển khoản ngân hàng, ví điện tử, thanh toán ứng dụng, v.v. Đối với vân tay, mình thấy tuỳ hãng nhưng không phải dịch vụ nào cũng hỗ trợ một cách thống nhất.
Tương lai của Face ID
Theo nhà phân tích màn hình Ross Young, iPhone 17 Pro có thể sẽ là thiết bị đầu tiên của Apple tích hợp Face ID dưới màn hình. Trong bài viết của mình, Young cho biết công nghệ Face ID dưới màn hình vẫn sẽ đi kèm với một lỗ đục tròn trên màn hình để làm camera trước. Dự kiến, lỗ đục này sẽ được duy trì trên các dòng iPhone Pro đến năm 2027, sau đó camera trước cũng sẽ được đặt dưới màn hình cùng với Face ID.
Năm ngoái, Young từng dự đoán rằng Face ID dưới màn hình sẽ xuất hiện trên iPhone 16 Pro, nhưng ông giải thích rằng do một số vấn đề về cảm biến nên công nghệ này bị hoãn lại một năm. Nhìn chung, chúng ta có thể sẽ phải chờ ít nhất 2-3 năm nữa mới có một chiếc iPhone tích hợp Face ID dưới màn hình.
Đó là một vài chia sẻ của mình về Face ID. Cá nhân mình luôn tin rằng Face ID là phương thức bảo mật tuyệt vời nhất cho smartphone hiện nay. iPad đã sử dụng công nghệ này và có thể Mac sẽ là thiết bị tiếp theo. Anh em nghĩ sao về phương thức bảo mật này trên điện thoại?