Bạn có cảm thấy bứt rứt, bồn chồn khi không thể cập nhật MXH trong thời gian dài? Bạn có đang dành quá nhiều thời gian cho TikTok đến nỗi trì hoãn công việc của mình? Nếu câu trả lời là có, bạn có thể đang gặp phải hiệu ứng FOMO giống như nhiều bạn trẻ khác.
FOMO là gì? FOMO (Fear Of Missing Out) – là nỗi sợ bị bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm những niềm vui mà người khác đang có. Hiệu ứng FOMO khiến bạn lầm tưởng rằng bạn bè xung quanh đang có cuộc sống thú vị hơn mình. Từ đó nảy sinh cảm giác tò mò, sốt sắng muốn biết người khác đang làm gì hay có thay đổi gì mới.
FOMO là hội chứng tâm lý song hành với sự phát triển của MXH
Khi đang ở trong trạng thái FOMO, những quyết định mà bạn đưa ra thường do cảm tính chứ không đến từ nhu cầu cá nhân. Do đó về lâu dài, hội chứng này làm chúng ta lãng phí thời gian, tiền bạc và tinh thần của mình cũng như hạn chế sự phát triển bản thân.
Chuyên gia Marketing, tiến sĩ Dan Herman đã khám phá ra hiệu ứng FOMO vào năm 1996. Bốn năm sau đó, ông xuất bản tựa báo học thuật đầu tiên viết về chủ đề này trên tạp chí The Journal of Brand Management. Đến năm 2004, thuật ngữ “FOMO” chính thức ra đời và được phổ biến rộng rãi cho đến ngày nay.
FOMO xuất hiện trong đời sống của chúng ta với muôn hình vạn trạng. Chúng ta trải nghiệm nó theo cách khác nhau và trong những hoàn cảnh khác nhau.
Tuy nhiên, mọi trải nghiệm về FOMO đều có những điểm chung nhất định.
Theo học thuyết tự quyết (self-determination theory), con người có ba nhu cầu tâm lý cơ bản. Đó là nhu cầu gắn kết, nhu cầu năng lực và nhu cầu tự chủ.
Động lực nội sinh và động lực ngoại sinh của một người sẽ thúc đẩy họ hành động để thỏa mãn ba nhu cầu này. Từ đó tác động đến việc chúng ta đưa ra các quyết định để kiểm soát cuộc sống của mình.
Chúng ta sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình để thỏa mãn nhu cầu tâm lý
Dựa theo yếu tố trên, hiệu ứng FOMO có thể được xem như một cách mà chúng ta sử dụng để thỏa mãn nhu cầu tâm lý cơ bản của mình.
Một người gặp phải hội chứng FOMO có thể là do người đó đang cảm thấy bị thiếu sót về năng lực, sự tự chủ hoặc mất kết nối với những người khác.
Ví dụ như khi vừa được nhận vào làm ở một công ty mới, chưa thể làm quen được với môi trường làm việc mới, văn hóa công ty. Hay chưa thể làm quen và kết thân được với đồng nghiệp.
Bạn sẽ dễ cảm thấy bị xa lạ, thua kém năng lực so với những đồng nghiệp khác. Từ đó rơi vào hiệu ứng tâm lý FOMO, lúc nào cũng lo lắng, bồn chồn vì sợ bỏ lỡ cơ hội.
FOMO còn có thể xảy ra do nhiều yếu tố khác tác động. Chẳng hạn như:
- Giới: Nghiên cứu cho thấy nam giới có tỷ lệ trải nghiệm hiệu ứng FOMO cao hơn nữ giới. Điều này có thể hiểu là vì nam giới bị tác động bởi động lực ngoại sinh cao hơn.
- Tuổi tác: Những người từ 18 – 33 tuổi có xu hướng trải nghiệm hiệu ứng FOMO cao hơn những nhóm tuổi khác.
- Nỗi ám ảnh về sự thành công: Áp lực buộc phải thành công khiến cho các nhà đầu tư, doanh nhân đưa ra các quyết định thiếu kiểm soát. Nhiều người trẻ cũng thường bị FOMO khi sợ có sự nghiệp thua kém bạn bè.
- Nhu cầu được công nhận/chấp thuận từ người khác quá cao: Những người tự ti, bất an về bản thân không nhìn nhận được giá trị riêng của mình. Họ thường có xu hướng tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài để chứng minh là “tôi quan trọng”. Do đó, họ là đối tượng dễ bị FOMO nhất.
Những người bất an về bản thân là đối tượng dễ bị FOMO nhất
Theo khảo sát, 56% người dùng MXH trải nghiệm hiệu ứng FOMO, đặc biệt là trên Facebook. Facebook, Instagram, TikTok ra đời và giúp cho con người ta kết nối với nhau vượt qua mọi giới hạn về địa lý, chủng tộc, tuổi tác.
Tuy nhiên, thế hệ Gen Z có tỷ lệ gặp FOMO nhiều hơn so với Millennials, nguyên nhân là do đâu?
Bất cứ ai trong chúng ta cũng có nhu cầu được khẳng định bản thân với cộng đồng. Chúng ta muốn cho người khác thấy những điều tích cực và đáng tự hào ở mình.