Giá vàng tăng mạnh do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất ngày càng gia tăng sau phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào giữa tuần này.
Theo đó, người đứng đầu ngân hàng trung ương có quyền lực nhất thế giới này đã thừa nhận lạm phát đang giảm về mức mục tiêu. Fed sẽ cần thêm dữ liệu trước khi đưa ra quyết định về việc có nên nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay hay không. Kỳ vọng xoay quanh chính sách đã tăng lên khi dữ liệu về việc làm trong lĩnh vực tư nhân cùng với dữ liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới nhất cho thấy thị trường lao động Mỹ đang có dấu hiệu suy yếu.
Theo đó, số lượng người thất nghiệp tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong 2,5 năm trong tuần cuối của tháng 6.
Giá vàng đang có xu hướng tăng mạnh. (Ảnh minh họa: Công Hiếu).
Một báo cáo khác được công bố cùng ngày cho thấy, hoạt động của ngành dịch vụ Mỹ trong tháng 6 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm, với đơn đặt hàng giảm mạnh. Các chuyên gia cho rằng, đây là tín hiệu cho thấy sự suy giảm của nền kinh tế vào cuối quý II.
Diễn biến giá vàng hôm nay
+ Giá vàng trên thị trường nội địa
Vào lúc 6h ngày 4/7, giá vàng tại Doji được niêm yết ở mức 74,98 - 76,98 triệu đồng mỗi lượng (mua - bán), không thay đổi so với đầu giờ sáng hôm qua.
Tại thời điểm đó, giá vàng tại SJC được niêm yết ở mức 74,98 - 76,98 triệu đồng mỗi lượng (mua - bán), không có sự thay đổi.
+ Giá vàng trên thị trường quốc tế
Giá vàng thế giới hiện đang được niêm yết trên Kitco ở mức 2.357 USD mỗi ounce, tăng 27 USD mỗi ounce so với đầu giờ sáng hôm qua. Giá vàng tương lai đã giao dịch cuối cùng ở mức 2.360 USD mỗi ounce.
Dự báo về giá vàng
Nhiều dự báo cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục mua vàng vì tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối của họ vẫn còn rất thấp, chỉ 4,9%. Đồng thời, Bắc Kinh muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Nhiều quốc gia khác cũng đang giảm dần dự trữ ngoại hối đồng USD.
Nếu Fed giảm lãi suất từ tháng 9, đồng USD có thể giảm nhanh chóng. Điều này sẽ dẫn đến sự tăng mạnh của giá vàng.
Tuy vậy, đồng USD vẫn giữ vững vị thế cao trong bối cảnh một số ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu giảm lãi suất sớm hơn so với Fed. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là một ví dụ điển hình, đã cắt giảm lãi suất lần đầu vào ngày 6/6. Trước đó, một số ngân hàng trung ương lớn khác như Canada, Thụy Điển, Thụy Sĩ… cũng đã cắt giảm lãi suất.
Ngọc Vy