Đọc văn bản dưới đây và trả lời các câu hỏi:
Ở Chợ Lớn với nhiều kinh rạch nối với miền Tây, người Việt đã tổ chức đua thuyền và hát bội trong dịp lễ cầu mưa vào năm 1864. Hát bội như vậy rất được ưa chuộng trong dân chúng và thường các buổi lễ đều có trình diễn các tuồng cho dân xem.
Tờ Le Monde Illustré ngày 17/02/1877 có bài viết về một buổi đi xem hát bội ở Chợ Lớn và cho biết Chợ Lớn đã có rạp hát bội này từ lâu:
“... Từ lâu lắm rồi, Chợ Lớn đã có một rạp hát bội. Rạp này vừa mới được tu sửa lại. Vào mỗi buổi tối, một đám rất đông người tụ tập ở đó. Người Hoa và người An Nam là những khán giả “ruột” của rạp. Và ngay cả người u không khinh chê hát bội đôi khi họ cũng đến xem hát trong vài tiếng đồng hồ.
Cảnh mà người ta xem trình diễn thật là lí thú.
Sự lộng lẫy và đa dạng của trang phục, cái độc đáo của các nón đội, hình dáng kì dị đặc trưng của các mặt nạ trang trí với râu dài quá mức, vải lụa óng ánh rực rỡ với nhiều đường thêu; tuồng hát với các diễn viên được trời ban cho một tài năng bắt chước rất lỗi lạc; âm nhạc, hay nói đúng hơn là tiếng ồn hoang dã của dàn nhạc trên sân khấu; những tiếng cọt kẹt của đàn ba dây; những tiếng la xé tai của kèn ô-boat) (hautbois); những tiếng sấm sét của cồng chiêng đánh theo giọng nói rất cao và chói tai của các nghệ sĩ; tóm lại, tất cả cái tập hợp quái lạ này, cho ta thấy một cảnh tượng ngoạn mục, thu hút và đôi khi khiến chúng ta ngạc nhiên, thảng thốt.
Điều không may mắn là, để có cái thú vui này thì phải trả giá khá đắt, bởi vì ánh sáng từ dầu dừa, tuy đem lại sự huy hoàng của sân khấu, nhưng mùi dầu dừa bị đốt cháy choán đầy không khí lại làm thít cổ họng của những người u mảnh dẻ, trong những giờ diễn đầu tiên...
(Nguyễn Đức Hiệp, Nghệ thuật sân khấu: hát bội, đờn ca tài tử và cải lương ở Sài Gòn và Nam Kỳ cuối thế kỉ XIX đến 1945, NXB Văn hoá – Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2017, tr. 21 – 22)
Câu 1
Câu 1 (trang 18, sách Bài Tập Ngữ Văn 11, tập một):
Xác định các ý chính, ý phụ trong văn bản.
Phương pháp giải:
Đọc kỹ văn bản để xác định ý chính và ý phụ.
Lời giải chi tiết:
* Văn bản chứa các ý chính, ý phụ sau:
- Giới thiệu về nghệ thuật hát bội.
- Mô tả cảnh trình diễn hát bội:
+ Khán giả trên sân khấu hát bội.
+ Cảnh trình diễn trên sân khấu.
+ Phản ứng của khán giả.
Câu 2
Câu 2 (trang 18, sách Bài Tập Ngữ Văn 11, tập một):
Chỉ ra và nêu tác dụng của yếu tố mô tả trong văn bản.
Phương pháp giải:
Đọc kỹ văn bản để chỉ ra và nêu tác dụng của yếu tố mô tả.
Lời giải chi tiết:
Yếu tố mô tả thể hiện qua việc bài báo mà văn bản trích dẫn sử dụng rất nhiều tính từ, từ tượng thanh, tượng hình (lộng lẫy, đa dạng, kì dị, óng ánh, rực rỡ, cọt kẹt, tiếng la xé tai, ngoạn mục,...) nhằm tái hiện cảnh trình diễn trên sân khấu hát bội. Yếu tố mô tả trong văn bản cung cấp thông tin chi tiết, làm rõ đối tượng và tăng sự hấp dẫn của văn bản.
Câu 3
Câu 3 (trang 18, sách Bài Tập Ngữ Văn 11, tập một):
Sinh hoạt nghệ thuật được miêu tả trong văn bản qua con mắt của đối tượng nào? Vì sao bạn kết luận như vậy?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ văn bản để xác định đối tượng và đưa ra lý do.
Lời giải chi tiết:
Hình dáng đặc biệt, tiếng ồn hoang dã, tiếng la kêu tai, sự kết hợp kỳ lạ này,... Những yếu tố này cho thấy sinh hoạt hát bội được nhìn nhận từ góc nhìn của một người nước ngoài hoàn toàn xa lạ với văn hóa truyền thống của người Nam Bộ. Từ góc nhìn bên ngoài đó, sân khấu hát bội được mô tả vừa hấp dẫn, lôi cuốn bởi sự khác biệt, độc đáo của nó, vừa gây cảm giác xa lạ, kì dị không thoải mái ở người quan sát.
Câu 4
Câu 4 (trang 18, sách Bài Tập Ngữ Văn 11, tập một):
Qua văn bản, bạn hiểu thêm điều gì về đời sống văn hóa của người Nam Bộ vào cuối thế kỉ XIX?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ văn bản để đưa ra thông tin em hiểu được về đời sống văn hóa của người Nam Bộ vào cuối thế kỉ XIX.
Lời giải chi tiết:
- Em hiểu được: đời sống văn hoá rất phong phú, đa dạng và đặc sắc của người Nam Bộ vào cuối thế kỉ XIX. Trong đó, hát bội không chỉ là một biểu diễn nghệ thuật trên sân khấu mà còn là một phần của nghi lễ và sinh hoạt cộng đồng. Thông qua việc trích dẫn trực tiếp một đoạn trích từ bài báo của Pháp, tác giả cũng minh họa cho thấy hát bội ra đời và phát triển trong bối cảnh thuộc địa, nơi mà nền văn hóa bản địa bắt đầu được đánh giá từ cái nhìn bên ngoài.