Câu 1
Câu 1 (trang 16, SBT Ngữ văn 8 Cánh diều, tập 2):
Xác định thể loại và các câu mang vần của bài Cảnh khuya. Nêu chủ đề của tác phẩm.
Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức đã học về thơ Đường luật để xác định thể loại
Lời giải chi tiết:
Thể loại: Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật
Chủ đề tác phẩm: Bài thơ miêu tả cảnh trăng sáng ở chiến khu Việt Bắc trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm, lòng yêu nước sâu nặng và phong thái ung dung, lạc quan của Bác Hồ.
Câu 2
Câu 2 (trang 16, SBT Ngữ văn 8 Cánh diều, tập 2):
Qua hai câu thơ đầu, cảnh khuya của núi rừng Việt Bắc hiện lên như thế nào? Cảnh khuya ấy thể hiện được điều gì trong tâm hồn nhà thơ?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ 2 câu thơ đầu
Lời giải chi tiết:
Qua hai câu thơ đầu, núi rừng Việt Bắc hiện lên rất đẹp vừa có suối, có trăng, có hoa chốn non xanh nước biếc hữu tình.
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
→ Cảnh vật sống động, tầng lớp lung linh, quấn quýt, có đường nét, hình khối đa dạng với 2 mảng màu sáng, tối.
→Vẻ đẹp lung linh huyền ảo, vừa cổ kính vừa trang nghiêm. Thể hiện tình yêu thiên nhiên của tác giả.
Câu 3
Câu 3 (trang 16, SBT Ngữ văn 8 Cánh diều, tập 2):
Phân tích hai câu thơ cuối bài. Qua đó, em hiểu thêm được gì về con người tác giả?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ 2 câu thơ cuối
Lời giải chi tiết:
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà
- Hai câu thơ cuối của bài thơ là cái tình say đắm của tác giả trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Có thể nói một trong những lí do khiến “người chưa ngủ” ấy chính là vì cảnh thiên nhiên quá đẹp. Hai nét tâm trạng ấy thống nhất hòa hợp trong con người của Bác.
- Tác giả đã thể hiện sự rung động, niềm say mê trước vẻ đẹp của đêm trăng giữa núi rừng Việt Bắc. Người thao thức chưa ngủ đâu chỉ vì cảnh đẹp đêm trăng mà cơ bản là do người nghĩ cho vận mệnh của dân tộc. Hoặc cũng có thể hiểu: chính vì thao thức tới canh khuya để lo nghĩ việc nước mà Người đã thưởng thức được những cảnh đẹp tuyệt diệu của núi rừng.
- Điệp ngữ “chưa ngủ” đặt lặp lại ở cuối câu thứ ba và đầu câu thứ tư là một bản lề mở ra hai phía của tâm trạng trong một con người Hồ Chí Minh. Tóm lại hai câu cuối của bài thơ Cảnh khuya đã bộc lộ vẻ đẹp và chiều sâu tâm hồn của tác giả vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại của dân tộc.
→ Tình yêu thiên nhiên hòa vào tình yêu đất nước
Câu 4
Câu 4 (trang 16, SBT Ngữ văn 8 Cánh diều, tập 2):
Điểm nổi bật về nội dung và nghệ thuật của bài thơ Cảnh khuya (Hồ Chí Minh) là:
A. Sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật có giá trị biểu cảm cao
B. Cảnh vật được miêu tả có màu sắc vừa cổ điển vừa hiện đại
C. Tâm hồn thi sĩ kết hợp với phẩm chất người chiến sĩ trước vận mệnh đất nước
D. Cả ba yếu tố trên
Phương pháp giải:
Đọc bài thơ và rút ra những điểm nổi bật về nghệ thuật
Lời giải chi tiết:
Đáp án D
Câu 5
Câu 5 (trang 17, SBT Ngữ văn 8 Cánh diều, tập 2):
Thông qua nội dung của bài thơ, hãy diễn đạt cảm nhận của bạn về tâm hồn tươi sáng của nhà thơ Hồ Chí Minh
Phương pháp giải:
Trả lời theo hiểu biết của bạn
Lời giải chi tiết:
Thông qua bài thơ Cảnh khuya, chúng ta cảm nhận được tâm hồn tươi sáng của nhà thơ Hồ Chí Minh:
- Bác là một người yêu thiên nhiên, sống gần gũi với tự nhiên, luôn nhìn ra vẻ đẹp của cảnh vật.
- Là một người đặt lợi ích dân tộc lên trên hết; một lòng, một dạ với công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc; luôn khao khát mang lại cho nhân dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc; quên đi lợi ích, niềm vui cá nhân của mình để dâng hiến cả cuộc đời cho đất nước, dân tộc.
- Bác là một lãnh tụ có tâm hồn thi sĩ, gần gũi và trong sáng. Bác sáng tác thơ không nhằm mục đích nghệ thuật như các nhà thơ khác nhưng thơ Bác đóng góp vào việc phát triển văn học dân tộc, kết nối truyền thống và hiện đại, vừa mang phong thái trầm tư của một nhà hiền triết phương Đông vừa rất trẻ trung, hiện đại.
Câu 6
Câu 6 (trang 17, SBT Ngữ văn 8 Cánh diều, tập 2):
Hãy tìm một bài thơ khác của Hồ Chí Minh có chủ đề trăng. So sánh cách thể hiện chủ đề trăng trong bài Cảnh khuya và bài thơ mà bạn tìm được.
Phương pháp giải:
Tìm các bài thơ khác về trăng của Hồ Chí Minh qua sách vở, Internet
Lời giải chi tiết:
Bài thơ “Trăng”
Phiên âm:
Nhưng trung vô túy tửu dĩ vô hoa,
Đối thử lương tao nại nhược hà?
Nguyệt tâm tường tiền khán minh nguyệt,
Minh nguyệt tâm tường khích khán thi gia.
Dịch nghĩa:
Trong tù không rượu cũng không hoa,
Trước cảnh đẹp đêm nay biết làm thế nào?
Trăng hướng ra trước mặt ngắm trăng sáng,
Trăng tương tường mặt tường khắc người thơ.
Dịch thơ:
Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Trước mặt, trăng sáng soi ngẩn ngơ
Trăng vẽ trên tường hình người thơ.
So sánh:
- Giống:
+ Cả hai sử dụng thể thất ngôn tứ tuyệt.
+ Cả hai miêu tả vẻ đẹp của trăng.
- Khác:
+ Bài thơ “Cảnh khuya” được viết trong chiến khu Việt Bắc trong những năm đầu của cuộc kháng chiến. Bài Cảnh khuya viết bằng tiếng Việt, miêu tả cảnh trăng rừng lồng vào vòm cây hoa lá nhiều tầng, nhiều đường nét. Nhà thơ một mình ngắm trăng và cảm nhận vẻ đẹp của trăng trong đêm khuya.
+ Bài thơ “Trăng” được viết khi Bác bị giam ở Trung Quốc (1940-1941). Bài thơ “Trăng” được viết bằng tiếng Hán, thân thể nhà thơ dù bị giam trong thù nhưng tâm hồn vẫn giao thoa với thiên nhiên.
Câu 7
Câu 7 (trang 17, SBT Ngữ văn 8 Cánh diều, tập 2):
Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
LAI TÂN
Phiên âm:
Giam phòng ban trưởng thiên thiên đổ,
Cảnh trưởng tham thôn giải phạm tiền.
Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự,
Lai Tân y cựu thái bình thiên.
Dịch nghĩa:
Ban trưởng nhà giam ngày ngày đánh bạc,
Cảnh trưởng tham lam ăn tiền phạm nhân bị áp giải.
Huyện trưởng chong đèn làm việc công,
Lai Tân vẫn thái bình như xưa.
Dịch thơ:
Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc,
Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh.
Chong đèn, huyện trưởng làm công việc,
Trời đất Lai Tân vẫn thái bình.
(Hồ Chí Minh, in trong Suy nghĩ mới về “Nhật kí trong tù”, Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên), Nam Trân dịch, NXB Giáo dục, 1995)
a) Trình bày hoàn cảnh ra đời bài thơ Lai Tân của Hồ Chí Minh và cho biết bài thơ viết về vấn đề gì.
b) Bài Lai Tân thuộc thể thơ nào? Nêu những dấu hiệu giúp em nhận biết được điều đó.
c) Phân tích hai câu đầu để thấy việc làm của các quan chức được tác giả diễn tả
trong bài thơ.
d) Từ hai câu đầu, hãy cho biết ở câu 3, huyện trưởng đang chong đèn để làm công việc gì?
e) Giọng điệu trào phúng trong câu 3 và đặc biệt ở câu 4 có gì khác biệt so với hai câu đầu? Nhà thơ đã sử dụng biện pháp nghệ thuật gì để tạo nên tiếng cười ở hai câu thơ cuối?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản và thực hiện các yêu cầu.
Lời giải chi tiết:
a) Lai Tân là tên bài thơ thứ 96 trong tập thơ Nhật kí trong tù (Ngục trung nhật kí) của Hồ Chí Minh, được sáng tác từ ngày 29-8-1942 đến ngày 10-9-1943, thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), trong đó có nhà tù Lai Tân,
Bằng nghệ thuật châm biếm sâu sắc, nhà thơ đã vạch trần bản chất xấu xa của những kẻ đứng đầu xã hội ở Lai Tân, qua đó phê phán sự mục nát của chế độ nhà tù và xã hội Trung Quốc thời kì Tưởng Giới Thạch.
b) Đây là bài thơ Đường luật chữ Hán thất ngôn tứ tuyệt. Các dấu hiệu nhận biết:
- Bài thơ có bốn câu, mỗi câu bảy chữ.
- Âm tiết thứ hai của câu 1 và 4 (phòng - Tân), của câu 2 và 3 (trưởng - trưởng) niệm với nhau.
- Bài thơ có luật bằng (phòng), vần gieo ở cuối câu 2 và 4 (tiền - thiên), nhịp của các câu thơ ở phần phiên âm chữ Hán là 4/3.
c) Đối tượng là các quan chức chính quyền của huyện Lai Tân: ban trưởng nhà lao và cảnh trưởng.
- Ban trưởng: đánh bạc ngày ngày và tiền để đánh bạc tất nhiên là từ việc bóc lột, cướp bóc của phạm nhân mà ra.
- Cảnh trưởng kiếm ăn từ việc giải phạm nhân từ nhà tù này đến nhà tù khác và ăn của đút lót hoặc bóc lột sức lao động của họ. Bác Hồ trong thời gian bị giam cầm tại đây đã bị áp giải qua 18 nhà lao thuộc 13 huyện của tỉnh Quảng Tây. Bác đã bị giam cầm, trải bao khổ cực, bị lao động khổ sai, chứng kiến bao sự thối nát của chế độ Tưởng Giới Thạch đương thời.
d) Ở hai câu đầu của bài thơ, tác giả kể lại các hành động bất thường đáng cười của ban trưởng nhà lao và cảnh trưởng Lai Tân; đến câu 3, giọng điệu của bài thơ bỗng chững lại. Dường như nhà thơ đang ca ngợi viên huyện trưởng – người đứng đầu chính quyền nhà nước ở huyện Lai Tân. Huyện trưởng chong đèn làm việc cả ban đêm một cách hết sức tận tuỵ. Ông ta đang làm gì vậy? Câu trả lời dường như đã có sẵn ở hai câu thơ trên. Một xã hội bát nháo, nhố nhăng, ăn cướp của cả những người tù khốn khổ như ở Lai Tân khi ấy, thì viên huyện trưởng - kẻ điều hành và phải chịu trách nhiệm chính về mọi việc đang xảy ra, chắc chắn không thể là người chân chính. Y chong đèn suốt đêm có lẽ cũng là để làm những việc bất lương trên những đồng tiền nhơ bẩn từ cấp dưới dâng lên. Tác giả không nói rõ nhưng người đọc có thể suy luận ra “công việc” của viên huyện trưởng là gì.
e) Ngược lại với giọng điệu tố cáo ở hai câu đầu, trong câu 3 và đặc biệt ở câu 4, dường như tác giả lại chuyển sang “ca ngợi”: ca ngợi sự tận tụy của huyện trưởng và nền “thái bình” của cái xã hội thực ra là bát nháo, phi nhân ở Lai Tân.
Ở đây, tác giả đã dùng biện pháp nghệ thuật đối lập, tự để cho độc giả tìm ra sự thật, tự đi đến kết luận. Tiếng cười hài hước, châm biếm của bài thơ bật ra từ sự đối lập, ngược đời đó. Do vậy, hai câu cuối của bài thơ không hề mâu thuẫn với nội dung, của hai câu trên, mà cả bài thơ tạo thành một thể thống nhất: hai câu đầu làm rõ hai câu sau; hai câu sau, đặc biệt là câu kết, đã làm rõ thêm những hành động công khai, trắng trợn ở hai câu trước.