Câu 1
Chỉ ra và nêu cách sửa lỗi không tách đoạn và lỗi tách đoạn tùy tiện trong các trường hợp dưới đây:
a. Bài thơ mở đầu bằng một câu thơ ngắn với bốn tiếng:
Bầu trời cảnh Bụt
Toàn bài đều viết bằng những câu dài với 7 hoặc 8 tiếng, duy chỉ có câu đầu này là ngắn đặc biệt nhưng cái hình thức kia đâu phải ngẫu nhiên.
Câu thơ vẽ không gian, một không gian kì ảo và thơ mộng. Câu thơ như tiếng reo khe khec: Đây là cảnh Bụt. Nó không phải Tây Trúc nhưng cảnh sắc dưới bầu trời nơi đây đều thuộc về cõi Bụt.
b. Tất cả hình ảnh, âm thanh và màu sắc trong đoạn thơ này đều nhằm nói lên sự khác biệt của màu thu nay.
Hình ảnh tươi mát, sống động: gió thổi rừng tre phấp phới; âm thanh rộn rã: nói cười thiết tha; còn màu sắc thì trong biếc. Cái buồn, cái lạnh của “những ngày thu đã xa” giờ không còn nữa. Chính niềm vui trong đôi mắt thi sĩ đã làm nên vẻ đẹp sáng trong của mùa thu nay. Nguyên nhân của niềm vui ấy thật to lớn, sâu xa. Đó là nước nhà đã được độc lập, nhân dân ta đã là chủ nhân của đất nước. Nhà thơ muốn reo lên cùng niềm hạnh phúc tột cùng:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
c. Chí Phèo là người nông dân lương thiện bị đẩy vào con đường lưu manh hóa. Chí vốn là người nông dân hiền lành như đất, biết tự trọng, biết khinh cái đáng khinh, có một ước mơ về mái ấm gia đình thật bình dị.
Thế nhưng, xã hội cũ đã khiến cho Chí không được sống đúng như bản chất, như điều mình mong muốn. Bị Bá Kiến lợi dụng, Chí Phèo đã trở thành công cụ lợi hại của giai cấp thống trị. Chí Phèo sống bằng nghề rạch mặt ăn vạ, cướp giật, bán rẻ cả nhân hình lẫn nhân tính.
Câu 2
Chỉ ra lỗi về mạch lạc trong trường hợp dưới đây và nêu cách sửa:
Chỉ qua mấy đoạn thơ tiêu biểu trong Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Tây Tiến (Quang Dũng), Đất nước (Nguyễn Đình Thi), Mặt đường khát vọng (Nguyễn Khoa Điềm), ta có thể thấy đất nước hiện lên với nhiều vẻ đẹp sinh động. Trước hết. đó là vẻ đẹp của thiên nhiên. Đó là cảnh vật vùng xuôi với “những cánh đồng thơm mát”, “những ngả đường bát ngát”, “những dòng sông đỏ nặng phù sa”, đó là những mùi hương “lúa nếp thơm nồng”, “gió thổi mùa thu hương cốm mới” – hương thơm của mùa thu – mùa đẹp nhất trong năm. Đó còn là phong cảnh đặc trưng của miền ngược từ “rừng tre phấp phới” đến những con thuyền “độc mộc” trên cái nền hoang dã, dữ dội của “thác lũ” tương phản với vẻ đẹp mềm mại, uyển chuyển của “hoa đong đưa”. Còn những con người trên đất nước này thì sao?
Thơ ca còn làm chứng nhân ghi nhận cả những trang quá khứ đau thương và anh hùng ca của lịch sử dân tộc. Đây là thảm trạng do quân cướp nước gây ra:
Ruộng ta khô, nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
(Bên kia sông Đuống)
Và nỗi đau chia cắt hạnh phúc do chiến tranh vô cùng đau đớn:
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất nước những núi vọng phu
(Mặt đường khát vọng)
Còn đây là dấu tích chiến công cứu nước anh hùng:
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
(Mặt đường khát vọng)
Hay lời nhắn gửi âm thầm nhưng sâu thấm của truyền thống quật cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
Phương pháp giải:
Ôn tập lại kiến thức về mạch lạc và thực hiện bài tập.
Lời giải chi tiết:
Văn bản mắc lỗi lạc chủ đề vì hai đoạn văn không tập trung vào cùng một chủ đề: đoạn (1) trình bày vẻ đẹp của thiên nhiên thông qua một số đoạn thơ và viết câu chuyển đoạn đặt ra vấn đề tìm hiểu về con người của đất nước thế nhưng đoạn (2) lại triển khai ý về quá khứ đau thương và anh hùng của lịch sử dân tộc.
Cách sửa: Viết lại nội dung đoạn (2) cho phù hợp với ý đã giới thiệu trong câu chuyển đoạn ở cuối đoạn (1).
Gợi ý viết lại đoạn (2):
Bên cạnh vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước còn thấm đẫm vẻ đẹp của những con người tuy vất vả, khổ đau nhưng tình cảm đậm đà, yêu thương gắn bó:
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
(Mặt đường khát vọng)
Và nồng nàn biết bao tình quân dân gắn bó:
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
(Tây tiến)
Câu thơ dường như không chỉ thoảng mùi xôi nếp mà còn ngát hương thơm của tình đồng chí, nghĩa đồng bào.