Đọc lại đoạn văn Bình Ngô Đại Cáo trong sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập hai, trang 13-15, từ đoạn “Ta đây. Núi Lam Sơn dẫy nghĩa,” đến “Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều.” và trả lời các câu hỏi sau:
Câu 1
Tìm một số từ ngữ và hình ảnh thể hiện nỗi trăn trở và ý thức sâu sắc của bậc chủ tướng về sự cấp bách của trọng trách phục hồi giang sơn.
Phương pháp giải:
- Đọc lại đoạn văn Bình Ngô Đại Cáo.
- Chọn những từ ngữ và hình ảnh nổi bật.
Lời giải chi tiết:
Một số từ ngữ và hình ảnh thể hiện nỗi trăn trở và ý thức sâu sắc của bậc chủ tướng về sự cấp bách của trọng trách phục hồi giang sơn: “quên ăn” (nguyên bản: vong thực), “trần trọc trong cơn mộng mị” (nguyên bản: ngụ mị bất vong), “đăm đăm muốn tiến về đông” (mỗi uất uất nhi dục đông), “chăm chăm còn dành phía tả” (nguyên bản: cấp cấp dĩ hư tả), “vội vã hơn cứu người chết đuối” (nguyên bản: thậm ư chửng nịch),…
Câu 2
Chỉ ra các hình ảnh và từ ngữ thể hiện sự phẫn uất và căm giận của chủ tướng trước tội ác của quân giặc.
Phương pháp giải:
- Đọc lại đoạn văn Bình Ngô Đại Cáo.
- Chọn những từ ngữ và hình ảnh nổi bật.
Lời giải chi tiết:
Các hình ảnh và từ ngữ thể hiện sự phẫn uất và căm giận của chủ tướng trước tội ác của quân giặc: “há đội trời chung” (nguyên bản: khởi khả cộng đới), “thề không cùng sống” (nguyên bản: nan dữ câu sinh), “đau lòng nhức óc” (nguyên bản: thống tâm tật thủ), “nếm mật nằm gai” (nguyên bản: thường đảm ngoạ tân).
Câu 3
Những từ ngữ, hình ảnh nào thể hiện sự khó khăn, thiếu thốn của nghĩa quân Lam Sơn.
Phương pháp giải:
- Đọc lại văn bản Bình Ngô đại cáo.
- Chọn lọc từ ngữ, hình ảnh tiêu biểu thể hiện sự khó khăn, thiếu thốn của nghĩa quân.
Lời giải chi tiết:
Những khó khăn, thiếu thốn của nghĩa quân Lam Sơn được tác giả tái hiện xác thực, vừa khái quát vừa cụ thể từ góc nhìn của người tổ chức lực lượng kháng chiến.
Ví dụ một số từ ngữ, hình ảnh như: “tuấn kiệt như sao buổi sớm” (nguyên văn: tuấn kiệt thần tinh), “nhân tài như lá mùa thu” (nguyên văn: nhân tài thu diệp), “thiếu kẻ đỡ đần” (nguyên văn: phạp kì nhân), “hiếm người bàn bạc” (nguyên văn: quả kì trợ), “lương hết mấy tuần” (nguyên văn: thực tận kiêm tuần), “quân không một đội” (nguyên văn: chúng vô nhất lữ),…
Câu 4
Câu văn nào thể hiện rõ nhất tinh thần đoàn kết dân tộc, đồng cam cộng khổ của chủ tướng và nghĩa binh?
Phương pháp giải:
- Đọc lại văn bản Bình Ngô đại cáo.
- Tìm câu văn thể hiện tính đoàn kết dân tộc.
Lời giải chi tiết:
Câu văn thể hiện rõ nhất tinh thần đoàn kết dân tộc, đồng cam cộng khổ của chủ tướng và nghĩa binh: “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử, hoà nước sông chén rượu ngọt ngào”. Câu văn trong bản dịch thêm các từ “phấp phới”, “ngọt ngào” nhưng không xa ý của nguyên văn: “Yết can vi kì, manh lệ chi đồ tứ tập/ Đầu giao hưởng sĩ, phụ tử chi binh nhất tâm”.
Câu 5
Hình ảnh bậc chủ tướng Lê Lợi được khắc hoạ ở những khía cạnh cụ thể nào? Bạn tâm đắc nhất với khía cạnh nào, vì sao?
Phương pháp giải:
- Đọc lại văn bản Bình Ngô đại cáo.
- Vận dụng kiến thức của bản thân để trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Hình ảnh bậc chủ tướng Lê Lợi được khắc hoạ ở nhiều khía cạnh cụ thể nhưng chủ yếu là các khía cạnh tinh thần: xuất thân từ dân chúng “chốn hoang dã nương mình”; có ý thức về nỗi nhục nô lệ, luôn nuôi khát vọng tự chủ tự cường (“ngẫm thù lớn”…. “căm giặc nước”); thường xuyên trăn trở, suy tư về vận nước, quyết tâm nghiền ngẫm kế sách cứu nước ( “suy xét”, “đắn đo” [về thời vận thế cuộc], …); tận tâm cứu nước, mong tìm người cùng chí hướng với tinh thần khẩn trương (“muốn tiến về đông”, “dành phía tả”; có lòng căm giận ngút trời và nỗi lo lắng muôn bề (“phần thì giận”, “phần thì lo”); nuôi dưỡng tinh thần sắt đá, quyết vượt qua gian khó ( “dốc lòng”, “gắng chí”); có niềm tin vào nội lực chính mình (sức mạnh chính nghĩa, sự đoàn kết đồng lòng, nghệ thuật quân sự “xuất kì” “mai phục” – “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”).