Câu 1
Câu 1 (trang 32 VBT Ngữ văn 9, tập 1)
Tìm đại ý và bố cục của đoạn trích
Phương pháp giải:
Em đọc lại văn bản, tìm ý lớn bao trùm, các sự kiện được phản ánh trong đoạn trích để tách đoạn và nêu nội dung chính của mỗi đoạn.
Lời giải chi tiết:
- Đại ý: Đoạn trích đã tái hiện chân thực hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vui tôi Lê Chiêu Thống.
- Bố cục (3 phần):
+ Phần 1 (từ đầu đến...hôm ấy là ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân): Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế và thân chinh cầm quân dẹp giặc.
+ Phần 2 (tiếp theo đến...kéo vào thành): Cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung.
+ Phần 3 (còn lại): Sự đại bại của quân tướng nhà Thanh và tình trạng thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống).
Câu 2
Câu 2 (trang 32 VBT Ngữ văn 9, tập 1)
Qua đoạn trích tác phẩm, em cảm nhận hình ảnh người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ như thế nào? Theo em, nguồn cảm hứng nào đã chi phối ngòi bút tác giả khi tạo dựng hình ảnh người anh hùng dân tộc này?
Phương pháp giải:
Chú ý các phẩm chất: quyết đoán, tôn trọng người tài, trí tuệ sáng suốt, tài dùng binh thần tốc của vua Quang Trung. Nguồn cảm hứng về ý thức dân tộc, tôn trọng sự thật lịch sử, ca ngợi người anh hùng dân tộc chân chính.
Lời giải chi tiết:
- Hình ảnh người anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ:
+ Con người hành động mạnh mẽ, quyết đoán.
+ Trí tuệ sáng suốt, nhạy bén
+ Ý chí quyết thắng và tầm nhìn xa trông rộng.
+ Tài dụng binh như thần
- Tác giả Ngô gia văn phái đã đứng trên tinh thần dân tộc mà phản ánh, ngợi ca hình tượng người anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ.
Câu 3
Câu 3 (trang 33 VBT Ngữ văn 9, tập 1)
Sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống phản nước, hại dân, được miêu tả như thế nào? Em có nhận xét gì về lối văn trần thuật ở đây?
Phương pháp giải:
Đọc lại đoạn trích, tìm chi tiết về sự chủ quan, thảm bại của quân tướng nhà Thanh (quân rụng rời sợ hãi, chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết, hết hồn hết vía; tướng kẻ thì thắt cổ, kẻ thì sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp,...). Vua tôi nhà Lê thì vội vã, gấp rút, cướp thuyền của dân, luôn mấy ngày không ăn, cuống quýt, than thở, oán giận.
Lời giải chi tiết:
- Sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh: Khi quân Tây Sơn đánh đến nơi, tướng thì “sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp… Cả đội binh hùng tướng mạnh, chỉ quen diễu võ dương oai giờ đây mạnh ai nấy chạy,“đêm ngày đi gấp, không dám nghỉ ngơi”.
- Số phận của bọn vua tôi phản nước, hại dân: Lê Chiêu Thống vội vã cùng mấy bề tôi thân tín chạy bán sống bán chết, cướp cả thuyền dân để qua sông.
- Lối văn trần thuật ở hai đoạn:
+ Tả thực, với những chi tiết cụ thể.
+ Chi tiết được chọn lọc tinh tế, gợi cảm.
+ Cảm xúc của tác giả được bộc lộ thông qua những hình ảnh nghệ thuật.
Câu 4
Câu 4 (trang 34 VBT Ngữ văn 9, tập 1)
Ngòi bút của tác giả khi miêu tả hai cuộc tháo chạy có gì khác biệt. Hãy giải thích sự khác biệt đó.
Phương pháp giải:
So sánh hai đoạn văn miêu tả hai cuộc tháo chạy. Tất cả đều là tả thực nhưng âm hưởng, nhịp điệu lại rất khác nhau.
Lời giải chi tiết:
- Đoạn miêu tả sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh âm hưởng nhanh, gợi sự tán loạn, tan tác.
- Đoạn miêu tả tình trạng thảm bại của vua tôi Lê Chiêu Thống ẩm hưởng chậm toát lên sự ngậm ngùi.
- Sở dĩ có sự khác biệt đó là vì: mặc dù tôn trọng tính khách quan trong phản ánh, song không thể chối bỏ được thái độ chủ quan khi quan sát, nhìn nhận: bởi vương triều nhà Lê cũng là vương triều mà tác giả đã từng phục vụ.
Luyện tập
Dựa vào tác phẩm, hãy viết đoạn văn ngắn miêu tả lại chiến công thần tốc đại phá quân Thanh của vua Quang Trung từ tối 30 đến ngày mồng 5 tháng Giêng năm Kỉ Dậu (1789)
Phương pháp giải:
Có thể miêu tả cuộc hành quân trong đêm, trận đánh ở sông Gián, đánh Hà Hồi, nhất là Ngọc Hồi; sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh.
Lời giải chi tiết:
Dưới sự chỉ đạo của vua Quang Trung chỉ trong vòng mười ngày quân ta đã tạo nên chiến thắng thần tốc, dẹp tan quân Thanh, khiến vua tôi Lê Chiêu Thống phải bỏ trốn trong tình cảnh thảm hại. Trước tiên, quân của vua Quang Trung tấn công nghĩa binh trấn thủ ở sông Gián, bắt sống không để sót một tên, ngăn chúng báo tin cho những đạo quân Thanh ở Hà Hồi và Ngọc Hồi, làm điều này cũng là để đảm bảo tính chất bí mật cho trận đánh. Nửa đêm ngày mồng 3 tháng Giêng năm Kỉ Dậu, vua Quang Trung cùng binh lính vây chiếm làng Hà Hồi, tước hết khí giới và lương thực của kẻ thù. Mờ sáng ngày mồng 5, vua Quang Trung cho quân dàn trận chữ nhất, phòng thủ, tấn công đều chặt chẽ, cộng với kế nghi binh, bủa vây tứ phía, tiến sát đồn Ngọc Hồi. Nhờ vào trí lược bày binh bố trận của vua Quang Trung, sự đồng lòng, dũng cảm của binh lính, cùng với sự giúp sức của trời đất, quân Thanh đại bại. Giữa trưa hôm ấy, vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long, rồi kéo vào thành, vua tôi nhà Lê bất ngờ, tháo chạy trong tình cảnh tủi nhục, thảm hại.