1. Một số nguyên nhân phổ biến gây chảy máu cam
Chảy máu cam chia thành 2 loại là chảy máu mũi phía trước và chảy máu mũi phía sau, trong đó chảy máu mũi phía trước chiếm đa số trường hợp.
Chảy máu cam là hiện tượng phổ biến khi thời tiết lạnh và khô
Đa số chảy máu mũi phía trước không nguy hiểm và nghiêm trọng, thường do những nguyên nhân như:
1.1. Không khí khô, lạnh, thiếu độ ẩm
Khi thời tiết đột ngột chuyển sang khô, lạnh hoặc khi sống trong môi trường lạnh, độ ẩm thấp, có thể dẫn đến chảy máu mũi do làm khô dịch mũi. Màng nhầy trong vách ngăn của mũi cũng trở nên khô và kém đàn hồi, dễ gây nứt vỡ mạch máu nhỏ dẫn đến chảy máu cam.
1.2. Tăng huyết áp
Người mắc cao huyết áp hoặc các bệnh lý tim mạch như suy tim sung huyết dễ bị chảy máu mũi hơn do áp lực dòng máu lớn gây vỡ mạch máu nhỏ trong mũi.
1.3. Va đập, chấn thương
Tác động mạnh cũng có thể là nguyên nhân gây vỡ mạch máu dẫn đến chảy máu mũi. Cần lưu ý các trường hợp chảy máu mũi nhiều, kéo dài, chấn thương có thể nghiêm trọng gây biến dạng mũi phải can thiệp để chỉnh hình lại.
Ngoáy mũi quá mạnh cũng có thể gây chảy máu mũi
Đôi khi, việc bạn chà xát, day mũi, hoặc ngoáy mũi quá mạnh có thể gây chảy máu mũi.
1.4. Dinh dưỡng
Chế độ ăn uống thiếu Vitamin K, Vitamin C có thể gây rối loạn đông máu, tăng khả năng chảy máu mũi vào ban đêm. Đặc biệt, những người mắc bệnh gan, thận có thể có khả năng đông máu kém, dễ chảy máu mũi kéo dài.
1.5. Tiếp xúc với chất kích thích
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, sử dụng cocaine dạng hít hoặc tiếp xúc với các chất kích thích hóa học có trong khói thuốc lá, xăng dầu, axit sulfuric, amoniac… có thể gây chảy máu mũi. Ngoài ra, nguyên nhân cũng đến từ các loại thuốc xịt mũi, đặc biệt khi chúng chứa steroid.
Những nguyên nhân này thường không gây chảy máu mũi nghiêm trọng và kéo dài, tuy nhiên cần cầm máu đúng cách, tránh để máu chảy vào trong họng gây nôn mửa.
2. Chảy máu mũi thường xuyên là dấu hiệu của bệnh gì?
Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, chảy máu mũi thường xuyên, không thể tự cầm máu được hoặc mất thời gian rất lâu, đặc biệt là khi chảy máu mũi phía sau, không nên chủ quan bởi đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm.
Vậy chảy máu mũi thường xuyên là dấu hiệu của bệnh gì? Đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý sau:
Chảy máu mũi không ngừng thường liên quan đến bệnh lý
2.1. Bệnh lý máu
Chảy máu mũi thường xuyên có thể do các bệnh lý rối loạn về máu như:
-
Rối loạn chức năng đông máu do xuất huyết, thiếu Vitamin K,…
-
Ban xuất huyết do nhiễm khuẩn hoặc do thuốc.
-
Bệnh lý gây thay đổi số lượng tiểu cầu, rối loạn chức năng của máu.
2.2. Vẹo vách ngăn mũi
Vẹo vách ngăn mũi là tình trạng biến dạng khiến lượng không khí trao đổi qua mũi bị thay đổi, khiến niêm mạc mũi dễ bị khô và chảy máu hơn. Nếu chảy máu mũi thường xuyên do nguyên nhân này, nên khám và điều trị sớm tránh chảy máu mũi nghiêm trọng và ảnh hưởng đến hoạt động hít thở hàng ngày.
2.3. Sốt truyền nhiễm cấp tính
Chảy máu mũi liên tục nhiều lần trong thời gian ngắn đi kèm với triệu chứng sốt, ớn lạnh,… cần cẩn thận với các bệnh sốt truyền nhiễm cấp tính như: sốt tinh hồng nhiệt, sởi, sốt rét, sốt xuất huyết,… Tình trạng xuất huyết có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác ngoài mũi gây ra biến chứng nghiêm trọng nên cần đi khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
2.4. U lành tính trong mũi
Chảy máu mũi có thể là biểu hiện của bệnh u lành tính trong vòm mũi, vòm họng hoặc khi khối u xâm lấn dây thần kinh vận nhãn. Các triệu chứng đi kèm gồm: thể trạng yếu, da dẻ xanh xao, mờ mắt, nổi u cục bất thường hoặc biến dạng mũi,…
U xơ lành tính thường gây chảy máu mũi thường xuyên
Với chảy máu mũi do nguyên nhân này, bệnh nhân cần đi khám và điều trị sớm, thông thường bác sĩ sẽ chỉ định mổ loại bỏ u lành tính. U lành tính vẫn có nguy cơ phát triển thành ác tính và ung thư nên không nên chủ quan.
2.5. U ác tính
Không loại trừ nguyên nhân chảy máu mũi kéo dài do u ác tính, phổ biến là bệnh ung thư vòm họng. Ở những trường hợp này, người bệnh thường có triệu chứng khác như: lở loét, viêm nhiễm trong mũi và khoang họng, thường xuyên bị viêm mũi, sức khỏe suy giảm, cơ thể gầy sút,…
Nếu có các triệu chứng nghi ngờ trên, nên đi khám để nội soi chẩn đoán sớm. Nếu do u ác tính, bệnh nhân cần được điều trị để tránh u phát triển gây nguy hiểm cho sức khỏe.
2.6. Viêm mũi
Một số bệnh viêm nhiễm khoang mũi như viêm mũi, viêm xoang,… cũng có thể dẫn đến chảy máu mũi. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đều không gây chảy máu nhiều, song nếu kéo dài thì cần lưu ý để điều trị.
3. Khi nào chảy máu cam nên đi khám bác sĩ?
Mặc dù đa số trường hợp bị chảy máu cam đều không quá nguy hiểm, song nếu có dấu hiệu sau thì bạn nên đi khám bệnh viện càng sớm càng tốt:
-
Chảy máu mũi kéo dài sau khi bị chấn thương vùng đầu hoặc mặt.
-
Máu mũi chảy không ngừng hơn 20 phút và không thể kiểm soát bằng các biện pháp thông thường.
-
Chảy máu mũi liên tục, lặp đi lặp lại trong thời gian ngắn mà không rõ nguyên nhân.
-
Chảy máu cam kèm theo đau đầu, chóng mặt, buồn nôn kéo dài hơn 15 phút.
-
Chảy máu cam kèm theo nhiều vết bầm tím bất thường trên cơ thể.
Nếu chảy máu mũi kéo dài hơn 20 phút không ngừng, bạn nên đến cơ sở y tế ngay.
Nếu chảy máu mũi do các bệnh lý như trên, bạn nên đi khám và điều trị sớm để tránh viêm nhiễm, biến dạng mũi hoặc mất máu quá nhiều.