1. Nguyên nhân gây tăng nồng độ canxi trong máu
Canxi giúp tăng cường sức mạnh của xương, cải thiện hoạt động cơ bắp và làm việc của hệ thần kinh. Khi máu thiếu canxi, tuyến cận giáp sẽ sản xuất hormone để:
-
Kích thích xương tạo thêm canxi;
-
Kích thích tiêu hóa hấp thu canxi tốt hơn;
-
Kích hoạt thận tạo ra nhiều vitamin D hơn, quan trọng cho việc hấp thu canxi.
Canxi là một chất rất cần thiết đối với cơ thể con người
Hiện tượng tăng canxi máu xảy ra khi lượng canxi có trong huyết thanh tăng cao hơn so với mức bình thường. Nồng độ canxi máu ở giới hạn bình thường là khoảng 2,1 - 2,6 mmol/L. Nếu nồng độ canxi lớn hơn mức này thì tức là người bệnh đang bị tăng canxi máu. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ gây suy yếu xương, hình thành sỏi thận và ảnh hưởng tới hoạt động của não và tim.
Có nhiều yếu tố làm phá vỡ mức cân bằng của lượng canxi trong máu, cụ thể là do:
-
Sự hoạt động quá mức của tuyến cận giáp: đây được coi là nguyên nhân thường gặp nhất đối với những trường hợp bị tăng canxi máu. Tuyến cận giáp hoạt động quá mức (hay chứng cường cận giáp) có thể là do có khối u nhỏ lành tính hình thành, hoặc là do 1 hay nhiều tuyến cận giáp bị phì đại;
-
Bệnh ung thư: tăng canxi máu thường xảy ra ở những bệnh nhân bị ung thư xương, hoặc mắc bệnh ung thư tại cơ quan khác khi đã bước vào giai đoạn di căn xương;
-
Do một số bệnh lý khác: bệnh lao, u hạt (sarcoidosis) có thể là nguyên nhân khiến nồng độ vitamin D trong máu gia tăng, gây kích thích hệ tiêu hóa tăng cường hấp thụ nhiều canxi hơn;
-
Những người bị hạn chế vận động: bệnh nhân luôn ở trong tình trạng nằm trên giường bệnh hoặc xe lăn lâu ngày sẽ dễ bị tăng canxi máu. Nguyên nhân là vì những phần xương không phải chịu trọng lượng của cơ thể sẽ dần giải phóng bớt canxi vào trong máu;
-
Tình trạng mất nước nghiêm trọng cũng là yếu tố khiến tăng canxi máu mức độ nhẹ;
-
Những người uống bổ sung quá nhiều vitamin D hoặc canxi khiến gia tăng và dư thừa lượng canxi trong máu nhiều hơn mức bình thường;
-
Tác dụng phụ của thuốc: ví dụ như thuốc lithium được dùng trong điều trị bệnh rối loạn lưỡng cực, có thể kích thích cơ thể giải phóng hormone của tuyến cận giáp;
2. Triệu chứng khi bị tăng canxi trong máu
Nếu canxi trong máu chỉ tăng ở mức độ nhẹ, bệnh nhân có thể không phát hiện ra bất kỳ triệu chứng đặc biệt nào. Nhưng nếu canxi tăng cao hơn, điều này có thể gây ra một loạt các biểu hiện không bình thường ở các cơ quan khác nhau:
-
Xương và cơ bắp: do xương thường giải phóng canxi khi máu tăng canxi nên chúng có thể trở nên yếu đuối, đau nhức và mất sức mạnh;
-
Hệ tiêu hóa: tăng canxi trong máu có thể gây ra buồn nôn, nôn mửa, khó chịu trong dạ dày và táo bón;
-
Thận: do nồng độ canxi trong máu tăng nên thận sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn để lọc, dẫn đến mất nước và tiểu nhiều hơn;
-
Tim mạch: bệnh nhân có thể gặp rối loạn nhịp tim, đau ngực, và các vấn đề khác liên quan đến tim mạch, thậm chí có thể gây ngất xỉu;
-
Não bộ: nồng độ canxi cao trong máu có thể khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, mơ hồ, hoặc gặp vấn đề về tâm trạng như trầm cảm.
3. Phương pháp khắc phục tăng canxi máu
Trong trường hợp canxi trong máu tăng nhẹ, bệnh nhân cần theo dõi sự tiến triển của bệnh qua các triệu chứng trên xương và thận dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, nếu canxi máu tăng ở mức trung bình và cần phải can thiệp ngay lập tức, bác sĩ có thể đề xuất một số biện pháp như sau:
Sử dụng các loại thuốc điều trị như sau:
-
Bisphosphonate: được sử dụng qua đường tiêm tĩnh mạch để điều trị loãng xương, giảm nồng độ canxi và thường được áp dụng khi điều trị tăng canxi máu ở bệnh nhân ung thư. Tác dụng phụ của Bisphosphonate có thể là gãy xương đùi hoặc hoại tử xương hàm;
-
Calcimimetics (Cinacalcet): loại thuốc này có khả năng mô phỏng canxi trong máu, khiến cho tuyến cận giáp phản ứng bằng cách giải phóng hormone, giúp điều chỉnh hoạt động của tuyến cận giáp;
-
Calcitonin: chiết xuất từ hormone cá hồi, kiểm soát nồng độ canxi trong máu nhưng có thể gây ra buồn nôn nhẹ;
-
Prednisone: một loại steroid hiệu quả đối với tăng canxi máu do tăng vitamin D;
-
Denosumab: áp dụng cho bệnh nhân ung thư có tăng canxi máu, sau khi đã sử dụng Bisphosphonate mà không thấy hiệu quả;
-
Thuốc lợi tiểu quai (furosemide) và dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch: thường được sử dụng cho các bệnh nhân có nồng độ canxi máu cao, cần cấp cứu để hạ nhanh mức canxi, tránh tổn thương cho hệ thống thần kinh và tim mạch.
Bệnh nhân cần theo dõi định kỳ chỉ số canxi
Phương pháp khác:
Nếu tăng canxi máu do tuyến cận giáp quá hoạt động, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật hoặc xét nghiệm hình ảnh để kiểm tra tình trạng của tuyến cận giáp.
4. Tăng canxi máu có thể gây ra những biến chứng gì?
Khi canxi máu tăng mạnh, bệnh nhân có thể phải đối mặt với các biến chứng sau:
-
Sỏi thận: nước tiểu có quá nhiều canxi sẽ tạo thành các tinh thể trong thận, gây ra đau đớn cho bệnh nhân;
-
Suy thận: thận có thể hỏng nặng khi canxi máu cao, gây ra rối loạn về bài tiết nước tiểu và làm sạch máu;
-
Loãng xương: canxi từ xương giải phóng vào máu làm cho xương yếu dần, dễ gãy, cong cột sống và làm giảm chiều cao;
-
Rối loạn nhịp tim: canxi máu cao ảnh hưởng đến xung điện điều hòa nhịp tim, gây ra nhịp tim bất thường;
-
Vấn đề về hệ thần kinh: gây ra hiện tượng như nhầm lẫn, mất trí nhớ hoặc hôn mê, có thể dẫn đến tử vong.
Nguy cơ của việc canxi máu tăng quá cao
Nói chung, tăng canxi máu là dấu hiệu của vấn đề bất thường trong cơ thể, vì vậy nếu có các triệu chứng của hiện tượng này, bệnh nhân cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời. Khi điều trị đúng cách và đúng thời điểm, tỷ lệ biến chứng sẽ giảm đi đáng kể.