Câu 1
Câu 1 (trang 37, SBT Ngữ Văn 8, tập hai):
Xác định thành phần biệt lập trong các trường hợp sau và cho biết chức năng của chúng:
a. “Con chim xanh biếc bay về”, cuốn truyện dài mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh, cũng là một tác phẩm như vậy.
(Lê Hồng Lâm, “Con chim xanh biếc bay về” – cổ tích cho người lớn)
b. Quả nhiên, con kiến càng đã xâu được sợi chỉ xuyên qua đường ruột ốc hộ cho nhà vua trước con mắt thán phục của sứ giả nước láng giềng.
(Truyện dân gian Việt Nam, Em bé thông minh)
c. Gió mùa thu hào phóng đem chia hương mùa thu – bấy giờ là hương ổi chín – tới khắp nơi trong vũ trụ. Tại một vùng quê nhỏ, trong một giây phút nào đó, người viết chợt bắt gặp hương thu và bỗng sững sờ.
(Vũ Nho, Thiên nhiên và hồn người lúc sang thu)
d. Chao ôi, đã bao nhiêu lần anh em tôi đứng trên bờ đầm ngắm nhìn không mỏi mắt bộ cánh rất đẹp của nó.
(Đỗ Chu, Bồng chanh đỏ)
e. Thiếu phụ bước ra thềm và bảo bác vẻ phiền muộn:
- Thưa ông Phi-líp, ông đến lúc đêm hôm thế này quả thực không phải lắm.
(Guy đơ Mô-pát-xăng, Bố của Xi-mông)
Phương pháp giải:
Dựa vào phần Tri thức Ngữ Văn về thành phần biệt lập để có thể xác định và phân tích chức năng của thành phần trong từng trường hợp câu đề bài đưa ra.
Lời giải chi tiết:
a. Thành phần phụ chú: cuốn truyện dài mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh.
Chức năng: bổ sung thông tin cho “Con chim xanh biếc bay về”.
b. Thành phần tình thái: Quả nhiên.
Chức năng: biểu thị ý khẳng định sự việc được đề cập đến trong câu diễn ra đúng như đã đoán biết trước.
c. Thành phần phụ chú: bấy giờ là hương ổi chín.
Chức năng: bổ sung thông tin cho “hương mùa thu”
d. Thành phần cảm thán: Chao ôi.
Chức năng: bộc lộ sự xúc động mạnh của người nói về sự việc được đề cập đến trong câu.
e. Thành phần gọi - đáp: Thưa ông Phi - líp.
Chức năng: Thiếu phụ dùng để gọi ông Phi-líp, để mở đầu cuộc đối thoại.
Câu 2
Câu 2 (trang 37, SBT Ngữ Văn 8, tập hai):
Tìm thành phần tình thái trong các câu sau và chỉ ra ý nghĩa của thành phần ấy trong từng trường hợp:
a.Đêm tối, tôi không nhận ra được màu lông của nó, chỉ thấy nó nằm im thin thít trong lòng bàn tay tôi. Dường như nó quá hoảng sợ vì biết mình đã bị bắt cóc.
(Đỗ Chu, Bồng chanh đỏ)
b. – Xa-vu-skin ạ, cảm ơn em đã đưa cô đi dạo chơi. Tất nhiên là em vẫn có thể cứ đi con đường này.
- Em cảm ơn cô, cô An-na Va-xi-li-ép-na!....
(Iu-ri Na-ghi-bin, Cây sồi mùa đông)
c. Dế Choắt là tên tôi đặt cho nó một cách chế giễu và trịch trượng thế. Choắt nó có lẽ cũng trạc tuổi tôi.
(Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí)
d. Không khí quả là quý giá với người da đỏ, bởi lẽ bầu không khí này là của chung, muông thú, cây cối và con người cùng nhau hít thở. Người da trắng cũng cùng chia sẻ, hít thở bầu không khí đó. Nhưng hình như, người da trắng chẳng để ý gì đến nó.
(Xi-át-tô, Bức thư của thủ lĩnh da đỏ)
Phương pháp giải:
Dựa vào phần Tri thức Ngữ Văn về thành phần tình thái để có thể xác định và phân tích chức năng của thành phần trong từng trường hợp câu đề bài đưa ra.
Lời giải chi tiết:
a. Thành phần tình thái: Dường như.
Chức năng: biểu thị ý phỏng đoán hoặc khẳng định một cách dè dặt về điều nghĩ rằng có thể là như thế, chủ yếu là dựa trên những gì trực tiếp cảm nhận được.
b. Thành phần tình thái: Tất nhiên là.
Chức năng: biểu thị ý khẳng định sự việc hẳn là có thể diễn ra như thế.
c.Thành phần tình thái: Có lẽ.
Chức năng: biểu thị ý phỏng đoán hoặc khẳng định một cách dè dặt về điều nghĩ rằng có thể là như thế, thể hiện mức độ tin thấp về sự việc được đề cập đến trong câu.
d. Thành phần tình thái: hình như.
Chức năng: biểu thị ý phỏng đoán hoặc khẳng định một cách dè đặt về điều nghĩ rằng có thể là như thế, chủ yếu là dựa trên những gì trực tiếp cảm nhận được.
Câu 3
Câu 3 (trang 38, SBT Ngữ Văn 8, tập hai):
Xác định thành phần cảm thán và chỉ ra ý nghĩa của thành phần ấy trong từng trường hợp dưới đây:
a. Chao ơi, không lẽ không biết rằng: hung hăng, hống hách láo chỉ tổ đêm thân mà trả nợ những cử chỉ ngu dại của mình thôi. Tôi đã phải trải cảnh như thế. Thoát nạn rồi, mà còn ân hận quá, ân hận mãi.
(Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí)
b. – Nhà bác? Chiếc bình này ạ? – Khách giật mình. – Ôi, tôi sợ các thứ bình, lọ thùng, hộp ấy lắm.
Hai sợi râu khác run run. Đã mấy lần bị bọn trẻ bắt cóc làm đồ chơi, ông bị ám ảnh bởi những cái nhà tăm tối, chật hẹp, khó thở kiểu đó.
(Trần Đức Tiến, Giọt sương đêm)
c. Lòng rộn ràng vui thích, An-na Va-xi-ép-na mải mê quan sát đời sống bí mật của rừng, trước nay cô chưa từng biết đến cuộc sống như thế, bỗng nhiên cô chợt nghe thấy tiếng kêu lo lắng của Xa-vu-skin:
- Chết thôi, cô sẽ không gặp được mẹ em nữa rồi!
An –na Va-xi-li-ép-na vội đưa đồng hồ lên sát tận mắt. Ba giờ mười lăm.
(Iu-ri Na-ghi-bin, Cây sồi mùa đông)
d. Ông Giuốc-đanh: (nhìn áo của bác phó may) – Ô kìa, bác phó! Vải này là thứ hàng tôi đưa bác may bộ lễ phục trước của tôi đây mà. Tôi nhận ra đúng nó rồi
Phó may: - Chẳng là thứ hàng đẹp quá nên tôi đã gạn lại một cái để mặc.
(Mô-li-e, Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục)
Phương pháp giải:
Dựa vào phần Tri thức Ngữ Văn về thành phần cảm thán để có thể xác định và phân tích chức năng của thành phần trong từng trường hợp câu đề bài đưa ra.
Lời giải chi tiết:
a. Thành phần cảm thán: Chao ơi.
Chức năng: bộc lộ sự xúc động mạnh của người nói về sự việc được đề cập đến trong câu.
b. Thành phần cảm thán: Ôi.
Chức năng: bộc lộ sự xúc động mạnh của người nói về sự việc được đề cập đến trong câu
c. Thành phần cảm thán: Chết thôi.
Chức năng: bộc lộ sự hốt hoảng, lo lắng của nhân vật Xa-vu-skin về việc họ đã trễ giờ và không thể gặp được mẹ của Xa-vu-skin nữa.
d. Thành phần cảm thán: Ô kìa.
Chức năng: bộc lộ sự ngạc nhiên của nhân vật ông Giuốc-đanh trước sự việc được đề cập đến trong đoạn thoại.