Phân loại | Phong trào Thánh hữu Ngày sau |
---|---|
Thần học |
|
Quản trị | Phẩm trật |
Chủ tịch | Russell M. Nelson |
Vùng | 176 quốc gia & vùng lãnh thổ |
Trụ sở chính | Salt Lake City, Utah, United States |
Người sáng lập | Joseph Smith |
Bắt đầu | ngày 6 tháng 4 năm 1830 Fayette, New York, United States |
Tách rời | LDS denominations |
Giáo hội
| 30,506 (2017) |
Thành viên | 16,118,169 (2017) |
Tuyền giado | 67,049 (2017) |
Tổ chức viện trợ | LDS Humanitarian Services |
Tổ chức đại học | 5 |
Tên khác |
|
Trang mạng | www |


Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô (tiếng Anh: The Church of Jesus Christ of Latter-day Saints, viết tắt là LDS Church), thường được gọi là Giáo hội Mặc Môn (Mormon Church), là một trong những giáo hội lớn nhất và nổi bật nhất trong phong trào Thánh hữu Ngày sau (một dạng của phong trào Phục hồi Kitô giáo). Trụ sở chính của giáo hội nằm ở thành phố Salt Lake, bang Utah, Hoa Kỳ.
Đặc điểm
Các đặc điểm nổi bật của Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô:
- Các thành viên tình nguyện của giáo hội phục vụ toàn thời gian từ 18 tháng đến 2 năm để truyền bá phúc âm của Chúa Giêsu Kitô trên toàn thế giới.
- Tin vào các tiên tri hiện đại, bắt đầu từ Joseph Smith, Jr. và hiện nay là Russell M. Nelson.
- Đức tin của giáo hội bao gồm Kinh Thánh, Sách Mặc Môn, Giáo Lý và Giao Ước và Trân Châu Vô Giá là những sách thánh.
- Tuân thủ chế độ ăn uống gọi là Lời Thông Sáng, bao gồm việc tránh rượu, thuốc lá, cà phê, ma túy và các chất gây nghiện có hại cho sức khỏe, trong khi việc uống đồ có caffein nhẹ là tùy chọn cá nhân.
- Tin vào Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh như ba thực thể riêng biệt.
- Các tín hữu sống đạo đức và nhận giáo lễ Thiên Ân sẽ mặc lễ phục Đền Thờ dưới trang phục thường ngày.
- Thực hiện các nghi lễ hôn phối vĩnh cửu trong đền thờ qua quyền năng của chức tư tế từ Chúa.
- Thực hiện phép báp têm cho người đã khuất và các nghi lễ cho tổ tiên theo phả hệ của những tín hữu đang sống.
Lịch sử
Joseph Smith, Jr., được coi là một tiên tri của thời kỳ sau, cùng với 5 cộng sự, đã sáng lập giáo hội vào ngày 6 tháng 4 năm 1830, với 56 tín hữu tại Fayette, New York. Ban đầu, giáo hội được gọi là Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô (Church of Jesus Christ), biểu thị niềm tin vào sự phục hồi của giáo hội nguyên thủy. Trong năm này, 'Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác Về Chúa Giêsu Kitô' được xuất bản như một trong những sách thánh của giáo hội.
Bốn năm sau, vào tháng 4 năm 1834, giáo hội đổi tên thành Giáo hội Các Thánh Hữu Ngày Sau (Church of the Latter Day Saints). Việc đổi tên này nhằm phân biệt giáo hội của thời kỳ sau cùng với giáo hội của Tân Ước, ngay trước ngày tái lâm của Đấng Kitô. Đến tháng 4 năm 1838, giáo hội tiếp tục đổi tên thành Giáo hội Các Thánh Hữu Ngày Sau Của Chúa Giêsu Kitô (The Church of Jesus Christ of Latter Day Saints).
Tuy nhiên, trong cùng thời kỳ, nhiều tín đồ Kitô giáo coi giáo lý và tập tục đa thê của giáo hội này là tà đạo. Họ thường dùng từ Mặc Môn (Mormon) để chỉ giáo hội và các tín hữu một cách miệt thị. Dù vậy, đến thế kỷ 20, danh xưng 'người Mặc Môn' đã được chấp nhận rộng rãi trong giáo hội bên cạnh danh xưng 'Thánh hữu Ngày sau'. Một số người bên ngoài xem họ như một giáo phái Tin Lành, trong khi những người khác không công nhận đức tin của họ thuộc Kitô giáo.
Theo tên gọi, các tín hữu tin rằng Chúa Giê Su là người lãnh đạo giáo hội và họ là những Thánh hữu của Ngài trong thời kỳ hiện tại, không thuộc các truyền thống Chính Thống giáo, Công giáo hay Tin Lành. Giáo lý của họ khẳng định rằng Giáo hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giêsu Kitô là giáo hội nguyên thủy mà Chúa Giê Su đã thiết lập khi còn sống.
Giáo hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giêsu Kitô phát triển nhanh chóng nhờ tính đơn giản và lòng nhiệt huyết truyền giáo của các tín hữu. Vào năm 1843 và 1844, Joseph Smith, Jr., được coi là tiên tri của ngày sau, đã chỉ định Nhóm Túc số Mười hai Vị Sứ đồ (Anointed the Quorum of the Twelve Apostles) để lãnh đạo giáo hội.
Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô và các tín hữu thường xuyên đối mặt với sự cấm đoán và ngược đãi từ chính quyền và dân chúng ở một số tiểu bang của Hoa Kỳ, nghiêm trọng nhất là lệnh từ Thống đốc Missouri. Vào ngày 27 tháng 6 năm 1844, một đám đông vũ trang đã tấn công vào ngục Carthage, Illinois, và sát hại tiên tri Joseph Smith khi ông mới 38 tuổi và tộc trưởng Hyrum Smith.
Dù vậy, Nhóm Túc số Mười hai Vị Sứ đồ, dưới sự lãnh đạo của Brigham Young, đã tiếp tục điều hành giáo hội. Brigham Young dẫn dắt một nhóm lớn tín hữu, được gọi là 'Những người Mặc Môn tiên phong' (Mormon pioneers), di cư về vùng đất hứa ở phía tây. Cuối cùng, họ định cư và xây dựng tại khu vực ngày nay bao gồm bang Utah và một số phần của Arizona, California, Nevada, Idaho và Wyoming.
Khu vực ban đầu được gọi là bang Deseret, được thành lập vào năm 1849. Đến năm 1851, Brigham Young đã chính thức đăng ký tên giáo hội là The Church of Jesus Christ of Latter-day Saints, tức Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô, với dấu gạch nối và chữ 'd' viết thường.
Tuy nhiên, sự cấm đoán đối với giáo hội không giảm. Năm 1887, Đạo luật Edmunds–Tucker được ban hành, dẫn đến việc giải thể Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô do tục đa thê của các tín hữu nam. Vào ngày 6 tháng 12 năm 1890, tại Đại hội Trung ương Bán Niên lần thứ 61, tiên tri thứ tư Wilford Woodruff đã công bố bản tuyên ngôn yêu cầu chấm dứt tục đa thê theo mặc khải từ Chúa để bảo vệ các Thánh Hữu và phát triển giáo hội.
Năm 1978, Đạo luật Edmunds–Tucker bị bãi bỏ. Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô chính thức trở thành một giáo hội được công nhận và phát triển toàn cầu, gần như trở thành tôn giáo lớn thứ tư tại Hoa Kỳ.
Hiện tại
Đến ngày 31 tháng 12 năm 2010, giáo hội này báo cáo có 2.896 giáo khu, 340 phái bộ truyền giáo, 614 giáo hạt, 28.660 tiểu giáo khu và chi nhánh. Có 52.256 người truyền giáo hoạt động trên toàn thế giới. Tổng số tín hữu của giáo hội là 14.131.467, trong đó có 120.528 trẻ em mới ghi danh và 272.814 tín hữu mới chịu phép báp têm. Đây là tôn giáo lớn thứ tư ở Hoa Kỳ. Báo cáo bao gồm tất cả những người đã chịu phép báp têm dù họ có tham gia hoặc tự nhận là thành viên của giáo hội hay không. Theo 'Khảo sát định danh tôn giáo Hoa Kỳ' năm 2001, ước tính có khoảng 2,8 triệu người trưởng thành theo đạo Mặc Môn tại Hoa Kỳ.
Tương tự như các giáo hội Kitô giáo khác, nhà thờ là nơi thờ phượng dành cho tất cả mọi người, nơi họ có thể tham gia các hoạt động, dự lễ Tiệc Thánh và tham gia các lớp học thánh thư để kết nối với Cha Thiên Thượng. Bên cạnh đó, Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô còn xây dựng những công trình đặc biệt và thiêng liêng gọi là Đền Thờ, được coi là Ngôi Nhà của Chúa. Các nghi lễ tôn giáo thiêng liêng được thực hiện tại đây. Khách tham quan hoặc tín hữu không có giấy giới thiệu sẽ không được phép vào trong đền thờ để tham dự các nghi lễ tôn giáo, nhưng có thể tham quan khu vực bên ngoài và ghé thăm 'Khu trung tâm dành cho khách thăm viếng' (Visitors' Center).
Ghi chú
Tài liệu liên quan
- (tiếng Anh) Trang web chính thức của Giáo hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giêsu Kitô
- (tiếng Anh) Ý nghĩa của việc xây dựng các ngôi Đền thờ đối với các Thánh Hữu Ngày Sau
- Trang web cung cấp tài liệu tham khảo phúc âm của Giáo hội bằng tiếng Việt