Gió mùa Đông Bắc hay còn được biết đến là gió bấc hay gió Đông Bắc hoặc gió mùa mùa đông là thuật ngữ chỉ một khối khí lạnh có nguồn gốc từ trung tâm áp cao ở Trung Á và Xibia thổi về xích đạo rồi di chuyển qua khu vực Việt Nam tạo ra mùa đông, gây gió mạnh, trời rét và thời tiết xấu từ Tháng 11 đến Tháng 4 năm sau. Chúng được xem là loại gió chướng (tật phong) hay gió xấu, không tốt cho sức khoẻ, đây là hiện tượng thời tiết theo quan niệm của người Việt Nam tương tự như hiện tượng bạch phong mao (Zud) ở Mông Cổ.
Hình thành và sự xuất hiện
Gió mùa Đông Bắc được hình thành từ trung tâm áp cao Xibia di chuyển ngang qua khu vực có khối không khí ấm tại Việt Nam, gây ra gió Đông Bắc mạnh, thời tiết lạnh, thời gian đặc trưng là từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Ảnh hưởng
Gió mùa Đông Bắc là hiện tượng thời tiết đặc biệt rất nguy hiểm, khiến cho tàu thuyền có thể bị đánh chìm khi nó tràn vào vịnh Bắc Bộ với sức mạnh lên đến cấp 6 - 7, và gây ra gió cấp 4 - 5 trên đất liền... Đặc biệt, những cơn gió mạnh có thể kèm theo dông, tố và thậm chí mưa đá.
Vào đầu mùa đông (từ tháng 11 đến tháng 2), gió mùa Đông Bắc từ áp cao Xibia tràn vào nước ta mang theo khí hậu lạnh khô, tạo nên một mùa đông lạnh cho miền Bắc. Vào nửa sau mùa Đông (từ tháng 2 đến tháng 4), áp cao Xibia dịch chuyển ra biển, dẫn đến mưa phùn ven biển Đông Bắc nước ta khi khối khí này nhận được nhiều hơi ẩm và nhiệt từ biển.
Thuật ngữ sử dụng
Thuật ngữ 'Gió mùa đông' chỉ sự xuất hiện của gió mùa vào mùa đông, và được dùng rất ít.
Thuật ngữ 'Gió đông bắc' chỉ hướng gió từ đông bắc thổi xuống, thường được sử dụng trong các dự báo thời tiết. Thuật ngữ 'Gió mùa đông bắc' nói lên sự thổi của gió mùa từ hướng đông bắc xuống, và là thuật ngữ thông dụng nhất khi đề cập đến loại gió mùa này.