Tất cả những chức năng liên quan đến trí não con người đều bắt nguồn từ trí nhớ. Trí nhớ cung cấp nguyên liệu cho trí tưởng tượng, các giác quan và khả năng lập luận (Kay 1). Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất và cụ thể nào về trí nhớ con người. Một mặt, ngành khoa học thần kinh cho rằng trí nhớ là một quá trình dẫn truyền xảy ra trong não bộ. Mặt khác, sự phát triển của công nghệ thông tin kết luận rằng trí nhớ có thể được lưu trữ bên ngoài bộ não.
Ngoài ra, ở những nền văn hóa đại chúng tồn tại các quan điểm cho rằng trí nhớ có hình dáng cụ thể, là một trải nghiệm cá nhân mà chúng ta có thể nhớ lại mọi lúc ta muốn. Điều này cũng dẫn đến câu hỏi: liệu có giới hạn nào cho lượng ký ức mà con người có thể nhớ hay không (Zlotnik và Vansintjan 3). Để giải quyết sự thiếu đồng nhất này, Zlotnik và Vansintjan (3) đã nghiên cứu và chỉ ra một định nghĩa khái quát hơn, cho rằng trí nhớ chỉ đơn giản là khả năng lưu trữ và truy xuất thông tin. Định nghĩa này bao trùm cả những quá trình vô thức xảy ra bên ngoài tiềm thức hay bộ não của con người – một bộ phận luôn được gắn liền với trí nhớ.
Trí nhớ có thể được rèn luyện để trở nên tốt hơn; vì thế, đã có rất nhiều thuật luyện ghi nhớ được phát minh. Chúng được gọi chung là Mnemonics. Mnemonic là một từ bắt nguồn tiếng Hy Lạp, cụ thể là tên của Nữ thần Trí nhớ Mnemosyne, dùng để chỉ những phương pháp hay công cụ, bất kể qua lời nói hoặc hình ảnh, có tác dụng cải thiện khả năng lưu trữ thông tin và truy xuất những thông tin đó từ trí nhớ (Amiryousefi và Ketabi 178-9). Điểm chung mấu chốt của những thuật ghi nhớ này nằm ở việc liên hệ những gì cần nhớ đến những gì đã có sẵn trong trí nhớ dài hạn của con người. Thompson (1987) đã phân loại các thuật trí nhớ thành năm nhóm: ngôn ngữ, không gian, hình ảnh, phản ứng vật lý và lời nói (qtd. in Amiryousefi và Ketabi 179). Trong bài nghiên cứu này, người viết sẽ tập trung giới thiệu về phương pháp ghi nhớ Loci thuộc nhóm thuật ghi nhớ không gian, cách hoạt động và những ứng dụng của phương pháp này trên nhiều lĩnh vực.
Phân loại phương pháp ghi nhớNguồn gốc của phương pháp nhớ Loci
Qua trải nghiệm đó, Simonides suy ra rằng việc liên kết một chuỗi các hình ảnh với những vị trí xác định của một không gian có sẵn trong bộ nhớ rất hiệu quả cho việc ghi nhớ mà không gây xáo trộn đến trật tự các hình ảnh đó. Simonides sau đó đã khuyên các nhà diễn thuyết sử dụng phương pháp này để ghi nhớ những luận điểm trong bài diễn thuyết của mình theo đúng trình tự mà họ đã chuẩn bị trước (Thomas 2014).
Cách thức hoạt động
Lựa chọn một không gian quen thuộc để làm cung điện ký ức.
Lựa chọn và ghi nhớ các địa điểm khác nhau trong cung điện đó.
Hình dung ra các đồ vật hoặc tạo một hình ảnh cho mỗi từ gợi ý tương ứng với các ý chính trong đoạn văn cần phải nhớ.
Đặt các hình ảnh đó vào những địa điểm đã ghi nhớ trước đó.
(Moè và Beni 95)
Khi sử dụng phương pháp Loci, người dùng cần phải tưởng tượng hai lần. Ở lần thứ nhất, họ cần mường tượng rõ cung điện ký ức và những địa điểm ở đó. Ở lần thứ hai, họ cần tưởng tượng ra hình ảnh của những đồ vật hoặc các từ gợi ý rồi đặt chúng vào các địa điểm đã ghi nhớ. Các hình ảnh này có thể khác nhau tùy theo những gì mà họ cần nhớ, những địa điểm trong cung điện ký ức thì không bao giờ thay đổi (Moè và Beni 95).
Bước 1. Chọn hoặc tưởng tượng một cung điện kí ức và xác định lộ trình
Theo Foer (84), nguyên tắc của cung điện ký ức là sử dụng bộ nhớ không gian (spatial memory) của một người để sắp xếp và lưu trữ những thông tin có thứ tự khó ghi nhớ hơn (ví dụ như danh sách những điều cần làm). Cung điện ký ức không cần quá nguy nga tráng lệ, thậm chí không nhất định phải là các tòa nhà với những gian phòng riêng biệt. Chúng có thể là các tuyến đường trong thành phố hay những trạm dừng của tàu hỏa, có thể lớn hoặc nhỏ, trong nhà hoặc ngoài trời, có thật hoặc tưởng tượng, miễn là các địa điểm của cung điện đó được kết nối với nhau theo một trật tự cụ thể. Một người có thể có đến hàng tá hoặc hàng trăm cung điện ký ức cho riêng mình; mỗi cung điện được xây dựng để chứa những cụm ký ức khác nhau (Foer 83). Điều quan trọng nhất là chúng đều phải vô cùng quen thuộc với người sử dụng phương pháp Loci, bởi độ hiệu quả của phương pháp này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng mà họ có thể hình dung và tự do ‘đi lại’ trong cung điện ký ức.
Ngoài việc tưởng tượng ra cung điện, người sử dụng cần phải xác định cho mình một lộ trình đi lại thật rõ ràng và cụ thể trong cung điện đó. Lộ trình ‘tham quan’ này cần được cố định để giúp họ ghi nhớ thứ tự của thông tin – một điều vô cùng quan trọng đối với những thông tin đề cao trật tự xuất hiện, ví dụ như một bài thuyết trình.
Cung điện càng lớn và chi tiết thì người sử dụng phương pháp có thể ghi nhớ lượng thông tin càng nhiều với độ hiệu quả cao hơn. Một số gợi ý cho cung điện ký ức có thể là ngôi nhà đang ở hoặc từng ở hồi nhỏ, trường học các cấp, những con đường quen thuộc khi đi làm hoặc khuôn viên của công viên nơi họ tập thể dục mỗi ngày vào buổi sáng.
Ở đây, người viết sẽ sử dụng một căn hộ tưởng tượng đơn giản để làm cung điện ký ức. Lộ trình con đường ‘tham quan’ cung điện (quá trình truy xuất thông tin) bắt đầu từ cửa chính của căn hộ. Sau khi mở cửa để đi vào huyền quan, người viết sẽ dừng lại và quay sang bên trái nơi có tủ để giày dép trước, sau đó đi vào phòng vệ sinh nhỏ bên tay phải.
Bước 2. Lựa chọn và ghi nhớ các địa điểm khác nhau trong cung điện kí ức
Những địa điểm này đóng vai trò như các cột mốc trong cung điện ký ức, mỗi cột mốc sẽ là một không gian để lưu trữ thông tin. Số lượng địa điểm càng nhiều, lượng thông tin lưu trữ được trong cung điện càng lớn. Các mốc cần được lựa chọn theo lộ trình đã xác định ở bước một để đảm bảo trình tự của thông tin cần ghi nhớ.
Cũng với ví dụ căn hộ ở bước một, người viết chọn cột mốc đầu tiên là ngăn to nhất dưới cùng của tủ để giày bên tay trái. Cột mốc thứ hai là ngăn duy nhất có cửa của tủ giày. Cột mốc thứ ba là bồn rửa mặt ở ngay gần cửa trong phòng vệ sinh, và cột mốc thứ tư là phòng tắm kính ở sâu trong cùng của phòng. Trình tự các cột mốc sẽ dựa theo lộ trình đã xác định ở bước một, từ tủ giày bên trái đến phòng vệ sinh bên phải.
Bước 3. Hình dung những điều cần ghi nhớ
Sau khi đưa cung điện ký ức với những địa điểm, cột mốc cụ thể vào trí nhớ, công đoạn tiếp theo người sử dụng phương pháp Loci cần làm là hình dung những gì họ muốn ghi nhớ. Nếu những đồ vật đó có kích thước nhỏ, họ có thể phóng to chúng lên trong trí tưởng tượng của mình, ít nhất là đủ to để thu hút được sự chú ý của họ. Bộ não của con người thường ghi nhớ những gì đặc biệt, hấp dẫn sự chú ý, thậm chí là kì quặc và khó tin dễ dàng hơn so với những gì bình thường và thường thấy (Foer 86). Vì thế, ngoài việc phóng to đồ vật lên mức khổng lồ, người sử dụng phương pháp có thể tạo ra những hình ảnh hài hước hay kì lạ cho đồ vật đó, kể cả nhân hóa chúng. Hình ảnh càng rõ ràng càng dễ đưa vào các cột mốc đã chọn.
Với ví dụ căn hộ, mục tiêu của người viết là ghi nhớ được một danh sách bao gồm bốn từ vựng liên quan đến chủ đề Food, lần lượt là: garlic, salmon, watermelon và fish sauce để có thể sử dụng trong câu trả lời cho Speaking Part 1. Về mặt ngữ nghĩa, người viết đã nắm rõ cả bốn từ nhưng chỉ có thể sử dụng chúng một cách bị động và chưa thể truy xuất các từ này từ bộ nhớ một cách tự nhiên.
Ở bước này, mỗi từ sẽ được gắn với một hình ảnh trong cung điện ký ức. Cụ thể, hình ảnh của garlic trong cung điện sẽ là những củ tỏi để trong hai đôi giày đã cũ và khá bẩn. Với salmon, đó sẽ là một con cá hồi to và dài đang bơi trong một bể nước. Tiếp theo, watermelon sẽ được gợi ra từ những lát dưa hấu đã được bổ gọn gàng. Cuối cùng, người viết sẽ tưởng tượng ra một vòi hoa sen đang mở và xả ra nước mắm (fish sauce) thay vì nước tắm bình thường. Những hình ảnh này ít nhiều đều mang những yếu tố khá lạ lùng để quá trình ghi nhớ diễn ra thuận lợi.
Bước 4. Đặt hình ảnh vào các địa điểm trong cung điện
Với cung điện, địa điểm và hình ảnh đã ghi nhớ trong đầu, giai đoạn cuối cùng sẽ là đưa hình ảnh các từ vựng vào các cột mốc. Ở bước này, người sử dụng phương pháp cần đảm bảo các hình ảnh được giữ nguyên khi đưa vào các cột mốc, có thể thêm một số hình ảnh nhỏ khác nhưng không nên quá nhiều và không gây ra ảnh hưởng lớn đến các hình ảnh chính.
Ở cột mốc đầu tiên – ngăn dưới cùng của tủ giày, người viết hình dung ra hai đôi giày đã cũ và khá bẩn với rất nhiều tỏi bên trong, xung quanh giày là các chùm tỏi chật ních ngăn tủ khiến một vài củ tràn ra ngoài huyền quan. Khi vừa bước vào căn hộ, mùi hôi của giày và mùi nồng của tỏi sẽ ngay lập tức bốc lên. Hương vị không mấy dễ chịu này giúp việc ghi nhớ từ garlic dễ dàng hơn. Ở cột mốc thứ hai – ngăn duy nhất có cửa tủ sẽ là một bể nước với một con cá hồi dài ngang chiều dài ngăn tủ đang bơi bên trong, cửa tủ sẽ trong suốt để người viết có thể nhìn thấy con cá đó (salmon). Với cột mốc thứ ba, bên trong bồn rửa mặt sẽ đặt bốn lát dưa hấu (watermelon) với kích thước phóng đại đến mức có thể lấp đầy chiếc bồn, vì thế nên những lát dưa hấu đã được nhân hóa này đang tranh cãi và cố gắng đẩy lát bên cạnh ra để có thêm không gian cho mình. Ở cột mốc thứ tư trong nhà tắm kính sẽ là chiếc vòi hoa sen đang liên tục xả ra nước mắm (fish sauce). Vì cửa nhà tắm đã đóng lại nên dần dần, một bể nước mắm sẽ được hình thành trong nhà vệ sinh.
Sau khi đã hoàn thành xong bốn bước trên, người sử dụng phương pháp cần đi hết lộ trình để nhìn lại và ghi nhớ các cột mốc cùng hình ảnh gắn với chúng, với điểm xuất phát và trình tự lộ trình không thay đổi. Tần suất ‘tham quan’ cung điện càng nhiều, việc ghi nhớ sẽ càng hiệu quả hơn. Sau khi đi đến điểm cuối, họ có thể đi ngược lại để quay về điểm xuất phát. Việc đi ngược về sẽ hỗ trợ quá trình truy xuất những thông tin nằm ở phía sau lộ trình đó mà không cần đi lại lộ trình từ điểm bắt đầu. Tại sao phương pháp Loci có tác dụng
Phương pháp Loci đã được thử nghiệm và đưa vào ứng dụng từ hàng thế kỉ trước bởi người Hy Lạp và người La Mã, nhưng chính họ có lẽ cũng chưa biết tại sao phương pháp này lại có tác dụng. Trong một bài nghiên cứu được xuất bản năm 2018, Hagstrom và Winman từ Đại học Uppsala, Thụy Điển đã chỉ ra rằng cách hoạt động của Loci dựa trên những nguyên lý cơ bản của bộ não con người. Khi chúng ta cố gắng nhớ về những gì đã học hoặc lưu trữ trước kia, những ký ức sẽ xuất hiện theo từng cụm thay vì được gợi lại với một thứ tự hoàn toàn ngẫu nhiên. Những cụm này được tạo nên từ những ký ức có liên hệ với nhau, có thể là về phương diện thời gian (được bộ não ghi chép lại trong cùng một khoảng thời gian), ngữ nghĩa (liên quan đến cùng một sự vật) hoặc bối cảnh không gian (xuất hiện tại cùng một địa điểm). Các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng bối cảnh không gian có tầm quan trọng rất lớn trong bộ nhớ sự kiện (episodic memory). Ta có thể ví nó như một chiếc giàn đã tồn tại sẵn trong bộ não con người và những gì con người trải qua sẽ được xây dựng bên trên chiếc giàn đó. Nói cách khác, chúng trở nên gắn liền với bối cảnh không gian đã có, từ đó tạo nên các ký ức mới. Khi cần truy xuất trí nhớ, con người sẽ tự động phục hồi lại bối cảnh (chiếc giàn) để lấy ra các thông tin đã lưu giữ. Trong trường hợp không có bối cảnh nào có thật để sử dụng, chúng có thể được thay thế bằng một không gian bất kì được tạo ra bởi trí tưởng tượng mà vẫn không ảnh hưởng đến quá trình ghi nhớ thông tin (Hagstrom và Winman 452).
Do đó, có thể nhận thấy rằng phương pháp Loci chỉ là việc tận dụng nguyên tắc hoạt động của bộ não nhưng theo một cách có ý thức. Người sử dụng phương pháp Loci đã tự tạo ra một tập hợp ký ức dưới hình dạng một không gian nhất định mà họ quen thuộc, sau đó gắn các ký ức cần nhớ vào không gian đó. Nói cách khác, họ chỉ việc thêm ký ức mới vào tập hợp ký ức mà họ đã có để có thể truy xuất thông tin một cách dễ dàng hơn.
Phạm vi áp dụng của phương pháp nhớ Loci
Một nghiên cứu so sánh khác do tác giả Maguire và các đồng nghiệp tại Đại học London và Đại học Southampton, Anh năm 2002 đã kết luận rằng bộ não của những người có trí nhớ mạnh đã sử dụng phương pháp ghi nhớ Loci và những người thông thường (cụ thể là những người lái taxi tại London trong nghiên cứu) không có sự khác biệt nào về mặt cấu trúc (93). Điều này ngụ ý rằng phương pháp Loci có thể được áp dụng cho phần lớn dân số thông thường, bao gồm học sinh trong các cơ sở giáo dục (Hagstrom và Winman 452). Giáo viên có thể khuyến khích việc sử dụng phương pháp Loci trong lớp học để giúp học sinh kết nối những kiến thức mới cần ghi nhớ với kiến thức học sinh đã có sẵn trong trí nhớ dài hạn, đặc biệt trong việc học từ vựng. Ngoài ra, vì phương pháp Loci giữ trật tự của thông tin, nó có thể được áp dụng để ghi nhớ các ý chính của các đề tài đã viết trong IELTS Writing Task 2 để hỗ trợ quá trình phát triển ý tưởng cho các bài viết về đề tài tương tự sau này. Thêm vào đó, trong IELTS Speaking Part 1, thí sinh thường phải đối mặt với một số chủ đề phổ biến như Quê hương, Gia đình và Công việc/Học tập, họ cũng có thể xem xét việc sử dụng phương pháp Loci để chuẩn bị và ghi nhớ trước những ý trong câu trả lời cho các câu hỏi này của họ.
Phương pháp Loci phù hợp với mọi đối tượng ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, giống như các phương pháp ghi nhớ khác, Loci sẽ hiệu quả hơn khi được sử dụng bởi những học sinh có trình độ thấp hơn vì quá trình học tập của họ chủ yếu xoay quanh việc ghi nhớ và truy xuất thông tin (Amiryousefi và Ketabi 179).