Cách ghi chép khi đọc sách dưới đây cũng đang được Mee đang áp dụng luôn đó. Không biết phù hợp với bạn không, nhưng cứ giới thiệu một chút. Biết đâu ai đó sẽ cần thì sao.
“Dung lượng bộ nhớ” của não có giới hạn nên không thể lưu trữ tất cả những gì chúng ta muốn ghi nhớ. Đây là lý do thuật ngữ “Second Brain” (Bộ não thứ 2) ra đời nè. Nghe to tát thế thôi, nhưng Bộ não thứ 2 chỉ đơn giản là một hệ thống lưu trữ thông tin cần thiết để bạn có thể lôi ra dùng bất cứ khi nào. Giống như các cuốn sổ ghi chép hay những app ghi chú quen thuộc đó.
Khi đọc sách, chúng ta tiếp nhận vô vàn thông tin từ tác giả. Nếu may mắn thuộc “hàng hiếm”, sau một thời gian, bạn vẫn ghi nhớ kha khá những gì mình đọc. Ngược lại, bạn sẽ giống Mee và bao người khác, chỉ nhớ sương sương nội dung sau khi mới đọc xong, và nội dung này sẽ dần phai mờ trong trí nhớ theo năm tháng.
Như vậy, dù đọc sách phục vụ cho học tập, công việc hay sở thích, bạn đều nên ghi chú để vừa ghi nhớ nội dung cuốn sách tốt hơn, vừa có thể dễ dàng đem ra đọc lại. Vấn đề ở đây là, ghi chú khi đọc sách như thế nào mới hiệu quả ta?
Cách ghi chú khi đọc sách mà Mee giới thiệu trong bài viết thì bất cứ ai cũng đều áp dụng được cả. Nhưng đọc sách vốn “muôn hình vạn trạng” và phong cách ghi chú cũng thế, nên mình nghĩ mấy tip này chưa chắc đã phù hợp với bạn đâu nghen.
Vì vậy, bạn chỉ nên xem các phương pháp ghi chép khi đọc sách của Mee lẫn của người khác là gợi ý tham khảo. Sau đó tự điều chỉnh sao cho phù hợp với bản thân nha.
✤ Trước tiên, bạn hãy xác định mục đích ghi chép khi đọc sách của mình:
- Bạn cần nắm rõ ý chính, đồng thời muốn sử dụng thông tin mà sách cung cấp để làm tư liệu phục vụ cho học tập/công việc?
- Bạn chỉ đơn thuần muốn nắm rõ nội dung cơ bản và lưu lại những trích dẫn hay ho trong cuốn sách mình đang đọc mà thôi?
Mỗi mục đích sẽ đi kèm cách đọc lẫn cách ghi chép khác nhau đó nha. Chẳng hạn với mục đích đầu tiên, bạn nên đọc sách thật kỹ, ghi chép thật chi tiết và sử dụng các công cụ kỹ thuật số (iPad, máy tính,…) để tiện chỉnh sửa và biên tập.
Với mục đích thứ 2, bạn có thể thoải mái ghi chú theo cách riêng của mình và dùng phương pháp truyền thống (sổ/bút,….) hay phương pháp hiện đại hiện đại (với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật số) đều được.
✤ Công cụ hỗ trợ ghi chép:
- Truyền thống: Sổ, giấy, note, bút, highlighter,…
- Hiện đại: iPad, Laptop,… với các phần mềm như Goodnotes (iPad) hoặc Word, Google Docs, Notion, OneNote,…
Việc sử dụng công cụ nào tùy thuộc vào mục đích, thói quen của từng bạn lẫn từng trường hợp cụ thể. Hiện tại, Mee chủ yếu ghi chú trên iPad với ứng dụng Goodnotes (vì thoải mái trang trí với những sticker siêu xinh) và sử dụng Google Docs/Notion trên cả iPad lẫn máy tính. Riêng sổ thì Mee lâu lâu mới dùng vì đã có iPad thay thế.
Bản thân Mee thường ghi chép khi đọc sách như sau:
✤ Trong thời gian đọc sách, mình sẽ highlight những nội dung nổi bật, những trích dẫn hay, đại loại là những gì mình muốn bản thân sẽ nhớ về cuốn sách. Trên iPad, việc highlight khá tiện, còn khi đọc sách giấy, nhiều bạn sẽ không muốn highlight để giữ sách luôn sạch đẹp như ban đầu.
Ngày xưa Mee cũng vậy, nhưng giờ đã khác rồi. Ngay cả khi đọc sách giấy, mình vẫn dùng bút để highlight những trích đoạn cần nhớ.
Với những nội dung khó, mình cũng ghi chép vắn tắt (kiểu chỉ viết nháp nhanh gọn thôi nè) vào Goodnotes hoặc Google Docs. Bởi nếu để đọc xong mới ghi lại, chắc chắn mình sẽ quên.
✤ Sau khi đọc xong mình tóm tắt nội dung, ghi và sắp xếp lại những nội dung cần nhớ (phần mình đã ghi chép vắn tắt ở trên) cùng những đoạn đã highlight trước đó. Nếu siêng thì viết thêm một vài review của bản thân về cuốn sách vừa đọc.
Mình không ghi chép những đoạn highlight trong thời gian đọc sách vì cảm thấy điều đó khá mất thời gian và có thể làm gián đoạn “flow” đọc sách của mình.
Hơn nữa sau khi đọc xong mới ghi chép những nội dung đã đánh đấu cũng là một cách hay ho để đọc lại ý chính, cũng như nhớ nội dung cuốn sách này lâu hơn.
✤ Nếu viết trên Notion hoặc Google Docs, mỗi cuốn sách sẽ là một file riêng và nằm trong một thư mục riêng về sách. Nói chung tiện sắp xếp và lưu trữ lắm nè, lúc nào cần cũng dễ dàng lôi ra coi lại. Đây cũng là lý do mình thích cách ghi chép hiện đại hơn là truyền thống đó.
Tương tự, trên iPad, mình cũng tạo một cuốn sổ riêng chỉ để phục vụ cho việc ghi chép liên quan tới sách. Goodnotes cũng giống như một cuốn sổ tay thôi, chỉ khác nó nằm trên iPad và dùng Apple Pencil (hoặc các loại bút tương tự) để viết.
LƯU Ý NHO NHỎ:
✤ Bạn hoàn toàn có thể vừa đọc sách, vừa ghi chú và sắp xếp các nội dung này đồng thời. Bởi ghi chép như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào thói quen lẫn sở thích của bạn. Ngoài ra, nếu đọc sách trên máy tính hoặc khi đọc những cuốn sách dài, mình thấy cách này cũng khá tiện.
✤ Khi tóm tắt nội dung hoặc thông tin từ cuốn sách, bạn nên viết theo cách của mình hiểu, chứ không nhất thiết phải copy-paste giống hệt đâu nhé.
✤ Nếu siêng, bạn hãy thử tìm hiểu về Sketchnote hoặc kết hợp với Bullet Journal để tạo ra những trang ghi chép xinh xắn và trực quan.
Sắp xếp và lưu trữ ghi chú sau khi đọc sách là rất quan trọng. Hãy có một hệ thống lưu trữ sách riêng (ví dụ, để tất cả ghi chú vào một nơi duy nhất) để dễ dàng truy cập khi cần.
Đó là cách Mee ghi chú khi đọc sách hiệu quả. Bạn thường ghi chú khi đọc sách như thế nào? Hãy chia sẻ cách của bạn với Mee và mọi người trong phần bình luận dưới đây nhé!