Mặc dù là GPU hàng đầu của NVIDIA vào năm 2013, khả năng chơi game của GTX Titan lại rất kém vào năm 2024.
Ra mắt vào năm 2023, NVIDIA GeForce GTX Titan là một trong những card đồ họa đầu bảng mạnh nhất thị trường vào thời điểm đó, kèm theo giá bán cũng thuộc mức cao ngất ngưởng, lên tới 1000 USD. Được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu của game thủ yêu cầu hiệu suất cao và các chuyên gia đồ họa chuyên nghiệp. GTX Titan có khả năng xử lý các tác vụ đồ họa phức tạp và chơi game ở độ phân giải cao, nhờ trang bị 2688 CUDA cores và 6 GB bộ nhớ GDDR5.
Tất nhiên, đó là vào thời điểm năm 2013. Còn ở thời điểm 2024, hơn 10 năm sau khi GTX Titan được ra mắt, liệu mẫu GPU này còn có thể chơi được các tựa game AAA mới nhất?
Để trả lời câu hỏi này, trang tin công nghệ PC Games Hardware Germany (PCGH) đã thực hiện một số thử nghiệm với GTX Titan. Bài đánh giá cho thấy, mặc dù là GPU hàng đầu của NVIDIA vào năm 2013, PCGH nhận thấy rằng GTX Titan là một GPU chơi game rất kém vào năm 2024.
Tiêu đề của một bài báo của The Verge vào 2013: 'Nvidia GeForce GTX Titan xuất hiện - GPU chơi game mạnh nhất thế giới có giá 999 USD'
Theo đó, vấn đề lớn nhất với GPU này là tuổi đời và thiếu các tính năng hiện đại. Chẳng hạn GTX Titan chỉ hỗ trợ chuẩn API DirectX 12 thông qua giả lập phần mềm, kém hiệu quả hơn so với khả năng hỗ trợ gốc từ phần cứng . Điều này là do DirectX 12 được ra mắt vào năm 2015 - hai năm sau khi GTX Titan lên kệ.
Kết quả, nhiều tựa game phổ biến hiện nay như Call of Duty, Guardians of the Galaxy, Forza Horizon 5, và nhiều tựa game khác thậm chí sẽ không khởi động trên GTX Titan do vấn đề tương thích. Cần lưu ý, tình trạng này cũng xảy ra với tất cả GPU thế hệ Kepler, khi nhiều tựa game không thể chạy được.
Đáng nói, trong số các tựa game có thể khởi chạy, tốc độ khung hình đạt được của GTX Titan lại kém mượt mà ở thiết lập đồ họa cao nhất với độ phân giải 1080p. Đây là một sự khác biệt lớn so với 11 năm trước, khi GTX Titan có thể chinh phục bất kỳ tựa game nào, kẻ cả ở độ phân giải 1440p.
Kết quả thử nghiệm của GTX Titan với một số tựa game AAA phổ biến
Chẳng hạn, Crysis Remastered chỉ đạt được 31 FPS trên GTX Titan, và The Riftbreaker, vốn không phải là một tựa game ngốn cấu hình, chỉ đạt được 33 FPS. Trong Cyberpunk 2077, GTX Titan chỉ đạt được 12,3 FPS. Những tựa game duy nhất PCGH thử nghiệm có thể đạt gần mốc 50 FPS là Diablo 4, Ghostwire Tokyo và Psychonauts 2. Phần lớn tựa game còn lại chỉ đạt khoảng 30 FPS hoặc thấp hơn nhiều.
Khi ép xung, câu chuyện trở nên khá khác biệt. Khi xung nhịp được đẩy lên 1.250 MHz, GTX Titan đã chứng kiến hiệu suất tăng tới 34%, cho phép GPU này đạt được mức khung hình có thể chơi được. Ví dụ, trong Control, GTX Titan chỉ đạt được 24,8 FPS ở chế độ mặc định, nhưng khi ép xung, nó có thể chạy ở mức 33 FPS - tức đủ mượt để chơi. Psychonauts 2 là trò chơi duy nhất trong bài thử nghiệm của PCGH đạt gần 60 FPS trên GTX Titan sau khi ép xung. Khi không ép xung, game chạy ở 46 FPS, nhưng sau khi ép xung, game chạy ở 59,8 FPS.
Kết quả thử nghiệm của GTX Titan với một số tựa game AAA phổ biến, sau khi xung nhịp được ép xung lên cao.
Khá thú vị, PC Games Hardware cũng đã đưa RX 6400 - mẫu GPU thuộc phân khúc phổ thông với mức giá 200 USD của AMD vào bài thử nghiệm của mình, nhằm xem liệu một GPU ra mắt vào 2022 chênh lệch thế nào với GPU tốt nhất của Nvidia từ năm 2013. RX 6400 không phải là một GPU có hiệu năng cực khủng, nhưng nó có tất cả các tính năng và mức độ tối ưu hóa mà chúng ta mong đợi.
Kết quả benchmark của GTX Titan và RX 6400
PCGH nhận thấy RX 6400 đánh bại GTX Titan trong 9 trong số 12 tựa game mà trang tin này đã thử nghiệm, với RX 6400 ở xung nhịp mặc định (do không hỗ trợ ép xung). Với phiên bản GTX Titan được ép xung, GTX Titan đã đảo ngược tình thế, đánh bại RX 6400 trong hầu hết các trò chơi được thử nghiệm.
Tuy 'già' nhưng vẫn còn đôi chút giá trị?
Dù từng có thời kỳ hoàng kim, card đồ họa GTX Titan rõ ràng không còn đủ sức cạnh tranh trong năm 2024 theo như thử nghiệm của PCGH. Nguyên nhân chính là nó thiếu các tính năng DirectX 12 và dừng được hỗ trợ cập nhật driver từ năm 2021. Tuy nhiên, nếu bạn đã sử dụng Titan trong suốt 11 năm qua, thì khoản đầu tư của bạn có lẽ đã xứng đáng (mặc dù giá ban đầu khá đắt).
Việc giảm cấu hình đồ họa để tăng tốc độ khung hình (FPS) thì ai cũng biết, nhưng GTX Titan vốn là một sản phẩm cao cấp, được sinh ra để mang đến trải nghiệm chơi game đỉnh cao. Vì vậy, PCGH đã thử nghiệm ở mức cao nhất (Ultra Setting) thay vì trung bình hay thấp.
Cũng cần nói thêm, mặc dù không còn mạnh mẽ như xưa, GTX Titan vẫn sở hữu những ưu điểm đáng kể: Chẳng hạn, dung lượng VRAM 'khủng' 6GB vào năm 2013 là con số khá lớn, khiến nhiều người hoài nghi liệu game nào có thể tận dụng hết dung lượng này. Đến nay, 6GB lại là mức VRAM tối thiểu cho thiết lập cao nhất. PCGH cho biết bộ nhớ đệm 6GB của Titan giúp nó chơi mượt một số game với một vài thiết lập đồ họa cao nhất. Nó cho phép bật được tối đa các tùy chọn như đổ bóng hay vân bề mặt (texture) mà không giật hình.
Khả năng ép xung đỉnh cao cũng là một ưu điểm khác của GTX Titan. Ra đời trong thời kỳ ép xung GPU đang rất phổ biến trong khi công nghệ tăng tốc GPU tự động mới chớm nở, khả năng ép xung giúp card mạnh hơn tới 30% của Titan thật ấn tượng so với GPU thời điểm hiện tại. Ngay cả card RTX 40-series mới nhất cũng chỉ tận dụng được thêm 10% hiệu suất (nếu có) khi ép xung.