Tên gọi 'hà mã' bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là 'ngựa nước' hoặc 'ngựa sông'. Tuy nhiên, hà mã không phải là loài ngựa. Loài động vật gần nhất với hà mã bao gồm lợn, cá heo và cá voi.
Hà mã (Hippopotamus amphibius) thường sống ở các hồ và sông chảy chậm ở châu Phi. Da của hà mã sẽ mất nước nếu tiếp xúc với ánh nắng mạnh, đặc biệt là tại châu Phi.
Do đó, chúng thường dành tới 18 giờ mỗi ngày trong nước, chỉ lên bờ để ăn cỏ vào ban đêm.

Mắt, tai và lỗ mũi của hà mã đều nằm ở đỉnh đầu. Điều này cho phép chúng nhìn, nghe và thở khi một phần lớn cơ thể chìm dưới nước.
Khi hoàn toàn lặn dưới nước, hà mã bịt lỗ mũi và tai lại. Tuy nhiên, mắt của chúng có thể mở nhờ một màng chức năng như kính bảo hộ, giúp bảo vệ mắt. Hà mã trưởng thành có thể giữ hơi trong nước được khoảng năm phút.
Hà mã làm sao để nín thở dưới nước trong thời gian dài?

Nhưng làm thế nào mà hà mã có thể nín thở được trong 5 phút dưới nước? Hà mã có khả năng 'tắt' phổi khi dưới nước nhưng vẫn giữ cho máu chứa oxy tuần hoàn. Điều này giải thích tại sao chúng không bất tỉnh như con người khi ở dưới nước lâu như vậy.
Tuy nhiên, chỉ có hà mã trưởng thành mới có thể nín thở trong 5 phút. Hà mã non không có dung tích phổi lớn như vậy và cần phải lên mặt nước thường xuyên hơn. Ví dụ, hà mã sơ sinh chỉ có thể nín thở được trong 30-40 giây.

Hà mã thường sinh con dưới nước, vì vậy hà mã con phải bắt đầu nín thở ngay từ khi mới sinh. Hà mã sơ sinh cũng bú dưới nước, sau đó nổi lên mặt nước để thở, và quy trình này lặp lại cho đến khi chúng no.
Nhiều động vật có vú sống dưới nước là những vận động viên bơi xuất sắc, nhưng hà mã không phải là một trong số đó. Thực tế, hà mã không biết bơi, thay vào đó chúng đi bộ, chạy và nhảy dưới nước. Xương của chúng được thiết kế đặc biệt, cho phép chúng tự chìm dưới nước mà không cần tốn nhiều năng lượng.

Hà mã không thể thở dưới nước do là động vật có vú. Chúng phải nổi lên mặt nước để thở, có thể tìm đến vùng nước nông hoặc đứng bằng hai chân sau ở vùng nước sâu hơn để hít thở không khí.
