Để sử dụng hệ điều hành MacOS của Apple, bạn chỉ có một cách là mua một trong số các máy tính Mac từ chính Apple. Nói rõ hơn, đó là cách 'chính thống' duy nhất.
Chiếc máy tính bạn thấy ở hình ảnh trên đang chạy MacOS, nhưng không phải là máy tính Mac. Đó là Hackintosh - một máy tính được lắp ráp từ nhiều linh kiện khác nhau với mục đích chạy MacOS trên phần cứng không phải của Apple.
Không cần mua máy Mac để trải nghiệm Apple, nếu bạn sẵn lòng tự lắp ráp một dàn máy tính.
Lý do để lắp ráp hoặc biến máy tính hiện có thành Hackintosh bắt nguồn từ những khía cạnh không được người dùng yêu thích khi mua máy Mac từ Apple: giá cao, khả năng tùy biến hạn chế, và không đáp ứng đầy đủ nhu cầu.
Dưới đây là một số lý do vì sao người ta tự lắp ráp Hackintosh thay vì mua máy Mac từ Apple:
Với một chiếc Hackintosh, bạn có thể trải nghiệm Apple với giá ít hơn nhiều so với một chiếc Mac đắt tiền.
YouTuber Snazzy Labs đã lắp ráp một dàn Hackintosh chỉ với giá 350 USD (tương đương hơn 8 triệu VNĐ) nhưng vẫn đạt hiệu năng tương đương với các dòng máy hiện tại của Apple - tính đến tháng 1/2018.
Lắp ráp một dàn Hackintosh cũng giúp bạn chạy các ứng dụng chỉ dành cho Mac, như Final Cut Pro X, mà không cần phải bỏ ra số tiền lớn để mua máy tính Apple tại các cửa hàng bán lẻ.
Về mặt pháp lý và đạo đức, việc lắp ráp một dàn Hackintosh như đứng giữa ranh giới thiện - ác.
Để lắp ráp một dàn Hackintosh, bạn cần có một bản sao của hệ điều hành MacOS để cài đặt, vì nếu không có MacOS thì không thể gọi là Hackintosh. Vấn đề ở đây là cách duy nhất và hợp pháp để có bản sao MacOS là mua một chiếc Mac có sẵn nó.
Hầu hết các hướng dẫn lắp ráp Hackintosh trên Internet đều khuyên bạn nên sử dụng máy Mac bạn đã có, và sao chép hệ điều hành từ đó. Nhưng thật lòng mà nói, điều này không phải là mong muốn của Apple khi phát triển MacOS, và làm vậy có thể vi phạm các điều khoản mà bạn đã đồng ý khi mua máy Mac.
Đến thời điểm này, Apple vẫn chưa áp đặt bất kỳ hình phạt nào đối với cộng đồng Hackintosh và vẫn để họ phát triển như không có gì xảy ra. Hoặc ít nhất là họ chưa muốn làm gì cả.
YouTuber Marques Brownlee đã lắp ráp một dàn Hackintosh vào năm 2013 vì Apple không có một mẫu máy nào đáp ứng được nhu cầu của anh vào thời điểm đó.
Apple không sản xuất các máy tính đáp ứng được mọi nhu cầu người dùng.
Ví dụ, MacBook Pro 2016 là một trường hợp. Nhiều người mua vì muốn một laptop Apple với màn hình 15-inch. Nhưng máy duy nhất có kích cỡ đó lại có chip đồ họa rời - một linh kiện không phải ai cũng cần. Tuy nhiên, vì muốn màn hình lớn, người ta phải chi tiền cho thứ phần cứng đắt tiền đó.
Điều này đúng với tất cả các dòng máy tính Mac của Apple.
Apple không luôn cung cấp máy tính với cấu hình bạn cần. Hoặc nếu có, có thể còn có các thành phần không cần thiết. Ví dụ, iMac Pro mới nhất của Apple có màn hình 5K - một linh kiện chiếm phần lớn trong mức giá 5.000 USD của máy này. Nếu bạn muốn cỗ máy nhưng không cần màn hình, bạn không có lựa chọn ngoại trừ... tự lắp ráp một dàn Hackintosh.
Đây là một phần của lý do tại sao YouTuber nổi tiếng về công nghệ Marques Brownlee đã tự lắp cho mình một dàn Hackintosh gần đây.
Sửa dàn Hackintosh dễ dàng và tiết kiệm hơn nhiều so với việc sửa máy Mac tại Apple.
Nếu bạn đã có khả năng lắp ráp một dàn Hackintosh, bạn cũng có thể tự tháo rời và thay thế các linh kiện hỏng mà không cần mang máy đến cửa hàng sửa chữa. Linh kiện cho dàn Hackintosh thường có sẵn trên các trang mua sắm trực tuyến như Amazon và Newegg, hoặc các cửa hàng máy tính.
Với các máy Mac của Apple, việc thay thế linh kiện là rất khó vì chúng được sản xuất độc quyền. Để sửa máy Mac, bạn cần phải đến Apple Store hoặc các cửa hàng sửa chữa được ủy quyền bởi Apple.
YouTuber Peter Paul Chato đã gặp sự cố với bộ nguồn của chiếc Hackintosh của mình và có thể dễ dàng thay thế nó. Trong video, Chato nói 'Tôi có thể tháo cái đó ra, đến cửa hàng Canada Computer, mua một bộ nguồn mới, gắn vào, và máy có thể sử dụng lại trong vòng 2 giờ'. Ông nói tiếp 'Điều này không bao giờ xảy ra với bất kỳ chiếc Mac nào tôi từng sở hữu. Tôi phải mang máy đến Apple Store và chờ từ 3 ngày đến 1 tuần'.
Điểm yếu của Hackintosh tự ráp là bạn không có hỗ trợ kỹ thuật chính thức. Bạn phải tự chịu trách nhiệm.
Nếu bạn không hài lòng với thiết kế của Apple hoặc đơn giản là không thích nó, bạn có thể tùy chỉnh vẻ ngoài của máy tính Hackintosh theo ý muốn - bạn cũng có thể sử dụng máy tính có sẵn.
Bạn có thể cài đặt macOS lên nhiều laptop và desktop không phải của Apple; hoặc nếu bạn có kiến thức chuyên sâu, bạn có thể tự tìm các linh kiện tương thích nhất để tự ráp một chiếc desktop chạy Hackintosh.
Ngoài việc chọn thùng máy, bạn cũng có thể sáng tạo với vẻ ngoài của Hackintosh của mình. Một số người sử dụng thùng máy có cửa sổ bên hông, cho phép nhìn thấy mọi linh kiện bên trong. Một số sử dụng nhiều linh kiện RGB có thể phát sáng với nhiều màu sắc và nhấp nháy theo nhịp điệu khác nhau.
Đối với laptop, bạn có thể mua các laptop đơn giản chỉ với các thành phần chính như CPU, trong khi ổ cứng và RAM có thể tùy chỉnh.
Dưới đây là một ví dụ về một chiếc Hackintosh tự ráp, sử dụng vi xử lý Ryzen của AMD, được YouTuber Dom Esposito thực hiện:
Có vẻ thú vị phải không? Nhưng có điều bạn cần nhớ: việc lắp ráp một dàn máy Hackintosh là một quá trình công phu.
Dù không phải là không thể, nhưng cũng không dễ dàng. Lắp ráp một dàn máy Hackintosh yêu cầu bạn phải điều chỉnh nhiều thiết lập mà đa số người không quen thuộc, như các thiết lập trong BIOS. Bạn cũng cần sử dụng một số công cụ chuyên dụng được giới chuyên gia Hackintosh tạo ra để cài đặt macOS trên Hackintosh.
Tất nhiên, nếu bạn có đam mê, không có gì có thể cản trở. Có rất nhiều tài liệu trên Internet, hãy nghiên cứu đi!
Một vấn đề khác: việc chọn lựa linh kiện để lắp ráp Hackintosh vẫn khá hạn chế.
Trước khi mua linh kiện để lắp ráp Hackintosh, nên tham khảo xem món linh kiện nào đã được xác nhận là tương thích. Cộng đồng Hackintosh đã tổ chức khá nhiều danh sách các linh kiện tương thích, từ tương thích ít đến tương thích tốt, bạn nên tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra lựa chọn.
Tham khảo: BusinessInsider