Nhiều khán giả yêu thích phim Hoa Ngữ phải 'rơi nước mắt cười nước mắt' khi thấy các kênh truyền hình Nhật Bản đặt tên cho các tác phẩm nổi tiếng.
Trong những năm gần đây, các bộ phim Hoa Ngữ thường được các kênh truyền hình Nhật Bản mua bản quyền phát sóng
Nhằm thu hút khán giả, các kênh truyền hình ở đất nước mặt trời mọc đã thay đổi tên phim phù hợp với sở thích của người xem. Điều này dẫn đến nhiều tình huống lạ khi các tên phim Hoa Ngữ ở Nhật Bản thường dài và khá 'sến'.
Đáng chú ý là các kênh truyền hình Nhật Bản có một sự yêu thích đặc biệt dành cho Cô bé Lọ Lem. Hình ảnh nhân vật cổ tích nổi tiếng này thường được ưa chuộng khi đặt tên cho phim.
1. Yêu em từ cái nhìn đầu tiên
Yêu em từ cái nhìn đầu tiên là bộ phim từng gây sốt trên màn ảnh Hoa Ngữ. Sau khi mua bản quyền phát sóng, kênh truyền hình Nhật Bản đã quyết định đổi tên thành Lọ Lem trên mạng. Nhiều người cho rằng cái tên này được thay đổi dựa trên góc nhìn của nữ chính Bối Vi Vi do Trình Sảng đóng chính.
2. Sam Sam đến rồi
Trước khi phát sóng ở Nhật, Sam Sam đến rồi đã được nhiều quốc gia mua bản quyền. Ở Thái Lan và Việt Nam, bộ phim lần lượt được đổi tên thành Boss và Tôi hay Bữa trưa tình yêu. Thế nhưng, tựa đề gây ấn tượng nhất vẫn đến từ Nhật Bản với cái tên Lọ Lem 12 giờ trưa.
3. Lý Huệ Trân xinh đẹp
Lý Huệ Trân xinh đẹp là phiên bản làm lại từ bộ phim She was pretty của Hàn Quốc. Kênh truyền hình Nhật Bản vẫn trung thành với hình tượng nhân vật Lọ Lem khi đổi tên bộ phim thành Cinderella phản công.
4. Kết ái mối tình của đại nhân thiên tuế
Kết ái mối tình của đại nhân thiên tuế là bộ phim kể về chuyện tình nhiều kiếp giữa hai nhân vật chính. Tác phẩm cũng trở thành nạn nhân tiếp theo của niềm yêu thích Lọ Lem từ các đài truyền hình Nhật Bản. Với nội dung về chuyện tình nghìn năm, đài truyền hình xứ phù tang đã đặt luôn cái tên Cinderella ngàn năm cho bộ phim.
5. Người phiên dịch
Người phiên dịch là bằng chứng tiêu biểu nhất cho thói quen đặt tên dài dòng của các đài Nhật Bản. Với ba chữ ngắn gọn ban đầu, bộ phim đã được thay đổi thành Thầy phiên dịch đáng ghét của tôi - Tình yêu này sẽ dùng giọng nói truyền đạt đến anh. Tuy nhiên, khán giả quốc tế không thể phủ nhận cái tên mới này thật sự tạo nên cảm giác về những bộ phim Nhật Bản. Đây cũng là phong cách điển hình của các tác phẩm xứ mặt trời mọc.
6. Bộ bộ kinh tâm
Bộ bộ kinh tâm là bộ phim chuyển thể ngôn tình kinh điển của màn ảnh Hoa Ngữ. Đài truyền hình Nhật Bản đã quyết định mang tên nữ chính Nhược Hi vào tựa đề bộ phim. Tuy nhiên, nhà đài vẫn cố tình đưa màu sắc tâm linh được khán giả ưa chuộng vào ở vế sau bằng cái tên Nữ quan cung đình Nhược Hi - Tình yêu luân hồi.
7. Diên Hi công lược
Diên Hi công lược là bộ phim 'đại bạo' giúp diễn viên không tên tuổi Ngô Cẩn Ngôn một bước thành danh trong những năm gần đây. Với nội dung xoay quanh hành trình trả thù và từng bước leo lên ngôi vị đứng đầu hậu cung của Nguỵ Anh Lạc, bộ phim được đặt cho cái tên đầy ấn tượng Vương phi phản công đốt cháy Tử Cấm Thành.
8. Chân Hoàn truyện
Chân Hoàn truyện là bộ phim cung đấu kinh điển của màn ảnh Hoa Ngữ. Bộ phim kể về hành trình nữ chính Chân Hoàn từ một cô gái ngây thơ trở thành người đàn bà quyền lực nhất hậu cung. Có lẽ nội dung mưu mô đấu đá kịch tính giữa các phi tần là nguyên nhân khiến nhà đài Nhật Bản lấy cái tên Nữ tranh bá cung đình đặt cho Chân Hoàn truyện.
9. Cổ kiếm kỳ đàm
Cổ kiếm kỳ đàm là bộ phim hiếm hoi được Nhật Bản giữ nguyên một phần tên gốc. Tuy nhiên, nhà đài nước này vẫn cố tình đặt thêm Tình yêu lâu dài vào vế sau để thu hút các khán giả nữ. Cuối cùng, bộ phim tiên hiệp gây bão một thời được phát sóng ở Nhật Bản với cái tên Cổ kiếm kỳ đàm - Tình yêu lâu dài.
10. Lang Nha Bảng
Với nội dung đấu đá quyền lực khốc liệt, nhà đài Nhật Bản cho rằng ba chữ Lang Nha Bảng vẫn chưa thể hiện được nội dung của bộ phim. Chính vì vậy, cái tên nguyên bản ban đầu đã được bổ sung thêm một vế sau Lang Nha Bảng - Kỳ lân tài tử khởi phong vân.
11. Hương mật tựa khói sương
Hương mật tựa khói sương là bộ phim Hoa Ngữ nổi tiếng được Nhật Bản mua bản quyền phát sóng trong thời gian gần đây. Khán giả suy đoán nhà đài không thể nào phiên dịch tên gốc sang tiếng Nhật nên đổi tên thành Sương Hoa công chúa. Cái tên mới này được cho rằng rất phù hợp với thị hiếu xem phim của người Nhật Bản.