Tại sao chúng ta lại chỉ biết ngưỡng mộ người khác và than vãn về số phận, mà quên rằng chính mình có thể tạo ra hạnh phúc cho bản thân?
Nguyên nhân khiến nhiều người không cảm thấy hạnh phúc là vì họ luôn cố gắng trở thành người khác thay vì là chính mình.
Có một câu chuyện ngụ ngôn như thế này: Heo ước mình có thêm một cuộc đời để trở thành con bò, mặc dù công việc có thể vất vả nhưng được yêu mến và danh tiếng tốt. Bò thì ước mình trở thành heo, sống cuộc sống an nhàn, không phải làm việc vất vả. Chim ưng thì muốn được làm gà, có đầy đủ thức ăn và sự bảo vệ. Còn gà lại mơ ước được thành chim ưng, tự do bay lượn và khám phá thế giới.
Những điều ước của các con vật trong câu chuyện ngụ ngôn phản ánh tâm lý của chúng ta: ít ai hài lòng với chính mình và thường ngưỡng mộ cuộc sống của người khác. Chúng ta thường ghen tị với công việc của người khác, con cái thành công của người khác, hoặc tài sản của người khác. Ngày hôm nay thấy người khác mua nhà mới, chúng ta oán trách chồng; ngày mai thấy gia đình khác hạnh phúc, chúng ta cảm thấy mình không may. Chúng ta quên rằng chính mình cũng có thể là đối tượng mà người khác ngưỡng mộ.
Có thể bạn không biết rằng người khác ngưỡng mộ bạn vì tài năng, cuộc sống thanh bình hoặc con cái ngoan ngoãn của bạn. Ngược lại, người mà bạn ngưỡng mộ có thể đang phải chịu đựng áp lực, khó khăn trong cuộc sống mà bạn không thể thấy.
Ai có thể thực sự nhìn thấu những nỗi đau và khó khăn ẩn sau vẻ ngoài hào nhoáng của người khác?
Gần đây, một người bạn cũ gọi cho tôi và kể về một người bạn khác có cuộc sống lý tưởng: kết hôn với mối tình đầu, có một gia đình hạnh phúc và chồng luôn quan tâm. Thế nhưng, sau 20 năm hôn nhân, người chồng lại có con riêng và hiện tại họ đang làm thủ tục ly hôn. Thật không ngờ rằng câu chuyện lại kết thúc như vậy!
Khi chúng ta nhìn vào cuộc sống của người khác, thường chỉ thấy được vẻ bề ngoài, vì vậy dễ có cảm giác rằng họ hạnh phúc hơn mình. Tuy nhiên, người khác cũng chỉ thấy lớp vỏ bên ngoài của bạn, họ không biết gì về thế giới nội tâm của bạn, nên khi bạn chỉ mỉm cười cho có, họ cũng chẳng hay biết.
Trước đây, tôi luôn ngưỡng mộ các đồng nghiệp thường xuyên đi công tác nước ngoài, tưởng họ không cần chi tiền mà vẫn được du lịch khắp nơi. Nhưng khi chính mình trải nghiệm, tôi mới nhận ra sự thật không hề như vậy: việc ngồi máy bay đường dài không chỉ làm bạn ăn không ngon, ngủ không yên, còn có cảm giác đắng miệng và khô lưỡi, cộng với lưng đau và gối mỏi. Sau khi trở về còn phải viết báo cáo, quả thật rất mệt mỏi.
Vì vậy, đừng chỉ nhìn vào vẻ ngoài của sự việc; mọi người thường chỉ khoe những gì tốt đẹp của mình mà giấu đi những khía cạnh tiêu cực. Thực tế, rất ít người thực sự thấy được những khó khăn và thử thách ẩn sau ánh hào quang của người khác.
Mỗi người có những nỗi lo riêng, còn bạn có những khoảnh khắc hạnh phúc của mình.
Hạnh phúc như việc uống nước, chỉ bạn mới biết nó ấm hay lạnh. Bạn không sống cuộc đời của tôi, làm sao bạn biết được niềm vui hay nỗi buồn mà tôi đang trải qua?
Khi bạn ngưỡng mộ thành tích học tập của bạn bè, có biết họ đã phải nỗ lực không ngừng, ngày đêm chăm chỉ như thế nào không? Bạn say mê vẻ đẹp của một ngôi sao, nhưng có biết cô ấy phải tính toán từng centimet, ăn kiêng khắt khe và có khi chỉ ăn một bữa mỗi ngày?
Bạn ngưỡng mộ ai đó vì họ có nhiều thành công, nhưng liệu bạn có biết họ phải gánh vác bao nhiêu trách nhiệm và mối nguy hiểm lớn hơn nhiều so với người khác không?
Bạn ngưỡng mộ người có thể tự do đi khắp nơi mà không bị ràng buộc. Nhưng bạn có biết rằng họ cũng phải đối mặt với sự bất ổn trong công việc và chi phí đi lại có thể làm giảm túi tiền của họ không?
Mỗi tình huống đều có hai mặt như đồng xu hay huy chương, vừa có mặt phải vừa có mặt trái. Khi ta ngưỡng mộ người khác, thường là không thấy được những đau khổ và khó khăn mà họ giấu kín.
Không ai trong cuộc sống là hoàn hảo, nên đừng ngưỡng mộ người khác quá mức. Nhận thức rằng mỗi người có phiền muộn riêng và bạn có hạnh phúc riêng của mình. Hạnh phúc của người khác không ảnh hưởng đến bạn. Nếu bạn hiểu rõ nhu cầu của mình, bạn sẽ không cần phải so sánh với hạnh phúc của người khác; nếu bạn không biết mình cần gì, thì dù có đạt được hạnh phúc, bạn vẫn cảm thấy thiếu thốn.
Hãy tưởng tượng nếu Trương Tam chỉ ngưỡng mộ sự nghiệp của Lý Tứ, trong khi Lý Tứ lại thèm muốn gia đình của Trương Tam, vậy làm sao họ có thể cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ?
Làm thế nào để vượt qua cảm giác đố kỵ và ngưỡng mộ?
Trước tiên, hãy biến những gì bạn ngưỡng mộ thành động lực để tự thúc đẩy bản thân. Đối với những người thành công, hãy học hỏi và cải thiện bản thân qua cách nhìn nhận và thái độ tích cực. Khen ngợi và công nhận những người giỏi hơn bạn mà không cần so sánh hay ganh đua với họ. Quan hệ tốt với những người này có thể giúp bạn học hỏi nhiều điều bổ ích.
Thứ hai, hãy hỏi người khác: “Bạn có cảm thấy hạnh phúc không?” Không có gì trên đời là hoàn hảo, những người mà chúng ta ngưỡng mộ cũng có những khó khăn và nỗi khổ riêng. Mỗi người đều có những thử thách và hoàn cảnh khác nhau, không ai là không gặp khó khăn cần phải vượt qua.
Thứ ba, hãy tự hỏi mình: “Tại sao tôi lại cảm thấy ghen tỵ với họ?” Dù bạn có ghen tỵ với ai đi chăng nữa, thì sự đố kỵ đó có giúp ích gì không? Cảm giác ghen tỵ chỉ làm bạn thêm buồn phiền mà không thay đổi được điều gì.
Cuối cùng, hãy đặt câu hỏi cho chính mình: “Tại sao tôi ngưỡng mộ họ?” Mối quan hệ giữa người với người thường là sự ngưỡng mộ lẫn nhau. Tuy nhiên, giá của việc ngưỡng mộ người khác chính là bỏ quên chính mình. Tại sao không tự mình trở thành người mà người khác ngưỡng mộ?
Vì vậy, thay vì ngưỡng mộ người khác, hãy tập trung vào việc hoàn thiện bản thân mình.
ST.
ST.