Tôi có một người bạn, ngày xưa nó rất sợ ở nhà một mình.
Người bạn ấy, khi bố mẹ đi vắng quá một tiếng là nó cảm thấy như đang ngồi trên đống lửa. Hồi nhỏ, có lẽ khoảng lúc bảy tuổi, có một lần nó gọi cho mẹ mấy cuộc liền nhưng bấm nhầm số nên chẳng ai nghe, khiến nó càng hoảng và suy diễn ra đủ thứ. Một lần khác nó khóc sưng cả mắt suốt buổi khi tỉnh dậy mà trong nhà không có bóng người.
Đến đây chắc bạn cũng hình dung tôi đang nói về ai rồi nhỉ? Không có nhân vật “người bạn” nào ở đây cả.
Những câu chuyện trên đều là của tôi khi còn 7 tuổi. Thật xa xôi và ngây thơ! Tôi cười cho đến khi nhận ra tuổi 17 cũng không khác mấy, chỉ khác một chút là không khóc ra tiếng.
Khi lớn lên, tôi bình tâm hơn nhưng nỗi sợ vẫn còn đọng lại. Tôi bắt đầu thấy thích cảm giác một mình, vì đó là trạng thái ổn định - không ai đến và không ai đi nên tôi cũng không bị tổn thương. Mặt khác, tôi vẫn khao khát sự gần gũi kẻo sẽ bị sự cô đơn đốt cháy.
Trong mọi mối quan hệ, ta cần suy nghĩ kỹ trước khi mở lòng vì lo sợ người kia cũng sẽ rời đi như người trước. Sợ bị bỏ rơi trong đám đông, và khi ai đó rời bỏ - cả trên mạng và ngoài đời - thì ta mang vết thương không lành mãi. Dù vẫn “ở nhà một mình” nhưng ngôi nhà trong tâm hồn đã mở rộng ra cả cuộc sống. Ta cảm thấy số phận của mình là đơn độc.
Người bạn đó tên là Đứa Trẻ Bên Trong Tâm Hồn Tôi. Đã lâu tôi không biết cách trò chuyện với nó.