Với lòng tin rằng mỗi hành động bé nhỏ cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) trong suốt 10 năm vừa qua đã từng bước biến ước mơ xây dựng xã hội tốt đẹp, cân bằng hơn thành hiện thực thông qua dự án “Mang ấm áp đến vùng cao”.
Dự án từ thiện thường niên “Mang ấm áp đến vùng cao” do CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) quyết tâm khởi đầu vào thời kỳ 2012 - 2013, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán đều gặp phải nhiều khó khăn. Trong những thách thức đó, công ty vẫn kiên định với mục tiêu sẻ chia, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân vùng cao.
Xuất phát từ nguồn tài trợ nhỏ bé đến từ hoạt động quyên góp tiền mặt và hiện vật (quần áo, sách vở, chăn màn, v.v...) từ các nhân viên trong công ty, với trách nhiệm và niềm tin vào việc làm thay đổi cuộc sống của người dân vùng cao, công ty đã tổ chức thành công chuyến đi đầu tiên đến xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Đây cũng là chuyến đi đánh dấu sự ra đời của dự án “Mang ấm áp đến vùng cao”, hoạt động liên tục trong suốt 10 năm của CTCP Chứng khoán Bảo Việt.
Sau thành công của chuyến đi đầu tiên, Ban Chấp hành Công đoàn và Ban Lãnh đạo Công ty đã quyết định triển khai dự án “Mang ấm áp đến vùng cao” một cách chuyên nghiệp cả về phương thức, quy mô và đề ra hai mục tiêu lớn, bao gồm:
Một là, hỗ trợ và giúp đỡ nâng cao chất lượng cuộc sống và điều kiện sinh hoạt của nhân dân tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đặc biệt của các tỉnh miền núi nước ta, nơi có nhiều hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, những người kém may mắn trong cuộc sống.
Hai là, bảo vệ và tạo điều kiện giúp đỡ các em nhỏ dân tộc thiểu số, mồ côi, có hoàn cảnh gia đình khó khăn tại các vùng sâu, vùng xa để có cơ hội đến trường và thực hiện những ước mơ của mình.
Cùng với sự phát triển của công ty, dự án 'Mang ấm áp đến vùng cao' ngày càng thực hiện nhiều hoạt động thiết thực và đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương. Các hoạt động tiêu biểu bao gồm việc tặng quà lương thực, đồ dùng thiết yếu như quần áo, chăn màn, sách vở cho bà con dân tộc, tặng học bổng khuyến học cho các em nhỏ mồ côi, gia đình khó khăn, tài trợ xây trường lớp, đường xá, cùng việc cung cấp thuốc miễn phí và khám chữa bệnh cho bà con nhân dân...
Mỗi năm, Ban Chấp hành Công đoàn sẽ lên kế hoạch, chọn địa điểm, kêu gọi và nhận các nguồn tài trợ, chuẩn bị hậu cần, tiền trạm, làm việc với chính quyền địa phương trong khoảng 4 - 6 tháng. Địa điểm triển khai được chọn và đánh giá dựa trên mức độ khó khăn của địa phương, nhu cầu cần hỗ trợ phù hợp với năng lực của BTC và tính cấp thiết…
Tổng ngân sách kêu gọi hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, CBNV Công ty trung bình mỗi năm khoảng 300 - 500 triệu đồng, bao gồm cả tiền mặt và hiện vật như chăn màn, quần áo, sách vở, vật liệu xây dựng, trang thiết bị, máy móc cần thiết... Đồng thời, toàn bộ chi phí sinh hoạt, ăn uống, di chuyển của Đoàn công tác do các thành viên tự chi trả (không bao gồm trong chi phí của dự án).
Sau 10 năm thực hiện, dự án 'Mang ấm áp đến vùng cao' đã thu về những con số “lãi” là niềm hạnh phúc của cộng đồng: 6.900 người được phát thuốc miễn phí, 5.263 người được khám chữa bệnh, hơn 4.200 lượt quà tặng và 130 suất học bổng trao tặng cho các em học sinh và gia đình nghèo, xây dựng 1 căn nhà tình nghĩa và 3 công trình nhân sinh, trao tặng 6 bếp ăn tại các trường...
Tiếp tục thực hiện, BVSC sẽ hợp tác với Tập đoàn Bảo Việt để tận dụng mạng lưới các đơn vị thành viên, chi nhánh, VPĐD trong hệ thống, cùng với mạng lưới khách hàng là các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp đối tác để tăng cường công tác truyền thông về dự án và thu hút thêm nguồn tài trợ, nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để mở rộng quy mô, nhân rộng phạm vi chương trình, từ đó hỗ trợ thêm nhiều địa phương và hoàn cảnh khó khăn trên toàn quốc.
BVSC cũng sẽ nâng cao hợp tác với các bệnh viện lớn như Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TW, cùng với các tổ chức đoàn thể, tình nguyện như Thành Đoàn, Hội Chữ thập đỏ... để mở rộng phạm vi chương trình, tiếp cận nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, việc trao đổi, học hỏi các kinh nghiệm trong quản lý, triển khai các dự án xã hội từ các đơn vị thành viên trong hệ thống sẽ giúp nâng cao chuyên môn tổ chức, tiết kiệm chi phí và tăng cường hiệu quả của các Dự án trong tương lai.