Hội chứng Stockholm được đặt theo tên một sự kiện có thật.
Vụ cướp tại Stockholm
Vào ngày 23 tháng 8 năm 1973, hai tên tội phạm với súng máy xông vào một ngân hàng ở Stockholm, Thụy Điển. Tên tù vượt ngục Jan-Erik Olsson vừa xả súng khủng bố các nhân viên ngân hàng và hét lên 'cuộc vui chỉ vừa bắt đầu thôi!'. Hai tên cướp bắt giữ 4 con tin, 3 phụ nữ và 1 người đàn ông, trong 131 giờ. Những con tin bị gắn thuốc nổ và giam trong một kho đựng tiền cho đến khi được giải cứu vào ngày 28 tháng 8.
Sau cuộc giải cứu, các con tin cho biết mình bị sốc khi bị đe dọa, bạo hành và lo âu cho tính mạng của mình trong 5 ngày bị giam cầm. Trong các cuộc phỏng vấn với các hãng truyền thông, lại cho thấy rằng rõ ràng họ ủng hộ những kẻ bắt giam họ và lo sợ khi các nhân viên thực thi pháp luật đến giải cứu. Những con tin này đã bắt đầu cảm thấy những kẻ giam giữ kia thực ra đang bảo vệ họ khỏi cảnh sát. Một người phụ nữ trong số đó còn đính hôn với một trong hai kẻ tội phạm, và gom góp một quỹ bảo vệ pháp lý để hỗ trợ chi phí thuê luật sư hình sự cho các tên cướp đó. Rõ ràng, các con tin đã hình thành một mối cảm xúc 'ràng buộc' với những kẻ giam giữ họ.
Điều kiện tâm lý trong những tình huống con tin biểu hiện công khai tình cảm 'ràng buộc' với những kẻ giam giữ được đặt tên là 'hội chứng Stockholm – Stockholm Syndrome', và trở thành một hiện tượng nổi tiếng trong lĩnh vực tâm lý học. Tuy nhiên, nó đã được ghi nhận từ nhiều năm trước và xuất hiện trong nhiều trường hợp khác nhau như bắt giữ con tin, tù nhân và bạo hành.
Nguồn gốc của hiện tượng này về 'con tin' được giải thích rất chi tiết và cụ thể, tuy nhiên có thể tóm gọn lại một số ý như: nhận ra các mối đe dọa về thể chất - tâm lý để sống sót, cảm nhận những 'hành động nhỏ từ tâm', sự khác biệt với quan điểm của người khác so với quan điểm của kẻ bạo hành, nhận ra không thể trốn thoát...
Pokemon thực sự mắc hiện tượng Stockholm dạng 'nặng'
Giả thuyết này đã được rất nhiều fan của Pokemon đưa ra từ trước. Thế giới Pokemon luôn được mô tả là vô cùng tươi đẹp, nơi con người và Pokemon cùng sống, chiến đấu, phiêu lưu. Tuy nhiên cần nhớ rằng Pokemon ban đầu sống trong tự nhiên hoang dã, tồn tại và phát triển theo bản năng tự nhiên của chúng. Dĩ nhiên, cũng có vài phần tử xấu như đội Hoả Tiễn, team Plasma... nhưng tổng thể vẫn là thanh bình và tươi đẹp.
Sau đó, các nhà khoa học và huấn luyện viên Pokemon xuất hiện, bắt chúng, tách khỏi môi trường tự nhiên, ép sống dưới áp lực và đối đầu với các đồng loại để... kiếm lợi cho con người. Nhưng chúng vẫn trung thành và hy sinh tất cả vì con người. Có lẽ chúng đã mắc phải 'hiện tượng Stockholm'?
Một trong những giả thuyết để giải thích sự tồn tại của Hiện tượng Stockholm là: Sự đồng cảm của nạn nhân với kẻ hành hạ là cách mà nạn nhân phản ứng với nỗi đau mà họ đang trải qua. Bằng cách đồng hóa bản thân với kẻ hành hạ, bản ngã của nạn nhân được bảo vệ. Lúc đó, nạn nhân chia sẻ những suy nghĩ, thái độ và giá trị với kẻ hành hạ, 'quên mất' rằng mình đang bị đe dọa. Theo cách này, Pokemon - khi nhìn từ góc độ nhân đạo thật sự là đáng lo ngại.
Cần nhớ rằng sau khi trải qua quá trình (có thể gọi là) bắt giữ đó, Pokemon cũng được yêu thương, được dành tình cảm và tìm được những người bạn thực sự, cùng chia sẻ niềm vui và nỗi buồn. Phần này hoàn toàn khác với ý định bắt cóc thông thường vì lợi ích ở đây được chia đều cho cả hai bên và cả hai đều hài lòng với những gì họ có.
Hơn nữa, khi xem xét về thời gian, Pokemon và con người đã có một mối liên kết lâu dài hơn, trải qua nhiều sự kiện và từ đó tạo ra một sự gắn bó mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, những vụ bắt cóc thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và giới hạn trong không gian hẹp. Thời gian có thể là bí quyết kỳ diệu để xóa bỏ mọi tổn thương và mang lại những trải nghiệm mới, mối quan hệ mới với Pokemon.
Dù nói rằng Pokemon bị hội chứng Stockholm không hoàn toàn sai, nhưng điều chắc chắn là hội chứng này đã mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn cho thế giới của Pokemon.