Trong quá trình ôn thi IELTS, chắc hẳn nhiều người từng có giai đoạn học tập rất chăm chỉ nhưng không có nhiều tiến triển. Điều này khiến cho việc học trở nên chán nản và mệt mỏi. Bài viết này đi vào phân tích nguyên nhân của hiện tượng Learning Plateau – trạng thái bình nguyên – và đưa ra phương pháp để vượt qua band 6.5 IELTS một cách hiệu quả.
Band điểm phổ biến nhất với các ứng viên thi IELTS Academic là bao nhiêu?
Dữ liệu số liệu
Dưới đây là bảng số liệu thống kê phân bố điểm bài thi IELTS Academic của các thí sinh dự thi trên toàn thế giới năm 2019, chia theo ngôn ngữ thứ nhất (first language) của thí sinh. Thông tin được cung cấp trên trang web chính thức của kỳ thi IELTS.
Chú thích bảng số liệu:
Cột đầu tiên là danh sách ngôn ngữ thứ nhất (first language) của các thí sinh dự thi.
Các cột tiếp theo là các mức (band) điểm và tỉ lệ mà các thí sinh trong cùng một nhóm ngôn ngữ thứ nhất đạt được mức điểm đó.
Lưu ý: ngôn ngữ thứ nhất được khai báo bởi thí sinh dự thi.
Phân tích dữ liệu
Nhìn chung, các nhóm thí sinh dù có ngôn ngữ thứ nhất khác nhau, tuy nhiên mức điểm phổ biến nhất (hay có tỷ lệ thí sinh đạt được cao nhất) trong mỗi nhóm phần lớn đều là 6.0 hoặc 6.5 (chiếm khoảng 20% – 30% tổng thí sinh).
Các nhóm khác (chiếm phần nhỏ hơn) cũng có mức điểm phổ biến nhất sát với mức điểm trên, là 5.5 hoặc 7.
Kết luận: Như vậy, đại bộ phận thí sinh thi IELTS vào năm 2019 thuộc trình độ B2 theo hệ ngôn ngữ CEFR – tức Upper-Intermediate (trình độ trên trung cấp).
Ngoài ra, trang chủ IELTS hay các đơn vị có thẩm quyền không cung cấp số liệu của các năm trước, do vậy số liệu và các nhận xét trên chỉ đúng cho năm 2019 và không thể kết luận các năm còn lại.
Tình trạng thực tế
Trên thực tế, có một bộ phận không nhỏ thí sinh có ý kiến về quá trình ôn tập thi IELTS như sau:
Nhiều thí sinh đi thi nhiều lần nhưng điểm không có cải thiện đáng kể và mắc kẹt ở mức 6.5 – 7.
Nhiều thí sinh thắc mắc rằng vì sao luyện viết, làm rất nhiều đề nhưng điểm số không cải thiện, hoặc thậm chí điểm số còn đi xuống.
Một số khác nói rằng sau khi vượt qua khỏi giai đoạn “học mãi nhưng không tiến bộ” đó thì tiến bộ rất nhanh và đạt được điểm số cao không quá khó khăn (≥ 7.5).
Giai đoạn chậm tiến bộ này không chỉ riêng cho mỗi IELTS mà còn xuất hiện trong nhiều hình thức học tập và công việc đời sống khác. Hiện tượng này có tên là the Learning Plateau, xuất phát từ một thuật ngữ rộng hơn là Hiệu ứng Bình nguyên (the Plateau Effect).
Hiện tượng Plateau Effect và Learning Plateau là gì?
Plateau effect hiểu là gì?
Hiệu ứng Bình nguyên là một tác động làm giảm hiệu quả của các biện pháp theo thời gian. Một ví dụ của hiệu ứng bình nguyên có thể kể đến đó là các bài luyện tập thể lực, cơ thể con người có thể làm quen dần với một bài tập khắc nghiệt nào đó, về lâu về dài, bài tập này giảm dần tác dụng và cơ thể không còn phản ứng với bài tập đó nữa.
Hiệu ứng Bình nguyên này xuất hiện trong rất nhiều khía cạnh của đời sống, từ giáo dục, kinh doanh, sức khỏe hay môi trường. Và hiện tượng Learning Plateau là một trường hợp riêng của hiệu ứng này.
Plateau effect trong quá trình học tập – Learning Plateau?
Learning Plateau được định nghĩa là một vị trí bằng phẳng trong đường cong học tập, biểu thị một khoảng thời gian ít hoặc không có tiến bộ. Sự xuất hiện và tồn tại của hiện tượng này phụ thuộc vào bản chất của nhiệm vụ và cách tiếp cận của người học và lượng kinh nghiệm trước đây người ấy đã có. Nó xảy ra thường xuyên hơn trong các nhiệm vụ liên quan đến hình thành thói quen và thực hành thường xuyên hơn là trong học tập phức tạp đòi hỏi sự suy nghĩ có tổ chức cao.
Trên thực tế có nhiều loại đường cong học tập (learning curve) và vị trí của Plateau thực tế cũng thay đổi dựa trên tính chất của nhiệm vụ hay công việc. Tuy nhiên một mô hình được cho là khá thực tế là loại Complex dưới đây:
Bạn đọc có thể thấy phần Bình nguyên (Plateau) chính là phần gần như nằm ngang ở giữa, nó là giai đoạn chuyển giao giữa trình độ trung bình đến trình độ cao cấp. Mô hình này có thể giải thích vì sao người học không thể vượt qua band 6.5 IELTS là lâu hơn các mức điểm khác và dường như không có nhiều tiến bộ đáng kể trong thời gian ngắn.
Trang thái vùng bình nguyên này dễ khiến người học cảm thấy chán nản với việc ôn luyện và dừng việc luyện tập, từ đó dẫn tới kết quả không có cải thiện. Ngoài ra, do nhu cầu học tập và làm việc, thí sinh sẽ thường chỉ đi thi khi đạt đến trình độ Intermediate, tức khoảng 6.0. Hai điều này có thể giải thích cho việc mức điểm 6.0 – 6.5 lại phổ biến nhất trong các thí sinh.
(Lý do lựa chọn mô hình Complex:
Mô hình này được mô tả là áp dụng cho trường hợp người học rèn luyện các kỹ năng, mà trong đó môi trường học có nhiều ý tố cần phải sắp xếp ưu tiên, song hành cùng với những yêu cầu trong học tập. Đối tượng bài viết này phân tích cũng là kỹ năng làm bài thi IELTS của thí sinh bởi kỹ năng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới điểm thi. Vậy nên mô hình trên phù hợp với tốc độ cải thiện kỹ năng, mà không liên quan đến tốc độ học và lĩnh hội ngôn ngữ một cách trực tiếp).
Nguyên nhân thí sinh gặp phải Learning Plateau trong quá trình ôn luyện IELTS
Nguyên nhân 1: Trình độ cao hơn dẫn đến sự phức tạp và khó khăn trong kiến thức, đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực hơn để cải thiện.
Đây là một lý do khá hiển nhiên. Ở những trình độ thấp lúc mới bắt đầu, người học sẽ học khá nhanh, sự tiến bộ có thể nhận ra được khá rõ ràng. Bởi những kiến thức ở giai đoạn khởi đầu là tương đối đơn giản và dễ thực hành nên thí sinh sẽ học được khối lượng kiến thức tương đối lớn trong khoảng thời gian ngắn.
Điều này sẽ thay đổi rõ rệt khi thí sinh tiếp cận trình độ nâng cao (khoảng 6.5 trở lên). Lúc này, thí sinh không chỉ cần học cách sử dụng ngôn ngữ đơn thuần mà còn cần phải sử dụng sao cho hiệu quả và có tính học thuật. Lượng kiến thức mới trừu tượng và khó hơn, đòi hỏi thí sinh dành nhiều thời gian và công sức hơn để học cách vận dụng. Trong khi đó thời gian làm bài không hề thay đổi, tức yêu cầu kỹ năng làm bài khắt khe hơn nhiều. Những sự thay đổi này làm cho thí sinh cảm thấy việc cải thiện điểm số ở trình độ trung cấp này khó khăn hơn nhiều so với trước đây.
Tuy nhiên, với trình độ cao hơn, thí sinh đã quen dần với nhịp độ và khối lượng kiến thức lớn nên việc cải thiện cũng vì thế mà nhẹ nhàng hơn. (Khi đến mức độ cao cấp (8.0 – 8.5) thí sinh vẫn có thể gặp một Learning Plateau khác để cải thiện lên 9.0, tuy nhiên vấn đề đó sẽ không được bàn luận trong bài viết này).
Nguyên nhân 2: Phương pháp làm bài không còn phù hợp với trình độ mới
Đây cũng là một lý do quan trọng dẫn tới trạng thái bình nguyên khi làm bài thi. Những chiến thuật và kỹ năng áp dụng cho mức điểm thấp sẽ đạt đến giới hạn của chúng khi người học đạt đến trình độ trung cấp và muốn đạt điểm số cao hơn.
Ví dụ, với bài thi nghe, ở trình độ 5.0, thí sinh có thể áp dụng cách nghe bắt từ khoá mà không cần hiểu quá kỹ nội dung hội thoại hay bài thuyết trình. Tuy nhiên, chiến thuật này sẽ trở nên kém hiệu quả khi áp dụng cho những bài có thông tin phức tạp, được paraphrase nhiều hay các ý kiến của người nói được thay đổi liên tục. Muốn dành được điểm số cao hơn, thí sinh cần phải có khả năng nghe hiểu đầy đủ ngữ cảnh, có vốn từ rộng để hiểu được các cách paraphrase đa dạng.
Một ví dụ khác là với phần thi Speaking, thói quen dịch thầm trong đầu sẽ khiến cho thí sinh gặp khá nhiều khó khăn trong việc cải thiện tính trôi chảy, mạch lạc khi nói. (Chi tiết xem tại bài viết “Cải thiện thói quen dịch thầm trong bài thi IELTS”) Trong trường hợp này, thí sinh sẽ vẫn có thể đạt được điểm số 5.0 – 6.0 bởi mức điểm này chỉ yêu cầu thí sinh có khả năng sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp một cách cơ bản. Tuy nhiên thí sinh muốn vượt qua band 6.5 IELTS, tăng mức điểm (≥ 7.0) phần thi Nói thì sẽ cần loại bỏ thói quen dịch thầm và rèn luyện khả năng suy nghĩ bằng tiếng Anh.
Lý do thứ 3: Mất động lực để cải thiện
Khi dần đạt tới trình độ trung cấp (Intermediate) với mức điểm khoảng 6.0 – 6.5, lúc này thí sinh có thể sử dụng ngôn ngữ một cách tương đối ổn: có thể nghe và đọc hiểu nhiều nội dung bằng tiếng Anh, có thể diễn đạt khá đầy đủ ý kiến bản thân thông qua ngôn ngữ viết và nói. Điều này có thể dẫn tới việc thí sinh ngại trau dồi thêm kiến thức mới, rèn luyện kỹ năng nâng cao và thay đổi tư duy làm bài.
Đẩy lùi Learning Plateau để vượt qua band 6.5 IELTS như thế nào?
Bước thứ nhất: Tạm nghỉ ngơi
Khi đã đạt đến mức điểm 6.0 – 6.5 mà cảm thấy bản thân cải thiện chậm, thi lại một vài lần nhưng điểm vẫn không tăng, đó là lúc bạn đã rơi vào trạng thái Bình nguyên và đó là lúc để tạm nghỉ ngơi một thời gian.
Lý do là bởi khi bản thân học không hiệu quả là dấu hiệu của việc não bộ không thể tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới. Để đi từ trình độ bắt đầu đến trung cấp cũng là một chặng đường khá dài và mệt, vậy nên việc tạm dừng việc ôn tập khắc nghiệt là điều cần thiết. Quãng nghỉ ngắn này vừa là lúc để bạn tiếp thêm động lực, năng lượng cho quãng đường gian nan phía trước và cũng là bước đệm cho việc hình thành cách tiếp cận mới cho việc học tập và ôn luyện.
Bên cạnh đó, quá cố gắng làm đi làm lại một việc mà không có hiệu quả sẽ khiến cho bạn cảm thấy khó chịu và mất động lực phấn đầu. Quãng nghỉ hợp lý sẽ rơi vào khoảng một vài tuần, nhưng không nhất thiết bạn cần bỏ hẳn không động đến tiếng Anh. Bạn nên xem lại kiến thức hoặc làm những hoạt động giải trí như nghe podcast hoặc xem phim để rèn luyện khả năng một cách không chủ động.
Bước thứ 2: Xác định những yêu cầu/tiêu chí của mức điểm cao hơn
Điều tiếp theo nên làm đó là xác định xem để đạt được mức điểm cao hơn, bạn cần cải thiện thêm những gì. Bạn hãy bắt đầu bằng việc tìm hiểu xem lý do vì sao mình không thể vượt qua band 6.5 IELTS, và điểm khác biệt của các band cao hơn là gì.
Ví dụ về kỹ năng Nghe, bạn sẽ cần rèn luyện khả năng nghe toàn bộ phần nói thay vì nghe bắt từ như trước đây; đối với kỹ năng Đọc, bạn cần mở rộng từ vựng để nhận biết được cụm paraphrase nhanh và chính xác hơn. Đối với hai kỹ năng Viết và Nói, bạn nên tham khảo và tìm hiểu kỹ Band Descriptors, là các mô tả chi tiết về từng mức điểm và các tiêu chí chấm điểm được cung cấp bởi đơn vị tổ chức kỳ thi. Từ đó, bạn có thể lập danh sách chi tiết về những nội dung này để hiểu rõ hơn trong quá trình ôn tập tiếp theo.
Bước thứ 3: Thay đổi phương pháp
Vấn đề của trạng thái bình nguyên đó bắt nguồn từ việc các phương pháp truyền thống trở nên phổ biến và mất đi hiệu quả của chúng. Điều này có nghĩa là khi gặp phải trạng thái này, bạn cần phải thay đổi phương pháp ôn tập và làm bài. Bước 2 là thời điểm để bạn phát hiện ra các vấn đề trong quá trình của mình và bước 3 là lúc bạn cần dũng cảm thay đổi. Mặc dù việc thay đổi phương pháp có thể gây ra sự bất tiện và làm giảm hiệu suất làm bài một chút, nhưng theo thời gian, nó có thể mang lại sự khác biệt đáng kể về hiệu suất.
Bước thứ 4: Lặp lại quá trình
Đây là một quy trình không ngừng phát triển, do đó không có điểm dừng. Khi đạt đến một mức điểm cao hơn nhất định và cảm thấy mệt mỏi, hãy nghỉ ngơi. Sau đó tiếp tục phát hiện các vấn đề trong cách thức ôn tập và tìm cách tối ưu hóa chúng. Khi đã có danh sách về các điểm cần cải thiện, hãy dũng cảm thay đổi và đầu tư nguồn lực để thạo hơn các kỹ năng mới. Cuối cùng là lặp lại quá trình này.