Khi bạn quan sát một từ quá lâu, nó có thể dần dần trở nên vô nghĩa và khó nhận diện. Đây chính là hiện tượng Jamais vu.
Có thể bạn đã nghe về Déjà vu, khi bạn trải qua một tình huống mà cảm giác như đã từng xảy ra trước đây. Ví dụ, khi bạn bước vào một quán café mới nhưng lại cảm thấy như mình đã đến đó trước đó rồi, gặp đúng nhân viên, gọi đúng món và chọn đúng chỗ ngồi.
Déjà vu khiến bạn có cảm giác như ký ức của mình bị lẫn lộn, hoặc bạn đang sống trong một thế giới song song, nơi mọi thứ diễn ra theo cách bạn đã biết trước.
Tuy nhiên, giống như nhiều người chỉ biết trái nghĩa của 'đói' là 'no' mà không biết trái nghĩa của 'khát', chúng ta còn có một hiện tượng ngược hoàn toàn với Déjà vu, đó là Jamais vu.
Jamais vu là khi bạn gặp lại một điều gì đó quen thuộc nhưng lại cảm thấy hoàn toàn mới lạ hoặc kỳ bí.
Ví dụ, bạn đã bao giờ nhìn vào khuôn mặt của một người quen và cảm thấy như đó là lần đầu tiên bạn gặp họ? Hoặc đột nhiên thấy đường đến công ty, thang máy hay hành lang phòng họp hôm nay như mới được sửa sang lại?
Tương tự như Déjà vu, Jamais vu cũng có thể xuất phát từ những 'lỗi' trong quá trình đồng bộ thần kinh não bộ. Tuy nhiên, hiện tượng này thường hiếm gặp và có thể nguy hiểm hơn nhiều so với Déjà vu.
Mặc dù nhiều trường hợp Jamais vu có thể khá nhẹ nhàng và gây cười, chúng vẫn có thể gây ra những tình huống nghiêm trọng như khiến ca sĩ quên lời khi biểu diễn, nhầm tên của người bạn hoặc viết sai một từ phổ biến. Hãy tưởng tượng một số tình huống sau đây:
Khi một phi công đang điều khiển máy bay mà bị ảnh hưởng bởi Jamais vu, các thao tác vốn quen thuộc bỗng trở nên lạ lẫm. Điều này có thể khiến anh ta phản ứng chậm hoặc thực hiện sai thứ tự công tắc, dẫn đến nguy cơ tai nạn hàng không.
Khi lái xe, đặc biệt là trên đường cao tốc, việc bị cuốn vào không gian phía trước kính chắn gió và sự chuyển động của cảnh vật bên ngoài có thể gây ra Jamais vu. Bạn có thể trở nên phân tâm và tạm thời quên cách sử dụng chân ga và chân phanh.
Không cần phải nói, Jamais vu trong những tình huống này rõ ràng là rất nguy hiểm. Vậy làm thế nào để phòng tránh hiện tượng này?
Hiệu ứng bị hút vào đường cao tốc có thể làm tăng nguy cơ tai nạn.
Thực hiện một thí nghiệm nhỏ với Jamais vu
Nếu bạn cho rằng mình chưa bao giờ trải qua cảm giác Jamais vu, hãy hồi tưởng lại thời học sinh xem có bao giờ bạn phải chép phạt hoặc học từ vựng tiếng Anh bằng cách viết đi viết lại nhiều lần không?
Nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Grenoble Alpes, Pháp đã chứng minh rằng họ có thể kích thích trải nghiệm Jamais vu trong phòng thí nghiệm bằng cách yêu cầu các tình nguyện viên thực hiện việc 'chép phạt' như vậy. Họ đã được trao giải Ig Nobel cho nghiên cứu này.
Thí nghiệm được thực hiện như sau: 94 sinh viên đại học được yêu cầu viết đi viết lại một từ trên giấy càng nhanh càng tốt. Trong suốt quá trình viết, các tình nguyện viên được phép dừng lại bất cứ lúc nào nếu cảm thấy mệt mỏi, buồn chán, hoặc cảm thấy có điều gì đó kỳ lạ.
Trong quá trình này, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng 70% số lần dừng lại của tình nguyện viên xảy ra vì họ cảm thấy từ viết lại trở nên kỳ lạ và khó hiểu. Nhiều người thậm chí nghi ngờ từ đó không có thật hoặc mình đang viết sai chính tả của một từ phổ biến.
'Khi bạn nhìn vào một từ quá lâu, nó sẽ dần mất đi ý nghĩa của mình', một tình nguyện viên chia sẻ. Một người khác nói: 'Tay tôi cứ chép liên tục mà không kiểm soát, cho đến khi tôi nhận ra có gì đó sai. Từ tôi đang viết dường như không đúng, nó trông giống từ nhưng lại chẳng có ý nghĩa gì. Tôi tự hỏi có ai đó đã lừa tôi rằng đây là một từ có nghĩa hay không?'.
Hình ảnh minh họa.
Các nhà nghiên cứu cho biết hiện tượng này bắt đầu xuất hiện sau khoảng 1 phút 'chép phạt', khi tình nguyện viên đã viết khoảng 33 từ. Hiện tượng xảy ra nhanh hơn với các từ quen thuộc. Ví dụ, với từ 'the', mạo từ phổ biến nhất trong tiếng Anh, trạng thái kỳ lạ này xảy ra với tỷ lệ 55% sau 27 lần chép.
'Hiện tượng được quan sát trong thí nghiệm này liên quan đến những trải nghiệm lạ lẫm trong thế giới thực', các nhà nghiên cứu ghi trong bài viết của họ đăng trên tạp chí Memory. 'Chúng tôi cho rằng đây chính là biểu hiện của Jamais vu'.
Vì sao hiện tượng Jamais vu lại xảy ra?
Thí nghiệm của nhóm nghiên cứu tại Đại học Grenoble Alpes thực chất là một phiên bản mở rộng của nghiên cứu do Margaret Floy Washburn, nhà tâm lý học người Mỹ, thực hiện vào năm 1907. Washburn đã yêu cầu các tình nguyện viên nhìn chằm chằm vào một từ trong suốt 3 phút.
Sau khi thực hiện, các tình nguyện viên cảm thấy những từ quen thuộc trở nên kỳ lạ, tách rời và mất đi ý nghĩa vốn có của chúng.
Các nhà khoa học giải thích rằng hiện tượng này liên quan đến khái niệm 'suy luận vô thức' do nhà vật lý Hermann Helmholtz đề xuất vào thế kỷ 19. Khái niệm này cho rằng mặc dù giác quan của chúng ta không hoàn hảo, nhưng não bộ sẽ vô thức suy luận từ những gì mắt thấy để tạo ra hình ảnh hoàn chỉnh, và những suy luận đó có thể đúng hoặc sai.
Quá trình suy luận này đã xảy ra liên tục từ khi chúng ta ra đời. Ví dụ, khi nhìn lên bầu trời, ai cũng sẽ vô thức nghĩ rằng Mặt Trời đang di chuyển, cho đến khi học rằng chính Trái Đất mới là thứ quay quanh Mặt Trời.
Nicolaus Copernicus, nhà thiên văn người Ba Lan, từng tự hỏi: 'Có phải Mặt Trời quay quanh Trái Đất không?'.
Khi chúng ta tiếp nhận và xử lý ngôn ngữ, bộ não hoạt động trong trạng thái suy luận vô thức. Tuy nhiên, nếu nhìn và đọc một từ quá lâu, trạng thái này bị gián đoạn. Não bộ sẽ bắt đầu nghi ngờ về tính 'có thật' của từ đó, tương tự như Nicolaus Copernicus đã từng nghi ngờ: 'Có phải Mặt Trời quay quanh Trái Đất không?'.
Trong trường hợp của Copernicus, việc tự kiểm tra lại suy nghĩ vô thức đã dẫn chúng ta đến sự thật về thuyết nhật tâm. Nhưng khi bạn thấy một từ trở nên lạ lẫm, bạn có thể tìm ra sự thật gì từ đó?
Đó là sự vô nghĩa của ngôn ngữ.
Cuối cùng, ngôn ngữ chỉ là sự thỏa thuận của chúng ta về cách kết hợp các chữ cái, ký hiệu và âm thanh vô nghĩa để tạo thành từ có ý nghĩa nhằm truyền đạt thông tin.
Ví dụ, với từ 'là', một trong những từ phổ biến nhất trong tiếng Việt. Hãy thử viết từ này liên tục trên giấy hoặc nhìn chằm chằm vào nó trong 3 phút. Liệu bạn có tự hỏi: 'Tại sao 'là' lại có nghĩa là 'là'? Ai đã nghĩ ra từ 'là'? Tại sao không dùng từ 'lờ' mà lại chọn 'là'? Tại sao 'l' lại kết hợp với 'à'? Tại sao… tại sao...'
Thực tế, khi đọc một từ một cách vô thức, chúng ta tiếp nhận nó như một tổng thể nhờ vào suy luận vô thức. Tuy nhiên, khi nhìn vào từ đó quá lâu, cấu trúc tổng thể của từ bị phá vỡ vì não bộ phân tích từng chữ cái một cách riêng lẻ. Đây là lý do tại sao từ ngữ bỗng nhiên trở nên lạ lẫm.
Điều này có thể giải thích vì sao hiện tượng Jamais vu xảy ra, theo các nhà khoa học.
'Jamais vu là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó đang trở nên quá quen thuộc, quá tự động và lặp đi lặp lại. Nó giúp chúng ta 'thoát ra' khỏi quá trình xử lý hiện tại và cảm giác không thực tế thực chất là một cách kiểm tra thực tế', Chris Moulin, giáo sư tại Phòng thí nghiệm Tâm lý học và Nhận thức thần kinh, Đại học Grenoble Alpes, đã viết trong nghiên cứu của mình.
Nếu không có hiện tượng Jamais vu, con người có thể chỉ dựa vào suy luận vô thức mà không kiểm tra lại thực tế. Điều này có thể dẫn đến những hiểu lầm như Mặt Trời quay quanh Trái Đất, Trái Đất phẳng, hay vật nặng rơi nhanh hơn vật nhẹ…
'Điều này là cần thiết và hợp lý. Hệ thống nhận thức của chúng ta cần phải linh hoạt, giúp chúng ta tập trung vào những vấn đề cần thiết thay vì bị mắc kẹt trong các nhiệm vụ lặp đi lặp lại quá lâu', giáo sư Moulin giải thích.
Nhưng đôi khi, điều này có thể đặt chúng ta vào tình huống nguy hiểm
Việc kiểm tra lại thực tại để phá vỡ các suy luận vô thức là yếu tố chính giúp con người phát hiện và bác bỏ nhiều kiến thức sai lầm. Trong một khoảnh khắc nào đó, Jamais vu có thể đưa chúng ta đến chân lý và thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học và xã hội.
Isaac Newton sẽ không phát hiện ra định luật vạn vật hấp dẫn nếu ông không tự hỏi những điều hiển nhiên như: Tại sao quả táo lại rơi xuống đất? Archimedes sẽ không khám phá ra lực đẩy của nước nếu không cảm thấy việc nổi lên trong bồn tắm là điều quá kỳ lạ.
Mỗi lần trải nghiệm Jamais vu có thể mở ra cơ hội cho một khoảnh khắc 'Eureka'. Nhưng đôi khi, nó cũng có thể dẫn đến khoảnh khắc 'Ahhhhh…'.
Isaac Newton sẽ không phát hiện ra định luật vạn vật hấp dẫn nếu ông không tự đặt ra những câu hỏi tưởng chừng như hiển nhiên, như: Tại sao quả táo lại rơi xuống đất?
Ví dụ, khi bạn lái xe và thực hiện các hành động như nhấp nhả chân ga, chân phanh và quay vô lăng liên tục, khoảnh khắc Jamais vu có thể xuất hiện bất ngờ, làm bạn nghi ngờ về thứ tự thực hiện các hành động này.
Nếu Jamais vu xảy ra đúng lúc bạn cần giảm tốc gấp, bạn có thể bối rối, không phân biệt được chân phanh và chân ga. Điều này có thể khiến bạn không giảm tốc đúng lúc, thậm chí đạp nhầm chân ga để tăng tốc và gây ra tai nạn nghiêm trọng.
Tình huống tương tự có thể xảy ra trong buồng lái máy bay, nơi các phi công quen thuộc với thứ tự các nút bấm trên bảng điều khiển. Nếu đột nhiên hệ thống trở nên lạ lẫm, họ có thể thao tác nhầm và gây ra thảm họa.
Những người làm việc với máy móc công nghiệp như thợ may, thợ bảo trì máy, hay người làm việc trên dây chuyền cũng có thể gặp phải Jamais vu khi công việc của họ yêu cầu thực hiện các động tác giống hệt nhau liên tục.
Để phòng tránh các thảm họa do Jamais vu, bạn có thể thực hiện những biện pháp sau:
1. Tránh lặp lại hành động quá nhiều: Jamais vu thường xảy ra khi bạn thực hiện một hành động lặp đi lặp lại quá nhiều, khiến nó trở nên quá quen thuộc và mất ý nghĩa. Cố gắng thay đổi hoạt động hoặc nghỉ ngơi thường xuyên nếu bạn cần lặp lại một nhiệm vụ. Ví dụ, nếu bạn học thuộc văn bản hay làm công việc đơn điệu, hãy nghỉ giải lao để giữ sự tập trung và năng lượng.
2. Giữ cho tâm trí linh hoạt: Đổi mới hoạt động và thói quen để giữ cho não bộ linh hoạt. Tham gia vào các hoạt động trí tuệ như giải đố, học ngôn ngữ mới, hoặc thử thách bản thân với các nhiệm vụ khác nhau để duy trì sự nhạy bén của não bộ và giảm nguy cơ Jamais vu.
3. Tăng cường sự chú ý: Khi thực hiện các công việc quan trọng, duy trì sự chú ý cao và tập trung vào từng chi tiết nhỏ. Điều này giúp bạn tránh tình trạng tự động hóa quá mức và giảm cảm giác lạ lẫm với những gì bạn đang làm.
4. Quản lý căng thẳng: Căng thẳng và lo âu có thể làm tăng khả năng trải qua Jamais vu. Thực hành các kỹ thuật quản lý căng thẳng như thiền, hít thở sâu, hoặc tập thể dục thường xuyên để giữ tâm trí và cơ thể cân bằng.
5. Chăm sóc sức khỏe tinh thần: Duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm ngủ đủ giấc, chế độ ăn uống cân đối và tham gia các hoạt động xã hội. Một tâm trí khỏe mạnh và được nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giảm nguy cơ Jamais vu.