Hướng nội và hướng ngoại là hai khái niệm về tính cách phổ biến nhất, thường được sử dụng để khám phá bản thân. Bạn có bao giờ cảm thấy mắc kẹt giữa tính cách của mình, tiếc nuối vì không ra ngoài nhiều hơn, hay muốn bớt lo lắng? Hoặc đơn giản là muốn thân thiện hơn với mọi người? Bạn có lúc thấy mình là người hướng nội, nhưng lúc khác lại như người hướng ngoại.
Nếu bạn đang cảm thấy mơ hồ về tính cách của mình, có thể bạn đang hiểu nhầm về hướng nội và hướng ngoại. Dưới đây là những ngộ nhận phổ biến về hai loại tính cách này và cách để bạn xác định bản thân một cách dễ dàng.
1. Người hướng nội ít nói, người hướng ngoại giỏi giao tiếp
Người hướng nội thường được cho là ít nói, chậm chạp hoặc thậm chí nhút nhát, trong khi người hướng ngoại được cho là quảng giao và khéo léo trong giao tiếp.
Thực tế, người hướng nội cảm thấy thoải mái hơn với các hoạt động đơn lẻ hoặc trò chuyện gần gũi, thân mật với một hoặc một nhóm nhỏ. Ngược lại, người hướng ngoại lại được tiếp thêm năng lượng từ các hoạt động xã hội đông người như tiệc tùng hay hoạt động nhóm.
Ngoài ra, giao tiếp là một kỹ năng cần rèn luyện để trở nên thành thạo. Điều này có nghĩa là ngay cả những người hướng ngoại đôi khi cũng cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi khi phát biểu trước đám đông.