Theo Tiến sĩ Wendy Silverman, chuyên gia tâm lý học và giám đốc của Chương trình Nghiên cứu Rối loạn Lo âu Trẻ em tại Đại học Yale: 'Hầu hết trẻ từ 3 đến 12 tuổi đều trải qua giai đoạn sợ bóng tối và cô đơn'.
Nỗi sợ này có thể gây mất ngủ, ảnh hưởng đến khả năng tập trung và ghi nhớ. Đồng thời, nó còn khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, quấy khóc và hệ thống miễn dịch suy yếu. Vậy làm thế nào để cha mẹ giúp giảm nỗi sợ bóng tối của con và giúp chúng vượt qua giai đoạn này? Cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ vượt qua nỗi sợ bóng tối. Nguồn: sheknows
Tương tác và động viên trẻ
Một số phụ huynh có thể coi việc trẻ sợ bóng tối là điều bình thường và nghĩ rằng nó sẽ qua đi khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên, có những trường hợp trẻ gặp vấn đề tâm lý liên quan đến nỗi sợ này, nếu không có sự quan tâm từ phía cha mẹ.
Do đó, điều quan trọng đầu tiên là cha mẹ cần chấp nhận nỗi sợ của trẻ và cùng chia sẻ và vượt qua với chúng. Bằng cách tương tác và lắng nghe trực tiếp từ trẻ về nguyên nhân làm cho chúng sợ bóng tối. Từ đó, cha mẹ có thể hiểu rõ hơn, động viên và giải thích cho trẻ hiểu về nỗi sợ này.
Cha mẹ hãy tương tác và lắng nghe trẻ để hiểu rõ nguyên nhân khiến trẻ sợ bóng tối. Nguồn từ squarespace
Hỗ trợ trẻ vượt qua nỗi sợ
Một cách khác để giúp trẻ vượt qua nỗi sợ bóng tối là cha mẹ dẫn dắt chúng đối mặt trực tiếp với nỗi sợ bằng cách giảm ánh sáng từ đèn ngủ hoặc giảm số lần ngủ chung với cha mẹ. Cho đến khi chúng có thể tự mình ngủ trong bóng tối.
Biến bóng tối thành thú vị
Trẻ sẽ cảm thấy ít sợ bóng tối hơn khi cha mẹ tạo ra những hoạt động thú vị mà chúng có thể thực hiện trong bóng tối. Ví dụ như chiếu đèn ngủ lên tường để tạo hình các con vật, chim hoặc cá hoặc đọc sách dưới ánh đèn pin dưới tấm chăn, hoặc trang trí phòng ngủ của bé với những ngôi sao phát sáng trên trần và tường.
Theo Tiến sĩ Krystal Lewis, chuyên gia tâm lý học lâm sàng và nhà nghiên cứu tại Viện Quốc gia Hoa Kỳ: 'Khi cha mẹ tạo ra những hoạt động thú vị trong bóng tối, đây là một hình thức trị liệu giúp trẻ thích nghi với bóng tối'.
Bài viết liên quan: Vì sao cha mẹ nên giúp trẻ phát triển lòng tự tôn ? Hướng dẫn bằng những phương pháp đơn giản
Hãy cùng trẻ đọc sách dưới ánh đèn pin dưới tấm chăn. Nguồn từ bookriot
Vật dụng quen thuộc khi đi ngủ
Theo Gene Beresin, giáo sư tâm thần học tại Trường Y Harvard ở Boston: 'Đối với một đứa trẻ, khi đi ngủ có các vật dụng quen thuộc như gối ôm, búp bê hoặc gấu bông có thể làm cho bé cảm thấy an toàn và gần gũi như cha mẹ đang ở bên. Đối với trẻ, những đồ vật đó mang ý nghĩa của sự an ủi và xoa dịu'.
Hơn nữa, những vật phẩm này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ trở nên mạnh mẽ để đối mặt với nỗi sợ bóng tối.
Tránh các yếu tố gây ra nỗi sợ bóng tối cho trẻ
Các chuyên gia khuyên rằng các phụ huynh không nên sử dụng hình ảnh hoặc kể những câu chuyện đáng sợ cho trẻ trước khi đi ngủ. Bởi điều này có thể kích thích tưởng tượng của trẻ và gây ra những ý nghĩ đáng sợ cho chúng.
Việc cha mẹ không kể những câu chuyện đáng sợ cho trẻ trước khi đi ngủ sẽ giúp chúng cảm thấy an tâm hơn. Nguồn từ bustle
Trẻ nhỏ thường gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa thực tế và tưởng tượng. Vì vậy, những nhân vật đáng sợ trong các chương trình hoạt hình hoặc những hình tượng mà cha mẹ mô tả để hăm dọa trẻ nếu chúng không nghe lời có thể trở thành mối đe dọa dẫn đến việc trẻ sợ bóng tối. Hậu quả nghiêm trọng hơn là những hình ảnh đáng sợ đó có thể xuất hiện trong giấc mơ của trẻ dưới dạng ác mộng.
Phần thưởng nhỏ
Hãy động viên trẻ bằng cách cho chúng những phần thưởng nhỏ mỗi khi vượt qua nỗi sợ bóng tối.
Những phần thưởng nhỏ đánh dấu mỗi bước tiến trên hành trình của trẻ trong việc vượt qua nỗi sợ bóng tối. Ví dụ, khi trẻ không chạy sang phòng của cha mẹ sau một đêm mất ngủ vì sợ bóng tối, đó là một bước tiến lớn trong việc vượt qua nỗi sợ đó.
Tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý
Khi nên đưa trẻ đến bác sĩ tâm lý? (Nguồn: freepik)
Điều quan trọng nhất để giúp trẻ vượt qua nỗi sợ bóng tối là cha mẹ hãy kiên trì đồng hành và luyện tập cùng với trẻ. Tuy nhiên, phụ huynh nên tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý nếu nỗi sợ bóng tối của trẻ ngày một nghiêm trọng và tinh thần của chúng bất ổn.
Giấc ngủ đối với trẻ thực sự rất quan trọng. Vì vậy, việc giúp trẻ vượt qua nỗi sợ bóng tối cũng đóng một vai trò quan trọng không kém. Trước khi giúp trẻ vượt qua nỗi sợ, cha mẹ hãy dành thời gian để trò chuyện, lắng nghe và tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân trẻ sợ bóng tối để từ đó đưa ra cách giải quyết phù hợp.
Thanh Lam tổng hợp từ Parents